V. Mai-a-cốp-xki nhà thơ lỗi lạc của nước Nga có nói: "Trên đường đời, hành lí con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng". Hãy bình luận ý kiến đó

Cuộc đời của mỗi người dài hay ngắn? Hành trang, hành lí của mỗi người cần mang theo trên đường đời là gì? Mỗi người sẽ tuỳ cảnh ngộ, tuỳ khả năng, tuỳ quan niệm mà có cách ứng xử, hành động không giống nhau.

V. Mai-a-cốp-xki, nhà thơ lỗi lạc của nước Nga có nói: "Trên dường dời, hành lí con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu dựng".

Thật ra, có muôn nghìn cách ứng xử, hành động. Cô cậu học trò, nam nữ sinh viên thì hành trang cần mang theo là chí hướng, lòng hiếu học, trí thông minh. Người đi buôn, làm kinh tế thì hành lí là vốn (tiền bạc), là tay nghề. Người lính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiến thức quân sự. Cô chiêu, cậu ấm thời xưa và thời nay cũng thế, hành lí mang theo là thói ăn chơi, là nhiều vàng, nhiều đô la! Đọc hồi kí của nhà văn Tô Hoài, đoạn văn viết về thi sĩ Nguyễn Bính, ta cảm thấy lạ và buồn cười. Nhà thơ "chân quê" chỉ có hai bộ quần áo cà tàng, không một đồng xu dính túi, chỉ có một cái hộp sắt tây, trong đó đựng một vài bức thư tình (của một vài cô nào gửi đến), một vài bài thơ tình, thế mà thi sĩ "Lỡ bước sang ngang" lúc thì lên Bắc Ninh chơi lúc thì lên Đại Từ (Thái Nguyên), lúc thì vào Huế, rồi "Hành phương Nam", v.v... Có thể mượn hai câu thơ của Nguyễn Trãi để nói về hành lí của thi sĩ Nguyễn Bính (trước năm 1945): Thơ một hai phiêu làm bầu bạn / Rượu năm ba chén đổi công danh".

Chịu đựng

Trở lại ý kiến của V. Mai-a-cốp-xki. Ông đã nói câu này vào những năm đầu của thập niên ba mươi, thế kỉ 20, khi Cách mạng tháng Mười mới thành công, nước Nga bị thù trong giặc ngoại bao vây bốn phía. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, nhà thơ Nga đã chỉ rõ lòng kiên nhẫn và tính kiên nhẫn là hành lí cần mang theo của người dân Nga, của thanh niên Nga thời bấy giờ.

Chỉ xét về yếu tố tinh thần thì câu nói của V. Mai-a-cốp-xki thời nào cũng đúng, đối với nhiều người trong chúng ta vẫn đúng.

Hành lí là gì? Lòng kiên nhẫn là gì? Tính chịu đựng là gì?

Hành lí là đồ dùng mang theo khi đi xa.

Lòng kiên nhẫn là tinh thần bền bỉ, không nản lòng khi hành động, dù phải đốí mặt với khó khăn, thử thách.

Chịu đựng là thái độ, tinh thần chấp nhận trước hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nặng nề.

Lòng kiên nhẫn, tinh thần chịu đựng tạo nên bản lĩnh sống của con người, không cam tâm chịu thất bại và gục ngã trước mọi thử thách.

Tại sao, lòng kiên nhẫn chịu đựng là hành lí con người cần mang theo trên đường đời?

Có lòng kiên nhẫn mới có tính chịu đựng; kiên nhẫn gắn liền với nhẫn nhục, mới biết ngậm đắng nuốt cay mà vẫn tự trọng, không thèm luồn cúi, xu nịnh. Và có tính chịu đựng mới thể hiện lòng kiên nhẫn, kiên cường.

Lòng kiên nhẫn, tính chịu đựng là nguồn sức mạnh tiềm tàng để vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Đường đời không là một màu hồng đầy hoa thơm trái ngọt mà có muôn vàn thử thách, khó khăn; không chỉ nhiều thiên tai địch họa mà còn do lòng người ác hiểm cài đặt cạm bẫy khắp nơi, cho nên người chân chính nhờ có tài trí, nhờ có nghị lực (lòng kiên trì, tính chịu đựng) mới có thể vượt qua.

Đúng như có người đã nhắc nhở: '''Kiên trì là yến tố tạo nên hàn lĩnh sống và chiến đấu để vượt qua thử thách, để chiến thắng mọi hiểm nghèo". Cụ Phan Bội Châu (1967-1940) nhà chí sĩ yêu nước vĩ đại của dân tộc ta đầu thế kỉ XX, trong bài thơ "Thất bại là mẹ thành công", có viết:

Càng nhiều thất bại

Càng chắc thành công.

Xin chớ ngã lòng,

Xin càng bền chí

Ngã rồi liền dậy;

Muôn dặm không xa,

Chèo mãi sẽ qua

Bờ kia hẳn tới...

Lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng cho ta niềm tin; "Hết mưa là nắng, hửng lên thôi... Hết khổ là vui vốn lẽ đời" (Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh).

Trên đường đời, với sức lao động kiếm được bát cơm manh áo, thật không dễ; học hành để mở mang kiến thức, để lập nghiệp, để làm ăn, xây dựng một cuộc sống yên vui hạnh phúc, lại càng khó. Bởi lẽ "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông" (Nguyễn Bá Học). Nhưng với lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng mà ta vươn lên với niềm tin mãnh liệt "mài sắt nên kim".

Kiên nhẫn và chịu đựng

Cuộc đấu tranh chống lại hệ thống quan lại tham nhũng hiện nay là cực kì khó khăn vì bị sự chống trả dữ dội, ác liệt của cường quyền bạo lực, nhưng với động cơ trong sáng vì nước vì dân, với niềm tin mãnh liệt vào chân lí và công lí, với lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng mà có công dân vãn dám làm, vẫn quyết tâm làm.

Trái với lòng kiên nhẫn, tính chịu đựng là tư tưởng yếu hèn như sợ khó, sợ khổ, nản lòng, nhụt ý chí khi đứng trước mọi thử thách khó khăn. Không bền bỉ, không kiên trì nhẫn nại thì không làm nên được bất cứ công việc gì! Đường đời đầy chông gai và gian khổ. Phải có chí khí, dũng khí và niềm tin mới có thể vươn lên được. Vấp ngã rồi phải gắng gượng đứng dậy. Và phải tỉnh táo suy xét về sự vấp ngã. Phải biết kiên trì chịu đựng, phải nhẫn nhục ngậm đắng nuối cay, tôi luyện trên đường đời mới nên người, mới tìm được ánh sáng.

Chúng ta cần ghi nhớ: 'Trí tuệ là ngọn đèn; nghị lực là sức mạnh". Những câu thơ sau đây của Hồ Chí Minh nêu lên bài học về lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng cho mỗi chúng ta:

- Sống ở trên đời, người nào cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công.

- Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

(Nhật kí trong tù)

Tóm lại, lòng kiên nhẫn cho ta sức mạnh. Tính chịu đựng cho ta niềm tin và hy vọng. Thật vậy, trên đường đời, hành lí con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng. Đó là bài học rèn luyện bản lĩnh sống và chiến đấu cho tuổi trẻ chúng ta.

Leave a Reply