Văn nghị luận - Hạnh phúc là gì?

Một sớm mùa xuân, khi nhìn nụ hoa đỏ hồng vươn lên từ thân xương rồng xù xì gai nhọn bên cửa sổ, tôi nghe lòng mình xốn xang một cảm xúc khó tả. Lần đầu tiên cầm trên tay tập sách Hạnh phúc là gì? Tập hợp những bức thư của Nguyễn Văn Thạc và Phạm Thị Như Anh tôi tự hỏi lòng mình: phải chăng khi Như Anh hỏi Thạc: “Hạnh phúc là gì?” thì cả hai cùng mơ về một ngày xa xôi phía trước - 30/4 - Ngày hạnh phúc? Và phải chăng cảm giác khi tôi nhìn thấy mầm hoa ấy chính là cảm giác hạnh phúc?

Hạnh phúc là gì?

Học giả Trung Quốc - Lâm Ngữ Đường khi bàn về sống đẹp có nói: “Hạnh phúc của ta thuộc về cảm giác”. Mỗi người có một cảm giác về hạnh phúc khác nhau nhưng xét cho cùng đó là niềm hân hoan, vui sướng của tâm hồn. Ta thấy hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt của người cha khi đứa con xa về thăm nhà. Hạnh phúc hiện hình trong nụ cười móm mém của người bà khi thấy đứa cháu đùa chơi vui vẻ. Hạnh phúc tuôn trào cùng giọt nước mắt của mẹ lần đầu tiên nghe con bập bẹ tiếng “mẹ” thiêng liêng. Một tiếng nói ríu rít của trẻ thơ, một tiếng nước reo sôi trong căn phòng ấm áp, ánh đèn vàng dịu dàng hắt qua khe cửa một chiều đông buốt giá cũng là những vang ngân nhẹ nhàng của bản nhạc hạnh phúc trong khúc giao hưởng cuộc đời...

Tôi nhớ có lần đã nghe thấy tiếng reo vui sướng và nét mặt rạng rỡ của một cậu bé khi ngắm bình minh trên biển. Niềm vui được nhìn thấy vẻ đẹp của hừng đông. Hạnh phúc đơn sơ của cậu bé gợi tôi nghĩ đến cảm giác hạnh phúc khi biết lắng nghe, cảm nhận những âm thanh, vẻ đẹp của cuộc sống... Có hạnh phúc lớn lao, kì vĩ mang tầm nhân loại. Có hạnh phúc lại giản dị, nhỏ nhoi như nốt nhạc trong veo, êm ái giữa ngàn vạn thanh âm của sự sống muôn màu.

Có thể với ai đó hạnh phúc là đạt được điều mình ao ước, với người khác là mọi chuyện suôn sẻ, dễ dàng. Nhưng dường như khi có được những điều ấy, con người ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn mà chỉ là phút thoảng qua, chợt đến, chợt đi. Hạnh phúc đâu phải là những gì hữu hình mà cân, đo, đong, đếm. Hạnh phúc cũng không phải là thứ cảm giác được thỏa mãn mọi nhu cầu, càng không thể là sự chiếm đoạt, sở hữu. Hạnh phúc ở bên ta, trong ta, nếu ta biết bằng lòng với những gì mình có, những điều hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày.

Hạnh phúc là quyền đáng được hưởng của con người, nó thuộc về nhân quyền. Đó là tại sao trên quốc hiệu Việt Nam, bên cạnh Độc lập, Tự do là Hạnh phúc. Đó cũng là lí do để một đất nước nhỏ bé mà văn minh như Bhutan từ ba thập kỉ qua đã đo chỉ số phát triển quốc gia bằng tổng số hạnh phúc của người dân nước mình (chỉ số 6NII). Hạnh phúc là một tiêu chí cho sự phát triển và cũng là cứu cánh của con người ở mỗi nấc thang đời sống.

Hạnh phúc được tìm thấy trong sự bình an nội tâm

Hạnh phúc được tìm thấy trong sự bình an nội tâm, và cũng được tìm thấy trong sự cảm thông chia sẻ cộng đồng. Đó là cảm giác của người nhiễm HIV/AIDS khi được mọi người chấp nhận, là cảm giác của những người già hay em nhỏ nhận được sự chăm sóc tận tình trong những viện dưỡng lão hay trại trẻ mồ côi...

Tục ngữ Ấn Độ có câu: “Hạnh phúc là kết quả của hành vi đạo đức”, ngạn ngữ Nhật Bản lại cho rằng: “Đau khổ là cây cầu đưa đến hạnh phúc”. Với những hành vi đúng đắn, chuẩn mực, hạnh phúc là sự thanh thản của tâm hồn nhưng phải trải qua khổ đau ta mới biết trân trọng hạnh phúc mình đang có. Dường như càng trong nỗi cay cực, người ta càng hiểu sâu sắc hạnh phúc giản dị vốn có của mình. Hay đôi khi, sự mất mát cũng dạy ta quý trọng hơn những gì không còn nữa và nâng niu những gì đang gắn bó với mình...

Có người ví hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi vảy lên người khác thì sẽ vương lại ít nhiều trên ta. Câu nói ẩn chứa một kinh nghiệm cuộc đời của người từng trải. Hạnh phúc không khó tìm, nó đến khi ta biết đọc niềm vui của mình trong niềm hân hoan của người khác. Nó là cảm giác mỗi khi ta làm cho người khác vui.

Nếu cuộc sống chỉ biết đến riêng bản thân mình, ích kỉ và nhỏ nhen thì con người cũng như biển Chết, vĩnh viễn cô độc và không thể hoà mình cho sự sống sinh sôi. Biết hoà nhập cùng nhịp đời sôi động quanh mình, mỗi người thấy ở đó niềm an ủi cho những vết thương. Hạnh phúc cá nhân tìm thấy trong hạnh phúc cao cả của cộng đồng. Đóng góp sức mình cho cuộc đời không phải là mất mát, thiệt thòi mà là phút ấm lòng và đủ đầy khi cho đi không vụ lợi. Có lẽ vì thế mà M. Gorki từng nói: “Cảm thấy mọi người thân thiết với mình, cần đến mình là điều thú vị nhất, sung sướng nhất”.

Người mẹ nào cũng là người hạnh phúc nhưng mẹ Têrêsa là người hạnh phúc hơn tất thảy vì mẹ trao tặng yêu thương cho bao cuộc đời bất hạnh, gieo niềm tin vào những số phận đắng cay. Đức Phật dạy “cứ cho đi rồi sẽ nhận”. Khi ta gửi thông điệp nhân ái, nhận về sẽ là niềm vui; khi gửi đi một nụ cười, một ánh nhìn âm áp, nhận về sẽ là hạnh phúc chứa chan. Một lời nói đúng lúc, cái siết tay ân tình là cầu nốì hạnh phúc giữa những tâm hồn. Hạnh phúc cho ta phút nghỉ ngơi sau một hành trình dài rộng, hạnh phúc mỉm cười tiếp nghị lực đến vinh quang.

Càng học hỏi thêm nhiều điều hay ta càng hiểu được biên giới không cùng của hạnh phúc. Địa hạt ấy không giới hạn bất kì ai nhưng không phải ai cũng khám phá ra con đường đến đó. Phải chăng vì không có một con đường mòn nào dẫn đến hạnh phúc? Đôi khi ta cố gắng thật nhiều chỉ để mong có được một điều giản dị - nụ cười trên môi người mình thương yêu. Hạnh phúc lúc ấy là một phần thưởng trong giỏ quà cuộc sống. Đó là một nụ cười thật hiền của mẹ, là một tiếng cười vang hồ hởi của cha... Với ai đó, hạnh phúc gắn với điều này, điều kia, riêng tôi, mỗi ngày được nghe tiếng nói ấm áp và vui vẻ của những người thân và bạn bè là những niềm hân hoan không có gì sánh nổi...

Leave a Reply