Văn nghị luận: Hịch tướng sĩ

I. Giới thiệu một vài nét về hịch, hoàn cảnh ra đời của "Hịch tướng sĩ", bố cục bài "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn

l. Hịch là gì?

Hịch là một trong những thể văn cổ. Về nội dung là lời kêu gọi chiến đấu, nêu cao chính nghĩa, vạch trần bộ mặt tham lam, tàn bạo của quân thù, nhằm kích động tình cảm, tinh thần của quần chúng để tập hợp lực lượng chiến đấu. Vua chúa, tướng lĩnh, thủ lĩnh một phong trào mới viết hịch, về hình thức nghệ thuật, hịch thường được viết bằng văn xuôi cổ (văn biền ngẫu) có đối; giọng văn mạnh mẽ, hùng hồn.

Trong lịch sử nước ta có nhiều bài hịch nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Hịch đánh chúa Nguyễn của Tây Sơn, Hịch đánh quân Thanh của Quang Trung, Hịch Cần Vương đánh Pháp, v.v... Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa như những bài hịch đánh Pháp và chống Mĩ xâm lược.

2. Hoàn cảnh lịch sử ra đời của "Hịch tướng sĩ"

Năm 1258, giặc Mông Cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, và chúng đã bị thất bại thảm hại. Sau đó, chúng vẫn sai sứ sang nước ta nhũng nhiễu bắt cống nạp vàng bạc, ngọc lụa, âm mưu thôn tính Đại Việt. Những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XIII, giặc Mông Cổ càng ra sức hoành hành, ngọn lửa chiến tranh sắp bùng lên dữ dội. Để chuẩn bị chiến tranh, nhà Trần đã tăng cường bố phòng biên cương phía Bắc và ải Vân Đồn, mở hội nghị Diên Hồng và hội nghị quân sự Bình Than vào cuối năm 1283, đầu năm 1284. Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông cử giữ chức Quốc công Tiết chế thống lĩnh.

Trần Quốc Tuấn đã soạn thảo cuốn "Binh thư yếu lược " và viết "Hịch tướng sĩ" để làm tài liệu học tập quân sự cho tướng sĩ, đồng thời kêu gọi tướng sĩ học tập binh thư, sẵn sàng chiến đấu để chiến thắng giặc Mông Cổ. Có thể Trần Quốc Tuấn đã viết "Hịch tướng sĩ" vào các năm 1283 - 1284, trước khi 50 vạn quân Mông Cổ do Thoát Hoan cầm đầu kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285).

3. Bố cục bài "Hịch tướng sĩ"

Căn cứ vào nội dung, ta có thể chia "Hịch tướng sĩ" thành 5 phần:

1. "Ta thường nghe... đến nay còn lưu tiếng tốt". Nêu gương các trung thần nghĩa sĩ đã xả thân cứu nước cứu chúa (trong Bắc sử) để kích thích tinh thần trung dũng của tướng sĩ.

2. "Huống chi ta cùng các ngươi ta cũng vui lòng". Lòng căm thù sôi sục và tinh thần quyết chiến của vị thống soái trước tội ác và dã tâm xâm lược của giặc Mông Cổ.

3. "Các ngươi ở cùng ta... dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?": nhắc lại những ân nghĩa sâu nặng giữa chủ soái với các tướng sĩ; phê phán tư tưởng cầu an hưởng lạc, mất cảnh giác của các tướng sĩ, nghiêm khắc chỉ ra con đường bại vong đau đớn nhục nhã.

4. "Các ngươi ở cùng ta ... dẫu các ngươi không muốn vui vẻ phỏng có được không? ". Xác định tinh thần, thái độ sẵn sàng chiến đấu, cho các tướng sĩ khi Tổ quốc lâm nguy; chỉ ra viễn cảnh huy hoàng thắng trận "có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cáo Nhai "...

5. "Nay ta chọn binh pháp các nhà .... để các người biết bụng ta". Nêu yêu cầu cụ thể cho các tướng sĩ hãy ra sức học tập binh thư để giữ trọn đạo thần chủ, nghiêm khắc cảnh cáo những kẻ "khinh bỏ" sách "Binh thư yếu lược"; xem chúng là nghịch thù.

Qua đó, ta thấy bố cục "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn rất chặt chẽ và sáng tạo, không bố cục 4 phần như nhiều bài hịch cổ truyền thống.

Hịch tướng sĩ

II. Nêu hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa lịch sử của "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở núi rừng Lam Sơn, Thanh Hoá. Trải qua những năm tháng gian lao: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần - Khi Khôi Huyện quân không một đội", nghĩa quân càng đánh càng lớn mạnh, càng đánh càng thắng to:

"Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về".

Trên các chiến trường, hàng vạn giặc Minh bị tiêu diệt: "Máu chảy thành sông" tại Ninh Kiều; "thây chất đầy nội" ở Tụy Động; "Máu trôi đỏ nước" ở Bình Than. Suối Lãnh Câu "máu chảy trôi chày", thành Đan Xá "thây chất thành núi", v.v... Tướng tá của Thiên triều như Liễu Thăng "bị cụt đầu", bá tước Lương Minh "đại bại tử vong", thượng thư Lí Khanh "cùng kế tự vẫn", đô đốc Thôi Tụ "lê gối dâng tờ tạ tội", thượng thư Hoàng Phúc "trói tay để tự xin hàng", v.v... Hàng chục vạn giặc bị bắt sống!

Cuối năm 1427, giặc Minh bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng.

Đầu xuân 1428, thay lời Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo", tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh "nên công oanh liệt ngàn năm", tuyên bố nước Đại Việt bước vào một kỉ nguyên mới:

"Xã tắc từ đây vững bền,

Giang sơn từ đây đổi mới

(...) Muôn thuở nền thái bình vững chắc".

"Bình Ngô đại cáo" không chỉ là bài ca thắng trận, khúc hát hòa bình, mà còn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại: bản Tuyên ngôn độc lập của Đại Việt trong thế kỉ 15. "Bình Ngô đại cáo" là áng "thiên cổ hùng văn".

Trần Quốc Tuấn

III. Cảm nhận của em khi đọc phần đầu bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi:

"Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân (...)

Việc xưa xem xét

Chứng cớ còn ghi".

Năm 1407, giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta. Chúng đã "gây binh kết oán trải hai mươi năm - Bại nhân nghĩa nát cả đất trời" gây nên bao tội ác, bao thảm họa cho đất nước ta, nhân dân ta:

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau 10 năm chiến đấu gian lao và anh dũng, quân ta đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.

Đầu xuân năm 1428, Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi viết bài "Bình Ngô đại cáo", tổng kết những chiến công oanh liệt trong 10 năm kháng chiến và tuyên bố Đại Việt bước sang một kỉ nguyên mới "Muôn thuở nền thái bình vững chắc''...

Phần đầu "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, đồng thời ca ngợi nền văn hiến rực rỡ lâu đời của Đại Việt.

Nhân nghĩa là mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Yên dân, điếu phạt, trừ bạo là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, tất cả đều hướng về con người, về nhân dân đang bị áp bức lầm than. Thương dân, đánh kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt lũ tham tàn, bạo ngược (trừ bạo), cứu nhân dân thoát khỏi chết chóc đau thương, đem lại cuộc sống yên vui hạnh phúc cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa. Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi nói đến là một tư tưởng vô cùng cao đẹp: đánh giặc để cứu nước cứu dân, vì độc lập của đất nước, vì tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Việc nhân nghĩa nên rất chính nghĩa. Nhân nghĩa là sức mạnh vô địch để chiến thắng quân "cuồng Minh":

"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo".

Nhân dân ta giàu nhân nghĩa đã lấy nhân nghĩa để xây dựng và phát triển nền văn hiến lâu đời, rực rỡ của Việt Nam. Nếu ở "Nam quốc sơn hà", Lý Thường Kiệt chỉ mới nói đến sông núi nước Nam là nơi "Nam đế cư", lãnh thổ thiêng liêng ấy đã được "định phận rõ ràng ở sách Trời" thì ở "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đứng trên đỉnh cao thời đại "bình Ngô" đã có một cái nhìn mới sâu sắc và toàn diện về đất nước, nhân dân Đại Việt:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có".

Nước Đại Việt đâu phải "man di mọi rợ" mà rất đáng tự hào:

- 1, có nền văn hiến đã lâu.

- 2, có lãnh thổ núi sông bờ cõi.

- 3, có thuần phong mĩ tục.

- 4, có nền độc lập trải qua nhiều triều đại "xưng đế một phương",

- 5, có nhân tài hào kiệt.

Năm yếu tố ấy hợp thành đã tạo nên tầm vóc Đại Việt, sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược bành trướng của Thiên triều, lập nên bao chiến công chói lọi:

"Lưu Cung tham công nên thất hại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã''.

Giọng văn đĩnh đạc hào hùng. Lí lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt sóng đôi, cân xứng của những câu văn biền ngẫu đã khẳng định và ngợi ca tầm vóc lịch sử lớn lao của Đại Việt, biểu lộ một ý chí tự cường dân tộc cao độ.

Phần mở đầu đã góp phần thể hiện tuyệt đẹp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của "Bình Ngô đại cáo", bản tuyên ngôn độc lập, áng "thiên cổ hùng văn" của dân tộc.

Bình Ngô đại cáo

IV. Tư tưởng của Nguyễn Trãi tỏa sáng trong các câu:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường hạo

Tìm ý nghĩa tư tưởng của các câu trên?

Chứng minh cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Trãi thể hiện được tinh thần tư tưởng đó?

"Ai lên ải Bắc ngày xưa ấy

Khóc tiễn cha đi mấy dặm trường ..."

"Ai" được nói đến trong bài thơ "Mục Nam Quan" này (Tố Hữu) là Nguyễn Trãi, nhà thơ lớn của dân tộc, người anh hùng vĩ đại đã cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp "Bình Ngô" và thảo "Bình Ngô đại cáo" - áng "thiên cổ hùng văn" của Đại Việt.

Mùa xuân năm 1428, sau 10 năm kháng chiến gian lao và anh dũng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã toàn thắng "ngàn thu vết nhục nhã sạch làu". Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi viết "Bình Ngô đại cáo". Bản tuyên ngôn độc lập này của Đại Việt không chỉ tổng kết chiến tranh giải phóng dân tộc tuyên bố đất nước độc lập, thái bình mà còn hàm chứa những tư tưởng, tình cảm vô cùng cao đẹp. Tư tưởng cao đẹp của Nguyễn Trãi tỏa sáng trong các câu:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ hạo.

"Đem dại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo",

1. Nguyễn Trãi đã đứng trên đỉnh cao thời đại, với niềm tự hào dân tộc, đại diện cho chính nghĩa và dân tộc chiến thắng mà phát ngôn, mà trịnh trọng tuyên bố.
Đem quân điếu phạt trừng trị kẻ có tội, tiêu diệt quân bạo ngược là việc nhân nghĩa. Việc nhân nghĩa ấy cốt mang lại yên dân, làm cho nhân dân được yên vui hạnh phúc.

Đại nghĩa là cái nghĩa lớn vì nước vì dân, phấn đấu cho nước độc lập, dân được ấm no hạnh phúc. Chí nhân là lòng thương người vô cùng sâu sắc, cực độ. Cứu vớt nhân dân thoát khỏi vòng lầm than đau khổ là chí nhân. Ta thì đại nghĩa và chí nhân. Giặc Minh thì hung tàn, cường bạo: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn - Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ". Lê Lợi và Nguyền Trãi đã đem sức mạnh đại nghĩa và lòng chí nhân để đánh thắng hung tàn, đổ đập tan cường bạo.

Tóm lại, hai câu văn trên thể hiện tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh nhân nghĩa của Đại Việt. Tư tưởng ấy lấy đất nước và nhân dân làm gốc. Cái nhân cái nghĩa cao cả nhất là chống bạo tàn, diệt ngoại xâm, phấn đấu cho nước được độc lập, nhân dân được hạnh phúc, "muôn thuở nền thái bình vững chắc".

2. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi đã cho thấy tư tưởng nhân nghĩa cao đẹp, sáng ngời và vô cùng phong phú, đã vượt qua mọi hạn chế của thời gian và lịch sử, ngày một thêm rực rỡ.

Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 trong một thời kì lịch sử đầy biến động và bão táp. Triều Trần suy đồi, nhà Hồ lên thay, chưa được bao lâu đã phải đương đầu với họa xâm lăng của bọn phong kiến phương Bắc. Năm 1407, nước ta bị giặc Minh xâm lược và thống trị. Nước mất nhà tan. Cha bị giặc bắt, đày sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi sẽ không bao giờ quên lời cha dặn tại ải Nam Quan: "Con là người có tài có hiếu, hãy trở về to rửa hận cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu".

Sau 10 năm bị giặc Minh giam lỏng ở thành Đông Quan (Thăng Long), Nguyễn Trãi đã trốn thoát vào Lam Sơn tụ nghĩa, dâng lên Lê Lợi "Bình Ngô sách". Từ đó ông trở thành cánh tay phải đắc lực của Bình Định Vương "viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời". Những bức thư gửi tướng tá giặc Minh của Nguyễn Trãi vừa nêu cao đại nghĩa và tất thắng của quân ta, vừa lên án tội ác giặc Minh "dối trời lừa dân,... gây binh kết oán", và con đường tất bại của chúng. Những bức thư địch vận của ông "có sức mạnh bằng mười vạn quân!".

Chiến tranh kết thúc, ông thảo "Bình Ngô đại cáo", một bản Tuyên ngôn độc lập, một bài ca hùng tráng, thể hiện khí phách anh hùng và lòng nhân đạo hiếm có của một dân tộc văn minh! Nguyễn Trãi đã đem tài năng ra xây dựng đất nước, làm chánh chủ khảo khoa thi Tiến sĩ đầu triều Lê. Ăn bổng lộc vua ban, nhưng với ông, với kẻ sĩ phải biết: "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày". Ông mơ ước xây dựng Đại Việt "quốc phú binh cường", một xã hội có "vua sáng tôi hiền". Ông khuyên nhà vua chăm lo đến nhân dân, nêu cao nhân nghĩa, để "nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than".

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong xây dựng hòa bình đã bị bọn nịnh thần chống lại. Chúng khép ông vào tội tru di tam tộc. Sau vụ án "Lệ Chi Viên" 20 năm, ông mới được vua Lê Thánh Tông minh oan và ca ngợi: "Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo". Điều đó cho thấy cái gốc của thiên tài Nguyễn Trãi là ''nhân nghĩa", là "đại nghĩa", là "chí nhân". Ông là một con người suốt đời vì nước vì dân.

Nguyễn Trãi không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Thơ văn của ông là di sản tinh thần phong phú, đa dạng, tuyệt đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc. "Bình Ngô đại cáo" tỏa sáng tư tưởng nhân nghĩa, mở đầu bằng 2 chữ "yên dân" kết thúc bằng câu "Muôn thuở nền thái bình vững chắc". Giặc Minh hung tàn, bạo ngược, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân ta:

"Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế,

Gây binh kết oán, trải hai mươi năm

Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi..."

Đại nghĩa và chí nhân là sức mạnh nhân nghĩa, là tinh thần đoàn kết chiến đấu của toàn dân, của tướng sĩ, là nguồn gốc của chiến thắng: "Đánh một trận sạch không kình ngạc - Đánh hai trận tan tác chim muông". Nêu cao đại nghĩa và chí nhân mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã không giết tù, hàng binh giặc, đối xử nhân đạo:

"Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền

ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa

về đến nước mà vẫn tim đập chân run!"

"Quốc âm thi tập" và "Ức Trai thi tập" là tinh hoa của nền thơ ca cổ dân tộc. Bao trùm lên toàn bộ thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Trãi là lòng yêu nước thương dân. Giương cao ngọn cờ "đại nghĩa, chí nhân", Nguyễn Trãi đã gắn hoạt động văn hóa với đề cao nhân phẩm:

"Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,

Có nhân, có trí, có anh hùng"

(Quốc âm thi tập)

Các khái niệm "trung, hiếu" và "ưu, ái" (lo nước thương dân) được Nguyễn Trãi nhắc đến nhiều lần trong thơ, tạo nên một hồn thơ tuyệt đẹp:

"Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông".

(Thuật hứng - 5)

"Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen

(Thuật hứng - 24)

Yêu nước thương dân bao nhiêu thì lòng tự hào dân tộc càng dào dạt bấy nhiêu. Nguyễn Trãi tự hào về nước Đại Việt "vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Ông tự hào về cảnh trí non sông đẹp như hoa như gấm, hùng vĩ nên thơ:

"Non Dục Thúy, mưa tan, đỉnh tựa ngọc,

Cửa Đại An, triều dậy, nước ngang trời".

(Ức Trai thi tập)

Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi là bài ca yêu nước, tự hào dân tộc. Trái tim của Nguyễn Trãi mãi mãi cùng nhịp đập với nhân dân ta. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi sáng mãi như ngôi sao Khuê trên bầu trời quê hương. Đúng như bạn ông đã nói: "Lo toan việc nước, làm đẹp cho nước, xưa nay chưa có ai như thế!".

Ôn lại cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi, chúng ta nguyện học tập và phát huy tư tưởng nhân nghĩa của ông để xây dựng Việt Nam thành một nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Tự hào thay, nhân dân ta đã lấy nhân nghĩa để dựng nước và giữ nước, để Đại Việt "muôn thuở nền thái bình vững chắc".

Leave a Reply