Văn nghị luận: Nước Đại Việt ta (Trích "Bình Ngô đại cáo")

I. Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, con đầu của Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại của tướng công Trần Nguyên Đán, quê ở làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) rồi làm quan dưới triều Hồ. Năm 1407, nước ta bị giặc Minh xâm lược và đô hộ. Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đưa sang Tàu, Nguyễn Trãi bị giặc giam lỏng ở thành Đông Quan 10 năm trời.

Năm 1418, Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở núi rừng Lam Sơn, Nguyễn Trãi dã biệt Đông Quan tìm đến, gia nhập nghĩa quân với "Bình Ngô sách". Ông trở thành cánh tay phải đắc lực của Lê Lợi, thực hiện "mưu phạt tâm công". Mỗi bức thư của Nguyễn Trãi gửi tướng tá giặc Minh"có sức mạnh bằng mười vạn quân". Ông là mưu sĩ "viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời".

Sau 10 năm kháng chiến gian lao và anh dũng, nhân dân ta đã quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi thảo "Bình Ngô đại cáo" tuyên bố nước Đại Việt bước vào một kỉ nguyên mới: "Muôn thuở nền thái bình vững chắc".

Nguyễn Trãi đã đem lòng "trung hiếu" và tình "ưu ái" giúp vua dựng nước. Nhưng tấm lòng trung nghĩa và tính cương trực của ông đã bị bọn gian thần ghen ghét. Năm 1442, Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc sau vụ án Lệ Chi Viên. Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho ông, truy tặng ông Tán trù bá và ca ngợi:

"Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo"

Nguyễn Trãi là người anh hùng văn võ toàn tài. về phương diện văn hóa, văn học, sự đóng góp của ông là vô cùng to lớn đối với dân tộc. Ngoài "Quân trung từ mệnh tập" và "Bình Ngô đại cáo", ông còn để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị như: "Lam Sơn thực lục", "Văn bia Vĩnh Lăng", "Dư địa chí", "Phú núi Chí Linh", "Ức Trai thi tập" và "Quốc âm thi tập",...

Tâm hồn của Nguyễn Trãi vô cùng trong sáng, son sắt thủy chung với nước với dân:

"Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông".

(Thuật hứng - 5)

"Bui có một lòng trung lẫn hiếu,

Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen".

(Thuật hứng - 24)

Tóm lại, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là bài ca yêu nước tự hào dân tộc.

Nguyễn Trãi

II. Nêu hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa lịch sử của "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở núi rừng Lam Sơn, Thanh Hoá. Trải qua những năm tháng gian lao: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần - Khi Khôi Huyện quân không một đội", nghĩa quân càng đánh càng lớn mạnh, càng đánh càng thắng to:

"Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về".

Trên các chiến trường, hàng vạn giặc Minh bị tiêu diệt: "Máu chảy thành sông" tại Ninh Kiều; "thây chất đầy nội" ở Tụy Động; "Máu trôi đỏ nước" ở Bình Than. Suối Lãnh Câu "máu chảy trôi chày", thành Đan Xá "thây chất thành núi", v.v... Tướng tá của Thiên triều như Liễu Thăng "bị cụt đầu", bá tước Lương Minh "đại bại tử vong", thượng thư Lí Khanh "cùng kế tự vẫn", đô đốc Thôi Tụ "lê gối dâng tờ tạ tội", thượng thư Hoàng Phúc "trói tay để tự xin hàng", v.v... Hàng chục vạn giặc bị bắt sống!

Cuối năm 1427, giặc Minh bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng.

Đầu xuân 1428, thay lời Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo", tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh "nên công oanh liệt ngàn năm", tuyên bố nước Đại Việt bước vào một kỉ nguyên mới:

"Xã tắc từ đây vững bền,

Giang sơn từ đây đổi mới

(...) Muôn thuở nền thái bình vững chắc".

"Bình Ngô đại cáo" không chỉ là bài ca thắng trận, khúc hát hòa bình, mà còn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại: bản Tuyên ngôn độc lập của Đại Việt trong thế kỉ 15. "Bình Ngô đại cáo" là áng "thiên cổ hùng văn".

Tù đầy

III. Cảm nhận của em khi đọc phần đầu bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi

"Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Việc xưa xem xét Chứng cớ còn ghi".

Năm 1407, giặc Minh kéo sang xâm lược nước ta. Chúng đã "gây binh kết oán trải hai mươi năm - Bại nhân nghĩa nát cả đất trời" gây nên.bao tội ác, bao thảm họa cho đất nước ta, nhân dân ta:

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại rừng núi Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau 10 năm chiến đấu gian lao và anh dũng, quân ta đã qúet sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.

Đầu xuân năm 1428, Nguyễn Trãi đã thay lời Lê Lợi viết bài "Bình Ngô đại cáo", tổng kết những chiến công oanh liệt trong 10 năm kháng chiến và tuyên bố Đại Việt bước sang một kỉ nguyên mới "Muôn thuở nền thái bình vững chắc"...

Phần đầu "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, đồng thời ca ngợi nền văn hiến rực rỡ làu đời của Đại Việt.

Nhân nghĩa là mục tiêu chiến đấu của nhàn dân ta:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo",

Yên dân, điếu phạt, trừ bạo là cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa, tất cả đều hướng về con người, về nhân dân đang bị áp bức lầm than. Thương dân, đánh kẻ có tội (điếu phạt), tiêu diệt lũ tham tàn, bạo ngược (trừ bạo), cứu nhân dân thoát khỏi chết chóc đau thương, đem lại cuộc sống yên vui hạnh phúc cho nhân dân (yên dân), đó là việc nhân nghĩa. Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi nói đến là một tư tưởng vô cùng cao đẹp: đánh giặc để cứu nước cứu dân, vì độc lập của đất nước, vì tự do, hạnh phúc, hòa bình của nhân dân. Việc nhân nghĩa nên rất chính nghĩa. Nhân nghĩa là sức mạnh vô địch để chiến thắng quân "cuồng Minh":

"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạo",

Nhân dân ta giàu nhân nghĩa đã lấy nhân nghĩa để xây dựng và phát triển nền văn hiến lâu đời, rực rỡ của Việt Nam. Nếu ở "Nam quốc sơn hà", Lý Thường Kiệt chỉ mới nói đến sông núi nước Nam là nơi "Nam đế cư", lãnh thổ thiêng liêng ấy đã được "định phận rỗ ràng ở sách Trời" thì ở "Bình Ngô đại cáo", Nguyễn Trãi đứng trên đỉnh cao thời đại "bình Ngô" đã có một cái nhìn mới sâu sắc và toàn diện về đất nước, nhân dân Đại Việt:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có".

Nước Đại Việt đâu phải "man di mọi rợ" mà rất đáng tự hào:

- 1, có nền văn hiến đã lâu.

- 2, có lãnh thổ núi sông bờ cõi.

- 3, có thuần phong mĩ tục.

- 4, có nền độc lập trải qua nhiều triều đại "xưng đế một phương".

- 5, có nhân tài hào kiệt.

Đền thờ Nguyễn Trãi ngày nay

Năm yếu tố ấy hợp thành đã tạo nên tầm vóc Đại Việt, sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược bành trướng của Thiên triều, lập nên bao chiến công chói lọi:

"Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi ô Mã".

Giọng văn đĩnh đạc hào hùng. Lí lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt sóng đôi, cân xứng của những câu văn biền ngẫu đã khẳng định và ngợi ca tầm vóc lịch sử lớn lao của Đại Việt, biểu lộ một ý chí tự cường dân tộc cao độ.

Phần mở đầu đã góp phần thể hiện tuyệt đẹp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của "Bình Ngô đại cáo", bản tuyên ngôn độc lập, áng "thiên cổ hùng văn" của dân tộc.

Leave a Reply