Văn nghị luận: Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

I. GIỚI THIỆU

1. Tác giả

Nguyễn Trung Thành (bút danh khác: Nguyên Ngọc, tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu) là nhà văn quân đội, thuộc lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Sinh ra ở Quảng Nam, năm 1950 ông vào bộ đội rồi về công tác ở báo Quân đội nhân dân.

Hoạt động của Nguyễn Trung Thành chủ yếu ở chiến trường liên khu V, Tây Nguyên. Ông lăn lộn với vùng đất của các dân tộc Ê-đê, Xơ-đăng, Ba-na, Gia-rai
nên đời văn của ông qua hai cuộc kháng chiến đã gắn bó máu thịt với vùng đất này. Những tác phẩm ông viết về con người xứ sở huyền bí này đã chứng tỏ ông có sự am hiểu sâu sắc về họ. Ông được mệnh danh là nhà văn của Tây Nguyên. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được giải thưởng lớn của Hội Nhà văn là Đất nước đứng lên (1955).

Sau một thời gian tập kết ra Bắc, năm 1962, Nguyễn Trung Thành cùng một số nhà văn trở lại chiến trường miền Nam. Ông đã ghi lại: "Hồi tháng 5 - 1962, hành quân từ miền Bắc vào, tôi cùng đi với Nguyễn Thi..., đến điểm chia tay mỗi người về chiến trường của mình là khu rừng bạt ngàn phía tây Thừa Thiên giáp Lào. Đó là một khu rừng xanh tít tắp tận chân trời. Tôi yêu cây Rừng xà nu từ ngày ấy, ấy là một loài cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã, vừa rắn rỏi...".

Nguyễn Trung Thành

2. Tác phẩm

Năm 1965, Mĩ ồ ạt đổ quân vào bãi biển Chu Lai. Nguyễn Trung Thành lúc này đang công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Một số nhà văn lúc ấy gợi ý ông viết một "Hịch đánh Mĩ" để cổ vũ tinh thần chiến đấu mới. Trước đó ông đã viết tuỳ bút Đường chúng ta di nhưng dường như chưa thật sự đáp ứng được với cuộc chiến sắp tới vô cùng tàn khóc. Ông bắt tay viết một truyện ngắn mang tính chất "hịch". Và cánh Rừng xà nu ở miền tây Thừa Thiên năm trước đã gợi tứ cho ông, thúc giục ông. Ông cho biết: Đêm đêm hình ảnh cây xà nu cứ như sắp hàng thẳng tắp trước mặt ông như thúc giục đòi ra trận... ông đã viết Rừng xà nu trong tâm thế ấy.

Tác phẩm được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quăn giải phóng Trung Trung Bộ (số 2 năm 1965), được coi là "hịch đánh Mĩ" của nhân dân miền Nam trong giai đoạn mới của cách mạng.

Viết năm 1965 nhưng thiên truyện lại tái hiện lịch sử dân tộc ở giai đoạn đen tối nhất của cách mạng miền Nam (1958 - 1959). Thời kì này, Ngô Đình Diệm với chính sách "diệt Cộng" đến cùng đã thi hành những biện pháp vô cùng tàn bạo. Tội ác của quân thù đã lên đến tột đỉnh. Đau thương của nhân dân và cách mạng cũng đến lúc "hết chịu". Như một quy luật, cách mạng miền Nam phải sang trang. Đảng chủ trương chuyển thời kì đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Và đường lối ấy đã được hình tượng hoá trong câu nói của già làng Mết: "Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo". Tính sử thi của tác phẩm quy tụ vào chân lí ấy.

II. PHÂN TÍCH

1. Cảm nhận chung về tác phẩm

- Câu chuyện viết về một làng người Tây Nguyên theo Đảng, theo cách mạng đến cùng. Nhân vật trong truyện là các thế hệ: cụ Mết — Tnú - Mai — Dít — bé Heng...

Trong giai đoạn kẻ thù đã hung hãn, tàn bạo đến tột cùng họ đã nổi dậy như một sự bùng nổ, châm ngòi cho cả biển lửa miền Nam đứng lên "đồng khởi".

- Truyện ngắn có hai lớp chuyện:

+ Chuyện về một rừng cây xà nu: cây cổ thụ, cây trung niên cường tráng và những cây non thẳng tắp như mũi tên lao vút lên bầu trời. Cả rừng cây không có cây nào không bị thương, có cây đã ngã gục nhưng cánh rừng vần như một tấm ngực "ưỡn ra" che chở cho làng.

+ Chuyện về những đời người thay nhau chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ quê hương đất nước: cụ Mết - Tnú - Mai - Dít - bé Heng... Tất cả họ đều có vết thương của kẻ thù, có người đã chết đau đớn, nhưng họ đã ý thức chân lí: "Kẻ thù cầm súng, ta phải cầm giáo...".

- Truyện viết với nghệ thuật thường thấy của truyện ngắn chống Mĩ: chuyên lồng chuyện: chuyện của cụ già Mết bên bếp lửa và chuyện của chàng trai giải phóng quân về thăm làng. Hai câu chuyện đan cài, hoà quyện làm cho truyện ngắn mang đậm chất sử thi.

Rừng xà nu

2. Phân tích

a. Chuyện về rừng cây xà nu

Cả câu chuyện đi trong một mô tuýp: cây rừng xà nu. Mở đầu và kết thúc truyện, có hai câu văn lặp lại như một điệp khúc: "Đứng trên đồi cây xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời". Có thể nói đây chính là không gian nghệ thuật đầy tính sử thi của thiên truyện. Hình ảnh cây Rừng xà nu ở phía tây Thừa Thiên giáp Lào ba năm trước đã ám ảnh nhà văn, cho ông một hào khí, một tâm thế để ông viết về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc bằng một loài cây "hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch... vừa thanh nhã vừa rắn rỏi".

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trung Thành viết về rừng cây xà nu như những sinh thể có dũng khí và linh hộn: "Cả Rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế... thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng...".

Có thể nói trong văn xuôi tự sự Việt Nam ít có hình ảnh thiên nhiên nào được miêu tả tinh vi, công phu như thế. Phải chăng, cái thiên nhiên của Tây Nguyên có những huyền bí cám dỗ ghê gớm với các nghệ sĩ. Nguyễn Trung Thành từng tâm sự về "môi trường Tây Nguyên": "Đó là một môi trường rất mạnh. Bất cứ ai đi vào đó, đến đó lập tức chịu ngay một sức cuốn hút mãnh liệt, không gì cưỡng lại nổi".

Và, cái "môi trường" ây được tác giả khai thác triệt để, biến thành một thế giới nghệ thuật: hình ảnh cây, Rừng xà nu có mặt trong mọi sinh hoạt, buồn vui sướng khổ của con người làng Xô Man.

Củi cây xà nu cháy đượm trong khói bếp mỗi nhà, khói đen làm cái bảng cho trẻ em học chữ. Nhựa cây xà nu làm đèn, làm đuốc cho những sinh hoạt buồn vui, cả làng đốt đuốc xà nu trong các sự kiện trọng đại...

Cây xà nu là chứng tích của đau thương và dũng mãnh, chính nhựa cây xà nu bị kẻ thù dùng để đốt mười đầu ngón tay của Tnú, rồi xác giặc nằm ngổn ngang dưới ánh lửa xà nu... Mỗi cây xà nu như một cây chông, cả Rừng xà nu như một tấm ngực ưỡn ra chở che cho làng ở "trong tầm đại bác".

Hình ảnh cây Rừng xà nu như một ẩn dụ nghệ thuật cho rừng người làng Xô Man. Cụ Mết như một cây xà nu cổ thụ mà "đạn giặc không làm gì nổi", Tnú là cây xà nu trưởng thành bị thương nhưng không ngã gục, Mai là cây xà nu đã gục ngã nhưng từ đó, một lớp cây xà nu như Dít, bé Heng... đang "như những mũi tên lao vút lên bầu trời...".

Cả làng Xô Man là một rừng cây xà nu lớn đang chở che cho quê hương đất nước. Đó là rừng của loài cây ham ánh sáng: ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ và cách mạng.

Hình ảnh cây xà nu như một biểu trưng của Tây Nguyên "hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sáng".

b. Chuyện về rừng người làng Xô Man

Làng Xô Man như bao buôn làng Tây Nguyên khác, họ quyết tâm theo Đảng và cách mạng đến cùng. Hình ảnh làng Xô Man với các thế hệ người liên tiếp đứng lên đánh giặc cứu nước làm cho thiên truyện đẫm chất sử thi.

Dân làng Xô Man

- Nhân vật cụ Mết là già làng, là thủ lĩnh, là ý trời lãnh đạo người Tây Nguyên đánh giặc. Cụ Mết từng đánh Pháp như anh Núp một thời; nay cụ Mết đang là chỗ dựa tinh thần của buôn làng. Nhân vật cụ Mết được tác giả khắc hoạ rất "nét" từ ngoại hình đến tính cách; từ tiếng nói đến tâm hồn, từ suy nghĩ đến việc làm. Cụ Mết vừa là quá khứ, vừa là hiện tại, vừa là tương lai của hành trình đánh giặc của buôn làng. Đó là con người của sử thi, cũng là con người của hiện tại. Bên bếp lửa nhà ưng, đêm đêm cụ kể về người con ưu tú của buôn làng, cụ lại nhắc: "Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!". Đó là lẽ sống ngàn đời của người Tây Nguyên cũng là chân lí của cách mạng hôm nay. Đó cũng là chủ đề của thiên truyện, là lời hịch của núi sông đang truyền; là dấu hiệu sang trang của cách mạng miền Nam.

- Nhân vật Tnú là thế hệ thứ 2 trong hành trình đánh giặc của làng Xô Man. Tnú mồ côi, lớn lên trong hạt bắp tấm vải của người Xô Man. Làng Xô Man là gia đình của Tnú. Tuổi thơ, Tnú như con chim nối làng buôn với cách mạng, Tnú được Đảng giác ngộ khi còn nhỏ tuổi, gan góc, quả cảm, mạnh mẽ và giàu tình cảm. Tuổi thanh niên, Tnú đã trở thành con cọp xám của đất rừng. Con cọp xám ấy mang đủ bản sắc về dũng khí của người làng Xô Man. Cụ Mết đánh giá: "Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta".

Hình ảnh bàn tay Tnú là điểm sáng của nhân vật này. Bàn tay ấy bao ngày cuốc đất làm nương là bàn tay lao động. Bàn tay ấy lấy đá đập vào đầu khi học cái chữ không được - đó là bàn tay của lòng trung thực. Giặc tra tân, hỏi cộng sản ở đâu bàn tay ấy chỉ vào bụng mình và nói: Cộng sản ở đây! Bàn tay ấy là bàn tay của lòng dũng cảm. Bàn tay ấy từng nhặt đá mài trên núi Ngọc Linh về mài mác mài rựa đợi thời vùng dậy, đưa thư nuôi cán bộ là bàn tay của sự giác ngộ. Ra tù, bàn tay ấy cầm bàn tay Mai nơi giếng nước đầu làng, đó là bàn tay của tình yêu...

Bàn tay ấy vò nát những quả vả khi vợ con bị hành hạ đau đớn là bàn tay của sự căm thù. Bàn tay ấy cháy lên rừng rực như bó lửa mà Tnú không kêu đó là bàn tay biểu tượng của bất khuất. Bàn tay ấy trở thành chứng tích của cao trào cách mạng. Nó châm lửa vào biển lửa đồng khởi của quê hương. Bàn tay ấy là dấu ấn của lịch sử. Những gì còn lại trên bàn tay của Tnú vẫn bóp cổ giặc, vẫn siết cò súng đánh đồn, bàn tay ấy có sức mạnh từ bên trong. Tnú trở thành "anh lực lượng", anh giải phóng quân.

Đêm nay, như mọi đêm, Tnú đang trở thành Đăm Săn trong thiên sử thi bên bếp lửa của buôn làng. Tnú hiện diện bằng xương, bằng thịt trước mắt mọi người. Tnú, nhân vật anh hùng của thời đánh Mĩ vẫn là đứa con của làng Xô Man.

- Nhân vật Dít - Heng chính là các thế hệ nối tiếp Tnú trên quê hương mình đang lớn dần lên, trưởng thành, cứng cỏi thay thế hệ cha anh.

c. Chuyện bên bếp lửa nhà ưng

Đây là câu chuyện chính của truyện ngắn. Bếp lửa nhà ưng hôm nay đông hơn, trang nghiêm hơn, không khí hơn bởi câu chuyện của Tnú do cụ Mết kể có thêm một nhân chứng sống động: nhân vật chính của câu chuyện sử thi hiện diện. Cấu trúc truyện như thế, tác giả đã kéo được cái ngàn xưa về với hiện tại, biến cái hiện thực đời sông thành bản anh hùng ca. Chất sử thi của câu chuyện thấm đẫm một cách hồn nhiên không gượng ép.

Tác giả tâm sự: "Rừng xà nu là truyện của một đời được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời. Nhưng nó cũng ngắn; cũng chỉ là một đêm trong sự sổng vất vả, đau khổ và hạnh phúc trường tồn ở đây".

Cũng bởi thế mà chủ đề tư tưởng, nhân vật, ngôn ngữ, bút pháp của truyện ngắn đẫm chất sử thi - chất anh hùng ca về những con người Tây Nguyên khát khao tự do và thượng võ. Thời gian, không gian của câu chuyện tự nó đồng vọng vào thế giới nghệ thuật của câu chuyện, nó làm nên vẻ đẹp tuyệt vời của những trang văn. Nguyễn Trung Thành rất tâm đắc với cái không gian của mảnh đất đầy bản sắc văn hoá ấy.

Leave a Reply