Văn nghị luận - Sống theo người có tâm hồn hay người giàu về vật chất?

Bánh mì giúp cho con người ta tồn tại, không có nó thì cũng không có cái thực thể “tôi” đang tư duy và ngồi viết nên những dòng này. Đúng, nhưng một cuộc đời chỉ có toàn bánh mì không thôi thì chưa thể gọi là một cuộc đời làm người theo đúng ý nghĩa nó vốn phải có. Cuộc sống con người còn cần đến cả hoa hồng - không phải cần đến sự hiện diện vật chất của hoa hồng mà cần đến ý nghĩa biểu tượng đằng sau nó.

Sống theo người có tâm hồn hay người giàu về vật chất?

Sống với ai? Với người có tâm hồn hay người chạy theo vật chất?

Có hai câu hỏi tối quan trọng mà những người chạy theo tiếng gọi của cuộc sống tiêu dùng và sự dễ dãi của vật chất quên tự đặt ra cho bản thân.

Thứ nhất, họ cảm thấy thoả mãn hay hạnh phúc với cuộc sống của mình nhờ vào những vật dụng đắt tiền nhưng vô tri vô giác, hay nhờ vào mối quan hệ giữa họ với những con người xung quanh? Nếu trả lời rằng vật chất quyết định tất cả, vậy thử ném một cá nhân theo chủ nghĩa vật chất lên một hoang đảo và cung cấp cho anh ta mọi thứ mà anh ta mong muốn. Liệu anh ta có thể sống hạnh phúc trong tình trạng như vậy không? Nếu như anh ta còn mang tính người và vẫn còn có thể được coi là một thành viên trong cộng đồng loài người, thì câu trả lời chắc chắn phải là không. Con người là một động vật mang tính cộng đồng cao, chính mối quan hệ giữa anh ta và cộng đồng là một yếu tố quan trọng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của anh ta, và nó còn là yếu tố quan trọng giúp giữ cho trạng thái tâm lí cá nhân được ổn định và cân bàng. Một cá nhân bị cách li ra khỏi cuộc sống cộng đồng dễ phát triển những biểu hiện của sự lệch lạc về tâm lí. Nếu kéo dài thời gian cách li, rối loạn tâm lí sẽ dẫn đến một kết cục không tránh khỏi là rối loạn về nhân tính. (Ngay cả người hùng rừng xanh Tarzan của phim ảnh cũng không tồn tại độc lập mà phải dựa vào một cộng đồng các con vật biết giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau.)

Câu hỏi thứ hai mà những người theo chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân quên tự hỏi bản thân, đó là họ muốn chung sống trong một cộng đồng gồm những cá nhân ích kỉ chỉ biết hưởng thụ cho bản thân hay muốn cuộc sống cùa họ được bao bọc bời những con người có tâm hồn nhạy cảm, dễ chia sẻ và dễ cảm thông với nỗi khó khăn của đồng loại, với những con người sẵn sàng giúp đỡ và hy sinh lợi ích cả nhân vì người khác? Nếu như không quá thiển cận và còn chút lương tri, chắc chắn họ sẽ chọn thích được sống giữa những con người giàu tình cảm và tâm hồn hơn là những người yêu chủ nghĩa vật chất. Cứ thử hình dung khi hai cá nhân chạy theo lối sống hưởng thụ cùng chung sống với nhau trong một môi trường thì chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng sớm thì muộn cuộc sống của họ sẽ trở thành một cuộc chiến rừng xanh giành quyền sinh tồn mà phần thắng sẽ thuộc về kẻ ích kỉ nhất và nhẫn tâm nhất.

Ảnh hưởng của cuộc sống vật chất tác động lên cuộc sống tinh thần của người Việt Nam trong hiện tại cũng không khác gì ảnh hưởng của nó tại các nước công nghiệp hóa phương Tây. Nếu như cái giá phải trả cho sự phát triển cuộc sống vật chất và nâng cao mức tiêu dùng của người dân tại các nước công nghiệp hóa phương Tây là một cuộc sống tinh thần thiếu thốn, què quặt, và thậm chí là bệnh hoạn, thể hiện qua tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ người tự tử, và tỉ lệ người mắc các chứng bệnh về tâm lí và tâm thần cao, thì ở Việt Nam chúng ta cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Tỉ lệ tội phạm gia tăng, mối quan hệ ruột thịt trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái rạn nứt, và các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp và không tài nào trừ bỏ được là những biểu hiện của sự đổ vỡ trong mối quan hệ gia đình và mối quan hệ giữa các cá nhân trong cùng cộng đồng. Đó cũng chính là một trong những lí do hàng đầu được các nhà xã hội học phương Tây đưa ra để giải thích cho các căn bệnh xã hội của họ.

Giàu vật chất

Có thể nói một cách đơn giản rằng yếu tố gắn kết các cá nhân trong một xã hội lại với nhau, giúp họ đạt được sự thăng hoa trong cuộc sống tinh thần chính là sự đồng cảm, sự tôn trọng, và hiểu biết lẫn nhau. Các yếu tố địa lí, lịch sử, và ngôn ngữ là những yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự gắn kết này nhưng không phải là yếu tố quyết định. Sự hòa họp và gắn bó giữa các cá nhân trong một xã hội chỉ nảy sinh khi họ nhận ra rằng mối quan hệ giữa các cá nhân trong một xã hội là mối quan hệ cộng sinh, niềm vui của cá nhân này sẽ góp phần đưa đến niềm vui của những cá nhân khác, và sự bất hạnh của một cá nhân cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của nhiều người khác nếu như nó không sớm được chia sẻ, cảm thông, và an ủi. Khả năng góp phần vào niềm vui của những người xung quanh, khả năng nhận biết, đồng cảm, chia bớt nỗi đau của những người xung quanh, đó chính là gì nếu không phải là những biểu hiện của một con người giàu tình cảm và giàu tâm hồn? Nhận biết được và sẵn sàng san sẻ nỗi đau của người khác mà không cần họ lên tiếng, biết được điều gì nên làm và cần làm để mang đến niềm vui cho người khác mà không cần phải được yêu cầu, đó là gì nếu không phải là sự đồng cảm về tâm hồn của những con người cùng chia sẻ một số phận chung trên hành tinh này?

Giới trẻ Việt Nam trong hiện tại và tương lai sẽ chọn con đường đi nào cho mình? Con đường đi của một tâm hồn phong phú, rộng mở, nhạy cảm, biết rung động trước vẻ đẹp của nhân loại, của thiên nhiên, biết xúc động trước nỗi đau của đồng loại, hay họ sẽ chọn con đường đi của một cuộc sống thoả mãn vật chất, khoác lên bên ngoài tâm hồn nghèo nàn và què quặt một vỏ bọc hào nhoáng của những hàng hóa tiêu dùng dễ thấy, dễ đập vào mắt thiên hạ, và dễ được coi trọng? Bông hồng của họ sẽ là những chiếc điện thoại di động đời mới đắt tiền, những bộ cánh diêm duốt, những đồ dùng hàng hiệu được sản xuất ở Paris, London, New York, những xe con 4 bánh hiệu Lexus, Mercedes, những đĩa phim đĩa nhạc DVD, v.v...?

Dĩ nhiên trong bất cứ xã hội nào cũng sẽ có cả hai loại người, những người sống vì mình và những người sống vì người khác và vì những mục tiêu cao đẹp.

Vấn đề ở đây là, nếu con người không thể đi trên một chân hay máy bay không thể bay bằng động cơ của một bên cánh, thì sự hài hòa, cân bằng, và niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống trong một xã hội cũng không thể có được chỉ nhờ vào một nhóm nhỏ những con người biết dung hoà sự đòi hỏi giữa tâm hồn và vật chất. Do vậy, nếu vẫn còn là thành viên trong xã hội và cộng đồng loài người, mỗi một người trong chúng ta có trách nhiệm xác định điểm cân bàng giữa tinh thần và vật chất, và tìm cách giữ cho cán cân tinh thần - vật chất đó được cân bằng trong bản thân mỗi cá nhân cũng như trên phạm vi toàn xã hội. Được vậy những căn bệnh xã hội do cuộc sống tâm hồn què quặt và bệnh hoạn gây ra sẽ không còn làm nhức nhối lương tâm loài người. Và động từ “tôi sống” sẽ vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó mà không bị biến chất để trở thành “tôi tồn tại”, như một sinh vật vô tri vô giác.

Leave a Reply