Văn nghị luận - Suy nghĩ về “bệnh thành tích”

I. Tìm hiểu đề

Đề bài yêu cầu HS bày tỏ quan điểm và thái độ về bệnh thành tích hiện nay. Đây là một hiện tượng xã hội phổ biến ở nước ta - một căn bệnh đã lan rộng ở các cấp các ngành, các lứa tuổi và tạo ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng trong đời sống xã hội cũng như tới nhân cách của con người. Để giải quyết hiện tượng này, không phải là việc làm trong một sớm, một chiều, cũng không phải là việc mà một vài cá nhân có thể thực hiện được. Tuy nhiên, muốn loại trừ một hiện tượng xấu, trước hết cần nhận thức đầy đủ về nó. Đó cũng chính là mục đích của người ra đề bài này: tạo nên một và nhiều thế hệ HS có ý thức về một hiện tượng có nguy cơ trở thành tệ nạn trong xã hội ta ngày nay.

Để thực hiện yêu cầu của đề bài này, HS cần làm rõ khái niệm “bệnh thành tích”. Phân biệt nó với ý thức, tinh thần phấn đấu để đạt những thành tích thực sự chính đáng, cần tìm biểu hiện của bệnh thành tích, phân tích nguyên nhân, chỉ ra hiệu quả và đề xuất những giải pháp để khắc phục, cần chú ý tìm hiểu và thu thập thông tin liên quan để tạo cho mình một sự hiểu biết thật sự thấu đáo về bản chất của vấn đề để có một bản lĩnh thực sự khi nhìn nhận và xử lí vấn đề ấy thì bài viết của học sinh mới có sức thuyết phục cao.

bệnh thành tích quả thực đã trở thành một hiện tượng có nguy cơ trở thành tệ nạn trong xã hội ta ngày nay

II. Dàn ý sơ lược

1. Mở bài:

- Có thể thuật kể sơ lược một tin tức của đài, báo, truyền hình có liên quan đến “bệnh thành tích”.

- Giới thiệu chủ đề bài viết.

2. Thân bài:

- Khái niệm và biểu hiện của “bệnh thành tích”:

- Khái niệm.

- Phân biệt bệnh thành tích với ý thức phấn đấu để đạt những thành tích chính đáng.

- Biểu hiện của bệnh thành tích.

- Nguyên nhân của bệnh thành tích:

- Nguyên nhân khách quan.

- Nguyên nhân chủ quan.

- Hậu quả của bệnh thành tích:

- Với sự phát triển nhân cách con người.

- Với môi trường xã hội và sự phát triển của đất nước.

- Giải pháp khắc phục bệnh thành tích:

- Đối với người quản lí và chính sách quản lí.

- Đối với mỗi cá nhân.

3. Kết bài:

- Sự cần thiết của việc chống bệnh thành tích.

- Suy nghĩ về việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và thực sự phát triển.

bệnh thành tích

III. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

- Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam đã lần lượt đưa tin về một số trường hợp HS học hết bậc THCS mà vẫn chưa đọc thông viết thạo, trong khi đó học bạ của các em HS này vẫn được xếp loại trung bình, thậm chí có em còn đạt loại khá. Nguyên nhân thì có nhiều song có thể kể đến đầu tiên là do bệnh thành tích đang xâm nhập và gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của ngành Giáo dục.

- Nhìn rộng ra, có thể thấy, bệnh thành tích quả thực đã trở thành một hiện tượng có nguy cơ trở thành tệ nạn trong xã hội ta ngày nay bởi nó đã lan rộng ở các cấp, các ngành, các lứa tuổi và tạo ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

2. Thân bài:

- Khái niệm và biểu hiện của “bệnh thành tích”:

- Khái niệm: “bệnh” ở đây là thói xấu hoặc khuyết điểm về tư tưởng tạo nên những hành động đáng chê trách hoặc gây hại, “thành tích” là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được, “bệnh thành tích” là tư tưởng thích được khen ngợi, đánh giá cao nên tạo ra những thành tích không có thật hoặc chạy theo thành tích bên ngoài mà không chú trọng đến thực chất và các mặt lợi, hại của nó khi giá trị thực bên trong không được đảm bảo.

- Bệnh thành tích khác hoàn toàn với ý thức phấn đấu để đạt thành tích bởi một bên chỉ chú trọng đến cái bên ngoài, một bên chú ý đầy đủ đến các mặt bên ngoài và bên trong; một bên chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, một bên hướng tới khẳng định mình bằng những đóng góp thật sự có giá trị; một bên xuất phát từ nhu cầu và động cơ cá nhân ích kỉ, một bên lại xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên...

Suy nghĩ về “bệnh thành tích”

- Biểu hiện của “bệnh thành tích”: Vì thành tích, chạy theo thành tích mà bất chấp điều kiện và nhu cầu thực tế tạo ra những thành tích giả tạo cốt để tạo uy tín cá nhân, để che mắt dư luận hoặc để nhận sự khen thưởng của cấp trên...

- Nguyên nhân của bệnh thành tích:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Cơ chế đánh giá, khen thưởng của Nhà nước chủ yếu dựa vào thành tích đạt được trong quá trình hoạt động của các tập thể, cá nhân.

+ Khả năng quản lí của các cơ quan chủ quản chưa thật chặt chẽ nên khi đánh giá lại chủ yếu dựa vào những báo cáo hoặc thành tích bề nổi, chưa thực sự xem xét phân tích để đánh giá chính xác thực chất.

+ Tâm lí xã hội vẫn chú trọng đến thành tích, kết quả mà chưa thực sự coi trọng phương pháp, quá trình.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Do hạn chế về tư tưởng nên dễ bị cám dỗ, cuốn hút bởi những yếu tố bề nổi, bên ngoài.

+ Do kém cỏi trong nhận thức nên không thấy được mối quan hệ cần thiết phải có giữa danh và thực, thành tích bề nổi và giá trị thực sự bên trong.

+ Do thiếu ý thức trách nhiệm nên không chú ý đến việc xây dựng nền tảng, gốc rễ cho một sự phát triển bền vững mà chỉ chạy theo những kết quả giả tạo để thoả mãn nhu cầu cá nhân ích kỉ.

- Hậu quả:

Với sự phát triển nhân cách con người: Sự tồn tại của bệnh thành tích sẽ làm hình thành cả một lớp người chạy theo thành tích, sống trong những điều giả tạo và góp phần tạo nên một thế giới giả tạo. Tất cả những thứ giả tạo sẽ huỷ hoại hoặc chí ít cũng làm lệch lạc sự phát triển nhân cách của con người.

- Với môi trường xã hội và sự phát triển của đất nước:

+ Môi trường xã hội: tạo thành một môi trường với những cạnh tranh không lành mạnh, những quan hệ không lành mạnh.

+ Sự phát triển của đất nước: khi thành tích chỉ là giả hoặc không có giá trị thật, nó không những không tạo động lực cho sự phát triển của đất nước mà còn có thể đem đến những rạn nứt, suy thoái nghiêm trọng.

- Giải pháp khắc phục bệnh thành tích:

Đối với người quản lí và chính sách quản lí:

+ Cần xem xét một cách toàn diện mối quan hệ giữa thành tích đạt được với cách thức và quá trình đạt được nó để xác định chính xác thực chất giá trị của thành tích.

+ Cần đặt ra những mục tiêu có tính thực tế, những kế hoạch cụ thể để tạo cơ sở thực tế cho những thành tích sau này.

+ Cần quản lí chặt chẽ và điều tra nghiêm túc để loại bỏ những thành tích ảo.

Đôi với mỗi cá nhân:

+ Cần nâng cao hiểu biết để nhận rõ cái lợi, cái hại, điều cần thiết và những gì không thực sự cần cho sự phát triển chung.

+ Cần nâng cao năng lực của bản thân để tạo ra những thành tích thật sự có giá trị.

+ Cần rèn luyện bản lĩnh và xây dựng một ý thức, tư tưởng đúng đắn, lành mạnh để thực hiện trách nhiệm của bản thân trong mỗi việc làm.

3. Kết bài:

- Căn bệnh thể chất chỉ huỷ hoại, làm tổn thương tới cơ thể của một cá nhân, nhưng căn bệnh tinh thần nếu không được chữa trị sẽ có hậu quả không chỉ lâu dài mà còn rất sâu rộng trong đời sống xã hội. Bệnh thành tích thuộc loại bệnh tinh thần - một căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải loại bỏ, chữa trị tận gốc rễ.

- Khi mỗi cá nhân cũng như tập thể đều hành động và phấn đấu bằng ý thức trách nhiệm và sự hiểu biết sẽ tạo nên một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh cho sự phát triển của con người.

Leave a Reply