Văn nghị luận - Vốn liếng cuộc đời

Đã thành thông lệ, cứ đến mùa khai trường là mẹ tôi lại lôi quần áo đi học của chúng tôi ra ngắm nghía, thẩm định: “Quần này còn được, nhưng áo sơ mi thì sờn cổ rồi, đem vải ra cô Bảy may đi”. Em gái tôi, mỗi lần nghe mẹ gợi ý cho may áo mới, nó đều mừng rỡ ra mặt, thường là xin mẹ may thêm. Tôi thì chẳng để ý cho lắm. Đến nỗi chính mẹ phải mang áo cũ của tôi ra tiệm cho thợ đo mẫu! Có lẽ ba hiểu tôi rõ hơn. Thỉnh thoảng tôi nghe ba nhằn mẹ: “Kệ nó... em làm như nó còn bé lắm, lớp 9 rồi còn gì!”.

Vốn liếng cuộc đời

Đúng là năm nay là năm cuối phổ thông của tôi. Đêm trước ngày khai giảng, ngồi ở góc phòng, vờ như chăm chú soạn cặp, tôi bỗng cảm thấy muốn chạy lại nói với ba mẹ câu nói gì đó... Ôi! Tám năm bố mẹ âm thầm vất vả lo cho con ăn học. “Cảm ơn ba mẹ!”, lẽ ra tôi phải nói ra câu nói ấy với ba mẹ ngay đêm trước ngày khai giảng.

Nhưng chính ba bao giờ cũng là người đón trước. Sáng đi học, ba để trên bàn học của tôi mẩu giấy nắn nót:

"... tặng con trai của ba ý tưởng này, nhân chặng cuổì cùng của đời học sinh: “Nhà báo Anh Addison đã mô tả học vấn là người bạn đường trung thành mà không một rủi ro nào, không một tai họa nào, không một kẻ thù nào có thể hủy diệt được. Học vấn là người bạn tốt cho người ta cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Trong cô đơn, nó là nguồn an ủi, khi có người khác ở với mình, nó là nét đẹp điểm tô cho mối quan hệ. Nó kiềm chế cái xấu và hướng dẫn đức hạnh. Không có giáo dục, con người chỉ là một tên nô lệ, một kẻ man rợ. Tuy nhiên, sự giáo dục không thể mua bằng tiền. Sự giáo dục đích thực không chấm dứt với mảnh bằng tốt nghiệp. Học tập là chuyện kéo dài suốt cuộc đời”.

Ba mẹ chẳng có gì để lại cho con. Hãy nỗ lực đi tiếp con đường học vấn. Đó mới chính là vốn liếng cuộc đời”.

Leave a Reply