Văn nghị luận xã hội: Bàn về đức tính chăm chỉ và thói lười biếng

Trong xã hội, ta thường bắt gặp hai loại người: người có đức tính chăm chỉ và kẻ lười biếng.

Chăm chỉ là siêng năng, chịu khó học hành, lao động làm ăn. Biết quý trọng thì giờ, biết coi thì giờ là vàng ngọc. Lười biếng là lười nhác, không chịu học hành, làm ăn, ngại động chân, mó tay đến bất cứ công việc gì, dù to hay nhỏ. Chăm chỉ và lười biếng là hai tính nết hoàn toàn khác nhau. Chăm chỉ là đức tính tốt, lười biếng là thói xấu, đáng chê cười. Chăm chỉ và lười biếng là thước đo phẩm giá, nhân cách của mỗi người.

Chăm chỉ

Một em bé chăm học, chăm làm là một học sinh chăm ngoan, học giỏi biết làm việc tốt. Có chăm chỉ mới cố gắng học bài, làm bài, mới đi học đúng giờ, chuyên cần. Có chăm ngoan mới biết làm một số việc trong gia đình để giúp đỡ bố mẹ như quét nhà cửa, lau bát đũa, lau bàn ghế, giặt giũ áo quần,v.v... Một học sinh chăm chỉ là một học sinh ngoan, biết "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tuỳ theo sức của mình", làm vui lòng mẹ cha và thầy cô giáo.

Người nông dân chăm chỉ là biết thức khuya dậy sớm, cấy cày làm ăn, chịu khó vất vả, cần cù siêng năng, cuốc bẫm cày sâu, một nắng hai sương dãi dầm mưa gió.

Công nhân chăm chỉ lúc nào cũng thực hiện đúng 8 giờ vàng ngọc, cải tiến kĩ thật, sản xuất ra nhiều hàng hoá chất lượng cao.

Tú Xương trong bài "Thương vợ'' đã viết: "Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng...". Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" có nói:

"Mẹ ta không cố yếm đào,

Nón mê thay nón quai thao đội đầu.

Rối ren tay bí tay bầu,

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa".

Những câu thơ đó đã ngợi ca người vợ, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, tần tảo, chăm chỉ, siêng năng lao động làm ăn, để nuôi con thơ và chồng, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Câu ca dao: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu - Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa", hoặc câu "Cày đồng đang buổi ban trưa - Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" đã nói lên đức tính siêng năng, cần cù, chăm chỉ của người nông dân Việt Nam.

Qua đó, ta thấy chăm chỉ là đức tính quý báu, mà ai cũng phải cố gắng rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Trái với chăm chỉ là lười biếng. Kẻ lười biếng là vô tích sự, là đồ thừa, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Đứa trẻ lười biếng tất học hành dốt nát, là đứa con hư. Không thuộc bài, không làm bài, hay trốn học bó học, chỉ thích đua đòi, chơi bời, lêu lổng. Lại còn thích ăn ngon, mặc đẹp,v.v...

Lười biếng

Kẻ lười biếng có đủ thói xấu: nào là nhác làm siêng ăn, nào là trốn tránh lao động. Kẻ lười biếng thường bê trễ, chậm chạp, vật vờ. Đây là hình ảnh kẻ lười biếng mà dân gian châm biếm:

"Ăn no rồi tại nằm khoèo,

Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem".

Học trò mà lười biếng thì "Vừa dốt vừa ngu... suốt đời đội khu thiên hạ!" (Đội khu là đội đít, rất nhục!). Đi cày, làm thợ mà lười biếng thì nghèo khổ, không bao giờ đua đòi được với mọi người.

Không thể lười biếng "há miệng chờ sung", mà ai cũng phải biết, phải nhớ, để cố gắng chăm chỉ, cần cù làm ăn:

"Có làm thì mới có ăn,

Không dưng ai dễ mang phần đến cho".

Tóm lại, học sinh phải chăm ngoan học giỏi. Mọi công dân phải cần siêng năng, tích cực lao động để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Và mọi người phải nhớ: "Lao động là vẻ vang".

Leave a Reply