Văn nghị luận xã hội: Giải thích câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"

Tục ngữ là kho kinh nghiệm quý báu phản ánh trí tuệ nhân dân lao động qua hàng nghìn năm lịch sử. Ngoài ra còn có những câu tục ngữ thể hiện đạo đức dân gian, châm biếm, phê phán thói hư tật xấu của người đời như lười biếng, tham lam, ích kỉ, cờ bạc rượu chè, dối trá, đê tiện, khoác lác, v.v... Tục ngữ đã dạy khôn dạy tốt cho ta bao điều. Có biết bao câu tục ngữ hóm hỉnh, sâu sắc đã trở thành hành trang của mỗi chúng ta, trong đó có câu:

"Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"

1. Câu tục ngữ chỉ có tám chữ, chia làm hai vế 4 // 4 đối nhau. Chữ "trước" bắt vần với chữ "nước". Câu tục ngữ ngắn gọn, vần vè, đối xứng nên rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Về nghĩa đen, nghĩa cụ thể, câu tục ngữ nêu lên hai cách sống rất "khôn khéo" của một số người nào đó trong xã hội. "Ăn cỗ đi trước" là để được ăn nóng, ăn tươi, ăn ngon. Kẻ coi miếng ăn là to, là trên hết, mới "ăn cỗ đi trước". Trong mâm cỗ xưa nay đều có định lượng khẩu phần nên ăn cỗ, dù có đi trước hay đi sau cũng chỉ có thế thôi. Dân gian muốn chỉ rõ kẻ đi trước lúc ăn cỗ phần lớn là kẻ hám ăn, thèm ăn, tham ăn. Người lịch thiệp không ứng xử như thế.

Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau

Vế thứ hai nói về chuyện "lội nước" của những ai đó thực chất là chuyện đi đường: "lội nước đi sau". Qua sông qua suối, băng thác vượt ghềnh, mưa to lũ lớn, đường sá ngập nước, ào ào cuốn trôi... "Đi trước" rất nguy hiểm, có thể sa chân vào hố sâu, giẫm đạp phải gai góc, có thể bị ngã què, bị nước cuốn đi. Vì thế kẻ "khôn ngoan", ranh ma mới hành xử theo cách riêng của mình: "lội nước đi sau", để được an toàn.

Bốn chữ "đi trước" và "đi sau" tưởng là đối lập, nhưng thật ra nhất quán cả trong suy nghĩ, trong hành động, trong ứng xử của một số người nào đó trong xã hội. Họ biết tìm cái lợi riêng cho bản thân mình trong: "ăn" (ăn cỗ), trong hưởng thụ. Và họ lại còn biết giành lấy phần hơn, phần an toàn cho cuộc đời mình trong mọi việc làm (lội nước). Câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" đã phản ánh lối sống, cách hành xử vị kỉ, vụ lợi của một số người hèn kém trong xã hội xưa nay.

2. "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" là cách sống khôn vặt, tinh quái của phường giá áo túi cơm, là tâm lí tiểu nông của những người sản xuất nhỏ, manh mún trong xã hội cũ. Những con người ấy, sống ích kỉ, vị kỉ, tham lam, ranh ma, chỉ cố sao thu vén cho riêng mình, cho gia đình mình một số lợi lộc nhất định, càng nhiều càng thích, mà không hề bị thiệt thòi dù chỉ "chút mảy may lông"! Họ quan niệm một góc chiếu ngồi trên giữa chốn đình trung là vẻ vang. Họ sống theo triết lí "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp". Cái đầu gà, cái thủ lợn, cái mâm cỗ ngồi trên giữa họ, ngoài làng được những kẻ ấy lấy làm hanh diện về sự cao sang, đắc chí rung đùi vuốt râu cười trước bàn dân thiên hạ!

"Ăn cổ đi trước, lội nước đi sau'' tuy khôn vặt, ích kỉ nhưng không phải là ích kỉ hại nhân. Họ đáng bị đồng loại coi thường, chê cười nhưng chưa đến nỗi bị xã hội khinh bỉ, ghê tởm như đối với những kẻ đạo đức giả "Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm", sống thủ đoạn nham hiểm, chà đạp, hãm hại đồng loại để giành quyền lực, để vinh thân phì gia.

3. Xã hội loài người là cuộc đấu tranh sinh tồn theo xu thế đi lên không ngừng của lịch sử, từ dã man đến văn minh. Trong sản xuất và chiến đấu, thời nào và ở đâu cũng có những người tiên phong, dám xả thân vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập tự do của đất nước. Họ dũng cảm chống thiên tai bão tố, lũ lụt để cứu tài sản, tính mạng của nhân dân. Khoa học là con đường đầy gai góc, gian nan. Nhiều nhà khoa học đã nêu cao tấm gương sáng chói. Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý nơi Paris hoa lệ, theo Hồ Chủ tịch về nước, chế tạo vũ khí cho bộ đội đánh giặc. Giáo sư y khoa Đặng Văn Ngữ đã lặn lội khắp các chiến trường, núi rừng, lấy thân mình cho muỗi đốt, để nghiên cứu và chế tạo thành công vắc-xin chống bệnh sốt rét, phục vụ chiến đấu. Các vị ấy đã ứng xử một cách cao cả, được nhân dân và quân đội suy tôn là anh hùng. Họ đâu có bao giờ nghĩ tới chuyện "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau".

Những kẻ nhân cách tầm thường, sống nhỏ nhen, ti tiện mới hành xử theo lối "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Họ biết đâu, chỉ vì cái lợi vật chất nhỏ bé, cách sống đun đẩy, ngại khó ngại khổ... mà đã tự hủy hoại nhân cách mình, tâm hồn mình, bị người đời cười chê, coi thường.

Thời chống Mĩ cứu nước, các phong trào "ba đảm đang'' của phụ nữ, "ba sẵn sàng" của thanh niên đã lôi cuốn hàng chục triệu tuổi trẻ Việt Nam, quyết không lùi bước trước mọi hi sinh gian khổ, quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đã lập nên bao chiến tích thần kì. Nếu ai cũng ứng xử theo lối ích kỉ tầm thường như "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" thì không thể nào có thành quả độc lập, thống nhất và hoà bình như ngày nay.

Xét cho cùng, câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" nhằm nêu lên mặt trái của vấn đề ăn và làm, sống và hành động, cái thấp hèn về nhân cách, để châm biếm và phê phán. Qua đó, nhân dân ta đề cao những đức tính như cao thượng, tích cực, gương mẫu, tiên phong, sẵn sàng xả thân vì những lí tưởng cao cả, để phục vụ đất nước và dân tộc.

Xã hội nào, thời đại nào cũng có những kẻ sống tầm thường như "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau", hoặc "Ăn thì ăn những miếng ngon - Làm thì chọn việc cỏn con mà làm". Nhưng đó chi là phân số nhỏ bé trong cuộc đời rộng lớn của nhân dân. Câu tục ngữ trên là bài học phản diện về đạo đức cho mỗi chúng ta. Nó nhắc nhở mọi người không nên, không thể sống một cách thấp hèn, khôn vặt, ranh ma trước đồng loại. Nó giáo dục chúng ta biết ăn và hành động một cách có văn hóa, có đạo đức.

Mâm cỗ

Trong xã hội mới, "công bằng, dân chủ, văn minh" không có chỗ đứng cho những kẻ ích kỉ, vị kỉ như "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Xã hội mới, thời đại văn minh trí tuệ, vị thế của những tài năng sống vì một lí tưởng đẹp mới được tôn vinh.

Và có thể nói, đoạn thơ sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn bài học làm người qua câu tục ngữ trên:

"Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót, chiếc lá phái xanh.

Lễ nào vay mà không có trả,

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?"

(Một khúc ca - Tố Hữu)

Leave a Reply