Văn nghị luận xã hội: Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường

Môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy. Cụ thể là bầu trời, bầu khí quyển, khí hậu, núi, rừng, suối, sông, ao, hồ, đồng bằng, bờ biển, biển, đảo,...

Cá và các loài thuỷ sản phải sống trong nước (ao, hồ, sông, suối, biển). Cây cối sinh trưởng trong rừng, trên đồng ruộng,... Con người sinh sống, phát triển trên mặt đất, trong tầng khí quyển. Môi trường là điều kiện sống còn của con người và các loài sinh vật.

Hệ sinh thái bị tổn thương

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống; sự sống trong không khí, trên mặt đất, trong lòng đất và trong nước. Phá hoại môi trường, huỷ hoại môi trường là tiêu diệt sự sống.

Sông, suối, ao, hồ, biển bị ô nhiễm thì các loài cá, loài thuỷ sinh bị huỷ diệt. Nguồn nước sông Thị Vải bị nhà máy Vê-đan xả chất thải ra nhiều năm, con sông bị "khai tử'', hàng ngàn ha đất canh tác bị tàn phá, vườn cây trái bị khô héo, lúa màu hết nơi gieo trồng và sinh sống. Hàng vạn loài chim như cò, vạc,... phải giã biệt các vườn chim, các luỹ cò, đi lánh nạn nơi nào! Hàng triệu nông dân quanh vùng bị khốn đốn. Báo "Tuổi trẻ" số ra ngày Chủ nhật, 23-8-2009 có bài của ba phóng viên Q. Thanh, C. Quốc, A. Thoa với nhan đề "Kênh Ba Bò vẫn thối". Kênh Ba Bò dài 1.700 mét và tuyến nhánh dài 865 mét, đảm bảo tiêu thoát nước cho 1.400 ha thuộc tỉnh Bình Dương và 160 ha thuộc TP. Hồ Chí Minh. Kênh Ba Bò chảy qua rạch Vĩnh Bình, sau đó tống thẳng ra sông Sài Gòn. Hàng trăm nhà máy xả nước thải độc hại vào kênh, khiến cho dòng kênh "nước đen sì", hoặc "nhuộm màu vàng rất hôi thối", "những tầng hụi trắngxoá cao đùn lại ở dòng kênh như tảng băng khổng lồ". Để cứu kênh Ba Bò phải mất ngót nghìn tỉ đồng, và không phải trong ngày một ngày hai mà có được "con kênh xanh xanh" như ngày nào!

Hầu như ở địa phương nào cũng có vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Các làng nghề, các lò gạch đôi bờ sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam đã làm "biến màu" nhiều khúc sông; nhiều cánh đồng bờ xôi ruộng mật có năm bị mất trắng. Sông Đáy bị ô nhiễm nặng nề...

Thủ đô Hà Nội, sông Tô Lịch nước đen ngòm. Hồ Tây lềnh bềnh túi ni lông và rác rưởi khiến du khách phải nhãn mũi bước đi!

Túi ni lông được dân ta sử dụng xả láng, cổng chợ, cổng bệnh viện, cổng trường học, sân bóng, bến tàu, bến xe, dọc các đường thôn, ngõ phố, ta thấy từng đùm túi ni lông đựng trăm nghìn thứ vứt bừa bãi. Các cô, chú công nhân vệ sính môi trường quét và thu gom không xuể.

Ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) có bãi rác gây xú uế một vùng mấy thôn xã. Nguồn nước thải, khói nhà máy ở nhiều khu chế xuất là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường, làm lây lan bệnh dịch, phát sinh ruồi, muỗi. Xe máy mỗi ngày một tăng, nạn kẹt xe... gây ra khói bụi mù trời ở khắp các phố xá, các khu dân cư.

Lũ lụt do tác hại môi trường gây ra

Mấy năm gần đây, đô thị hoá trên quy mô rộng lớn, nhưng việc bảo vệ môi trường chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức nên đã gây ra nhiều tác hại, có nơi rất nặng nề. Các dịch bệnh như kiết lị, sốt xuất huyết, trâu bò lở mồm long móng, lợn bị bệnh tai xanh, dịch cúm gia cầm,... xảy ra thường xuyên trên những địa bàn rộng lớn.

Cái giá quá đắt của sự huỷ hoại môi trường, nhân dân ta ai cũng đã thấy rõ. Đời sống của cộng đồng bị tổn hại to lớn nếu mỗi người dân không có ý thức bảo vệ môi trường. Câu khẩu hiệu: "Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp" phải được toàn dân biến thành phong trào rộng lớn, thành hành động tích cực.

Leave a Reply