Văn nghị luận xã hội: Nếu khi còn trẻ ta, không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Ngày ông tôi còn sống, ông thường nhắc đi nhắc lại câu cách ngôn: "Sự học là cái chìa khoá mở mọi kho tàng". Ông giải thích rằng: Kho tàng là học vấn, là kiến thức, là khoa học kĩ thuật,... Kho tàng mà do sự học hành đem lại còn có giá trị hơn vàng bạc, châu báu.

Thầy Thành dạy sử, Địa đã có lần nói với học sinh lớp 7A câu cổ ngữ: "Ấu bất học, lão hà vi; nhân bất học, bất tri lí". Thầy giải thích rất dài, tôi chỉ nhớ đại khái nghĩa của câu ấy: Trẻ không học thì về già cũng chẳng làm được gì; người không học thì không hiểu biết gì! Thầy Thành có 3 người con đều tốt nghiệp Đại học, anh chị nào cũng thành đạt.

Khi ta còn trẻ

Bố mẹ tôi hay nhắc lại hai tấm gương trong xã nhà cho các con nghe. Toàn là chuyện người thật việc thật cả.

Chuyện thứ nhất là chuyện gia đình cố Đen. Trước năm 1945, cố làm mõ làng. Nhà nghèo lắm. Cố thường bị lí trưởng đánh đập. Sau Cách mạng tháng Tám, gia đình cố đổi đời. Bốn đứa con đều được ăn học như con cháu các gia đình khác. Hai người con đầu sống ở quê và làm ruộng. Bác Hữu (con thứ ba) là Đại tá về hưu. Cô Thục (con út) là bác sĩ bệnh viện tinh. Hai người con của mõ làng ngày xưa nhờ Cách mạng và nhờ chịu khó học hành mà trở nên vẻ vang.

Chuyện thứ hai là chuyện gia đình bà Trương. Bà goá chồng từ năm 39 tuổi, có 4 người con. Anh con cả thì cờ bạc, rượu chè bê tha, hay đánh đập vợ, chửi con, mới chết cách đây hai năm. Anh con trai thứ hai thì lười nhác, bỏ học năm lớp Tám, rồi đua đòi châm chích ma tuý, trộm cắp, bị mọi người coi khinh, đi tù rồi chết vì bệnh AISD - SIDA! Người con thứ ba tên là Vung, nhờ siêng năng học hành mà bây giờ làm Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở tận miền Tây Nam Bộ; nghe nói gia đình, vợ con đàng hoàng lắm. Cô Nồi (bây giờ đổi tên là Nhồi), làm y sĩ bệnh viện huyện, đang học tại chức Đại học Y khoa! Bố tôi chép miệng, rồi nói: "Đấy có phải vô học thì vô dụng, làm xấu mặt ông bà, cha mẹ. Còn có học thì mới thành tài, thành người có ích!''.

Lớp tôi có 14 bạn (5 nữ, 9 nam) học rất giỏi, năm nào cũng đạt danh hiệu Học sinh giỏi, cô giáo ngợi khen, được các bạn khâm phục. Tôi chỉ mới là một học sinh tiên tiến mà thôi. Cuối năm học lớp Sáu, anh Sơn là sĩ quan Hải quân ở Bạch Long Vĩ về phép. Anh hỏi: "Hoà xếp thứ mấy? Lớp có mấy chục học sinh". Tôi rất hãnh diện đưa anh xem tờ giấy khen "Học sinh tiên tiến", rồi nói với anh là "Lớp có 41 bạn, em được xếp thứ 23".

Tôi chưng hửng khi nghe anh nói: "Vẻ vang quá! Cậu em trai của anh phải đội đít 22 học sinh rồi. Mẹ nhớ sắm cho cậu con út một cái mũ thật to, thật dày để nó đội vào kẻo rụng hết tóc và bị ung thư đấy!"

Anh cười ầm lên. Tôi đỏ mặt và thấy sống mũi cay cay. Còn mẹ thì xịu mặt xuống.

Mục đích sống

Bạn Luận là học sinh giỏi Toán nhất lớp. Tôi đến chơi nhà bạn mấy lần. Tôi thấy trên bờ tường trước bàn học có dán bài thơ, chữ viết của ông nội Luận. Tôi chép lại bài thơ đó để các bạn cùng đọc:

"Làm trai quyết chí tu thân,

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.

Khi nên trời giúp công cho,

Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.

Trời sinh, trời chẳng phụ nào,

Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Trí khôn sắp để dạ này,

Có công mài sắt, có ngày nên kim".

Luận nói với tôi là ông nội bắt các cháu phải học thuộc và hiểu từng câu từng chữ. Nghe tôi thắc mắc, Luận giải thích rất tỉ mỉ, rõ ràng. "Nợ nần" là nợ áo cơm, nợ gia đình và Tổ quốc. "Mới hào" nghĩa là mới vẻ vang (Thế mà tôi lầm tưởng là có nhiều xu hào, có nhiều bạc, nhiều đôla!). "Phong vân" là gió mây, "hội phong vân" là hội đua tài, thi cử. "Trí khôn" là tri thức, kiến thức, học vấn, sự hiểu biết.

Luận có người anh tên là Hùng, đại úy phi công. Tôi mới ngộ ra rằng, Luận học giỏi là phải. Và tôi xin đề nghị sửa lại câu cuối của đề văn, như sau: "Nếu khi còn trẻ, ta không chịu khó học hành và tu dưỡng thì lớn lên sẽ trở thành kẻ vô dụng!".

Leave a Reply