Văn nghị luận xã hội: Văn hóa nói

Nói mà cũng cần phải có văn hóa ư? Có đấy. hiậm chí văn hóa cao là đằng khác.

Bác Hồ đã có lần căn dặn chúng ta: "Khi nói, cần phải biết mình đang nói với ai và nói cái gì". Đáng sợ nhất là cái bệnh nói nhiều. Bác còn nhẹ nhàng trách những anh huyên thuyên: "Nói dai, nói dài, nói dại".

Văn hóa nói

Trong lịch sử cha ông để lại, từng có chuyện, những quần thần đến tâu với vua. Có vị sau khi nói, vua lôi ra chém đầu. Cũng vấn đề đó, có vị nói, vua lại mang nhung lụa ban tặng. Vì sao thế? Đó chỉ là do cách nói, cách thuyết trình. Cũng là văn hóa nói đấy. Nhắc chuyện cũ, e xa xôi quá. Chuyện thì cũ, nhưng vẫn có tính thời sự. Ông bà ta từng dặn: "Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Có khi chỉ vì một lời không thận trọng mà rồi mất bạn. Có khi cũng chỉ vì một lời nói mà rồi mất mạng nữa. Theo dõi các vụ án, thật đau lòng, bởi đã từng có bao nhiêu vụ đâm chém nhau, dẫn đến cả việc giết người, mà nguyên do cũng chỉ vì một câu khích bác trong bữa ăn nhậu.

Đấy là những trường hợp cá biệt.

Trong đời thường, trao đổi với nhau. Tất cả đều phải thông qua ngôn ngữ giao tiếp. Điều đáng tiếc là có không ít người, nhất là các bạn trẻ đã quá buông thả bừa bãi trong cách ăn nói. Nhiều bạn cứ mở miệng là văng tục, thậm chí đệm lót những câu cửa miệng mà ngay cả nhũng người dễ tính nhất cũng không thể chấp nhận được. Điều đau xót nhất là cái bệnh tục tĩu này xuất hiện cả trong giới trí thức và những người có danh.

Tôi có một ông bạn. Đó là một nhà báo nổi tiếng. Anh có tài. Những trang viết của anh đều thanh sạch, trang nhã và rất hấp dẫn. Chỉ tiếc ngoài đời, cứ mở miệng là anh văng tục. Anh không phải ngưòi xấu. Thậm chí lại rất tốt, xét trên mọi phương diện. Nhưng cũng vì cái cách nói năng cẩu thả ấy, mà tôi rất ngại ngồi với anh ở chỗ đông người. Tôi đã nhiều lần nói với anh: "Cậu phải cố gắng bớt nói tục đi. Những người đã biết cậu, hiểu cậu rồi thì không sao. Nhưng những người lần đầu mới gặp thì họ sẽ kinh hoàng, vì không hiểu chúng ta là loại người nào cả".

Dạy nói cho học sinh

Thế rồi có lần cùng anh đi công tác xuống cơ sở. Người tiếp chúng tôi trong bữa ấy là một quan chức địa phương, một phụ nữ xinh đẹp và hiền thục. Biết bệnh anh, tôi đã phải giao kèo: "Hôm nay tớ cấm cậu không được văng tục. Tiếp chúng ta là phụ nữ. Nên nhớ như thế. Nếu cậu "giữ miệng" cho trang nhã được suốt cuộc gặp gỡ, tớ xin trả cậu một triệu!". Đây không phải là nói chơi, tôi đánh cược thật. Anh bạn cũng hứa quyết tâm làm một người chiến sĩ bảo vệ môi trường. Nhưng rồi, cũng chỉ giữ được ít phút đầu, sau ngà ngà hơi men, cái miệng đã thành tật lại biến anh hiện nguyên hình một gã lục lâm thảo khấu. Anh bảo: "Quen mất rồi. Không nói tục được tớ thấy chua miệng lắm!".

Thật đáng sợ, khi cái xấu, cái phi văn hóa đã trở thành thói quen. Quen rồi thì người ta sẽ thấy bình thường, không còn dị ứng trước cái xấu nữa. Đó là một điều đáng phải báo động.

Leave a Reply