Văn thuyết minh - Cây gòn

Cũng ngộ, xóm làng ở những nơi đồng bãi đồng bằng sông Cu Long, chỗ nào em cũng thấy cây gòn. Gòn mọc hàng hàng quanh sân nhà, vườn sau, ven bãi, bìa đường. Có nơi quây quần thành xóm, thành chòm. Nên có địa danh “xóm Cây Gòn”. Một số nơi vòng vòng chân núi, đất cằn khô như sỏi, tưởng không loại cây nào sống nổi, trừ cỏ dại và cây hoang không cần ánh sáng, giọt mưa. Vậy mà cây gòn vẫn sống phởn phơ, ngất ngưởng. Hàng năm cứ trổ hết hoa kết trái, tách vỏ bung ra bông trắng giúp ích cho người.

Cây gòn

Gòn trổ hoa trong mùa nước giựt. Tháng mười ta gió chướng mỏi dần, hiu hiu gió bấc, cành gòn chi chít bông vàng nhàn nhạt dễ thương. Một cơn gió lay cành hoa gòn rơi rụng, lấm tấm vàng quanh gốc cây gòn. Các chú nhóc tranh nhau nhặt làm trò chơi. Ít lâu sau gòn ra trái xanh nung núc, lủng lẳng khắp cành, đong đưa trong gió. Cho đến tháng tư ta, cái nắng nung “vỡ đầu sứ’ nghiệt ngã sấy khô tóp vỏ trái gòn, trông nhẵn nhụi như bàn tay người già còm cõi. Rồi tự nhiên đến lúc nào đó, vỏ gòn tự nứt ra (ngôn ngữ dân gian: gòn tách vo) bung xòe mảng bông, trắng nõn nà.

Mùa gòn “tách vỏ” chim chóc ríu ran, chuyền cành, nhảy nhót suốt ngày. Những cái mỏ nhỏ xíu nhủi vào tụm bông, mổ những hạt gòn béo ngậy chưa kịp khô. Hạt gòn còn là thức ăn vỗ béo cho gà.

Bông gòn ở quê được người ta làm gối, làm nệm. Gối gòn, nệm gòn nằm mát cổ, mát lưng? Không bức bối như gối mút, nệm mút cao su. Cho đến hôm nay, cuối thế kỉ XX mút cao su xông xổ vào mọi nhà thành phố. Nệm ghế, nệm giường, gối đều là mút. Rồi đến mềm mút, áo mút... Nhưng mút chưa bén mảng nổi tới làng quê. Có phải vì bông gòn có sẵn trong bản trong làng? Chỉ đúng một phần. Người làng quê thích dùng bông gòn làm đồ gia dụng chính vì cái ấm dịu dàng của nó, không bốc đồng như mút cao su.

miền Bắc, tôi ít thấy gòn. Vào mãi Hà Tĩnh, Quảng Bình mới thấy vài cây. Hình như người Bắc ưa bông gạo hơn gòn? Mùa nước vào vùng tứ giác Long Xuyên - vùng trũng nhất, sâu nhất An Giang, mùa khô vào vùng Bảy Núi mới thấy sức sống cây gòn đáng nể. Hàng năm, vùng này lụt ngập kéo dài năm sáu tháng, cây gòn vẫn đứng trơ trơ, xanh tươi trong nước sâu, nước cạn. Chỉ có gáo trắng, gáo vàng và tre mới lì lợm được như gòn.

Sáu tháng An Giang đổ lửa, cây cỏ xác xơ rũ lá, héo cành, lá gòn vẫn xanh mướt, cây đứng hiên ngang trên đồi, quanh chân núi đá.

Hiếm thấy cây nào sống dai trong nước như gòn, tre, gáo.

Gòn không phải là cây nổi tiếng. Còn có tiếng chê “mềm ẻo như gòn”.

Thế nhưng xóm làng không thể thiếu nó và rất gần gũi với con người cho dù con người không mấy trọng cây gòn. Bởi lẽ gòn rất dễ trồng, không trồng cũng tự mọc, đất nào khắc nghiệt đến đâu cũng sinh sôi được cả. Cần rào chắn quanh nhà, tránh bò, trâu, heo, chó... hàng xóm phá phách vườn cây, luống cải... chặt đại nhánh gòn cắm xuống hàng hàng, vài tháng sau đã thành hàng rào, bờ giậu kín chắc và bền. Một vài năm, nhiều cây đã cao vút mái nhà, xòa bóng mát mặt sân, mặt đường, đơm hoa kết trái.

Hàng năm cứ trổ hết hoa kết trái, tách vỏ bung ra bông trắng giúp ích cho người

Cây gòn chừng như không loại bỏ chỗ nào, trừ gốc và rễ ăn sâu trong đất. Trái gòn, bông gòn ta đã biết giá trị rồi. Với lá gòn, vỏ gòn, gỗ gòn người ta xay nhuyễn thành bột làm nhang. Gỗ gòn tuy “mềm xụn” nhưng cũng “cứu nguy” được cho người quá mức bần hàn. Xưa nhà nào nghèo quá, người thân qua đời không sắm nổi áo quan mà bó đệm bó chiếu đem chôn coi thảm quá. Láng giềng không giúp kịp ván đóng hòm, thì xả ngay cây gòn làm ván. Người quá cố cũng được nằm yên trong áo quan.

Về đồng bằng sông Cửu Long thỉnh thoảng ta gặp vài quán cóc, với tấm giấy cứng viết chữ ngoằn ngoèo “Giải khát mủ gòn”. Mủ gòn là loại giải khát hấp dẫn hạ nhiệt khá nhanh. Trưa hè nóng bức, khát ran cổ họng mà thấm giọng bằng li “mủ gòn nước đá” thì thú vị xiết bao. Từng mảnh gòn trông như rau câu, hạt lựu bồng bềnh trong li đá, đường coi mát mắt, với tùng miếng cắn nhẹ, vừa cưng cứng vừa giòn như thể gân bò ninh quá lửa.

Thuở bé, trưa nắng lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi lấy mủ gòn. Quanh thân cây to, từng chùm mủ trong ngần ùn ra thích mắt, tha hồ mà gỡ cho vào rổ nhỏ, ve nhà rửa sạch, bóc bỏ chỗ đen đen. Li nước mưa, quậy ít đường mỡ gà cho mủ gòn vào, ngon tuyệt. Hồi ấy làng quê quá hiem hoi nước đá.

Còn có một loại cây đã đi vào hát ru Nam Bộ, cây tung “Gió giật cội tung, nhánh tung khua rấm rắc...”. Tung là cây gì? Hồi còn thơ đã nghe mẹ hát, cho đến quá nửa đời người tôi vẫn chưa biết cây tung! Khi làm tập Lời ru của mẹ, tôi ngẫm nghĩ mãi, tìm tòi mãi vẫn không ra tông tích cây tung. Có thể là cây sung? Dân gian nói chệch đi chăng? Chuyến về An Giang đến thăm Sáu Nghệ, bạn chí cốt ở u Minh, tôi lại hỏi anh, người hiểu biết về rừng. Sáu Nghệ ngước mặt lên trần nhà: “Cây tung đó. Làm trần nhà vừa rẻ, vừa cách nhiệt tuyệt vời. Ớ Bảy Núi thiếu gì”.

Thực tế, có cây tung thật sao? Tôi cứ nghĩ đó là loại cây huyền thoại, như thể “sao khuê”. Sáu Nghệ cười to: “Cố chứ, nó là cây gòn rừng đó ông ạ!”

À, ra là họ hàng nhà gòn, gòn rừng, gòn nhà đều hết sức gần gũi và hữu ích cho đời sống con người. Vậy mà xưa nay mấy ai ân cần chăm chút nó. Có phải vì nó là loại dễ trồng, dễ sống, dễ xài? Không trồng cũng mọc như cây tung - gòn rừng. Không bón, không chăm nó vẫn sống, sống mạnh mẽ đường hoàng ngay trên vùng đất ngặt nghèo tàn nhẫn.

Leave a Reply