Văn tự sự - Cổ tích của bà

Lúc tôi mới chập chững bước vào lớp một thì bố mẹ tôi li thân. Trong đầu óc non nớt của đứa trẻ sáu tuổi là tôi thì cuộc chia tay của bố mẹ chỉ đơn thuần là việc bố tôi đi công tác xa nhà và mẹ tôi đã âu yếm bảo tôi rằng: “Hai mẹ con mình đến nhà bà ngoại ở trong lúc bố đi vắng nhé”, vậy là tôi gật đầu theo mẹ và đến sống với bà ngoại từ đó.

Cổ tích của bà

Nhà bà ngoại tôi vẻn vẹn chỉ có 9m2 trong một khu phố nhỏ nép sâu vào trong lòng thành phố. Căn gác nhỏ ấy đã mở rộng vòng tay đón hai mẹ con tôi trở về và nương tựa vào bà ngoại. Cứ thế tôi sống trong sự bao bọc, sống trong tình yêu thương của bà ngoại và chẳng hiểu tự bao giờ, những câu chuyên bà kể tôi nghe mỗi khi hai bà cháu thủ thỉ tâm sự đa nuôi lớn đời tôi, dần dà đến lúc tôi khôn lớn, những mẩu chuyện của bà vẫn in hằn một dấu ấn đẹp trong tâm hồn của một đứa con gái như tôi.

Cổ tích của bà không phải là hình ảnh hoàng tử cưỡi bạch mã đi cứu công chúa, cũng không phải là mụ dì ghẻ gian ác bị trừng trị đích đáng mà chính là những câu chuyện đời thường, dung dị nhưng chân thực và xúc động biết bao. Bà vẫn thường kể: Ngày xưa, cái hồi còn chiến tranh, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn, õng bà có những bảy người con mà chín người lại phải chen chúc trong căn hộ vẻn vẹn 9m2 nên những năm tháng ấy thực sự là những giờ phút hết sức khốn khó, lao đao. Thêm vào đó, ông tôi đi lái xe nên vắng nhà thường xuyên, cả tháng may ra mới tạt qua nhà một lần, vậy là mọi việc trong nhà từ việc lớn đến việc nhỏ đều một tay ngoại tôi thu vén xoay xở, gánh nặng gia đình ngày càng đè nặng lên đôi vai gầy của bà. Mẹ tôi là con gái lớn của bà nên sớm phải cùng mẹ bươn chải, buôn thúng bán mẹt để cốt sao gia đình được êm ấm, cho các cậu, các dì tôi được tiếp tục đến trường. Những năm chiến tranh, gia đình ông bà tôi phải đi sơ tán khắp nơi, có những lúc tưởng không tìm thấy nhau bởi trong chiến tranh việc thất lạc người thân là chuyên dễ hiểu. Nhà ngoại tôi có chín người nên chia làm ba nhóm: nhóm thì lên sơ tán trên miền núi tỉnh Tuyên Quang, nhóm thì lại lặn lội mãi tận Sơn Tây, còn lại thì ở Hà Nội để trông nhà. Khi ấy, các dì, các cậu tôi cũng được 13, 14 tuổi rồi nên đã biết bảo ban nhau học hành, trông nhà trông cửa để bà tôi đi buôn. Dì Ba, dì Tư tôi lúc bấy giờ còn tranh thủ đi làm kiếm tiền để đóng học. Vốn là nhà bà tôi có nghề cuốn thuốc lá nên hầu như ai cũng phải biết làm, thế là hết buôn bán bên ngoài buổi sáng đến chập tối các dì, các cậu tôi lại làm mỗi người một mẹt thuốc lá đi bộ ra mãi tận Bờ Hồ, ra Tràng Tien bán thuốc cho người nước ngoài hoặc những bà đầm đi coi xi-ne ở cửa rạp hát. Có những hôm trời mưa không bán được hàng, thuốc lá lại bị ngấm nước khiến ai nấy mặt mày buồn xo.

câu chuyện cổ tích thời xa xưa ấy của bà

Rồi những buổi tối mùa hè nóng nực, căn nhà đã chật chội lại thêm cái nóng hầm hập phả vào nên mẹ tôi cùng các em phải vác chiếu, vác gối lếch thếch ra Bờ Hồ ngủ mãi khuya mới về. Có những hôm ngủ quên, tỉnh ra thì trời đã tảng sáng, về nhà còn bị nhốt ngoài cửa, đấy là bà tôi đang phạt mẹ tôi và các cậu, các dì đó. Cứ thế, cuộc sống khó khăn, va vấp cùng bàn tay tảo tần của ngoại đã nuôi lớn mẹ tôi và các dì, các cậu trưởng thành, từng bước từng bước đứng vững trên đường đời.

Đất nước hòa bình trở lại, chiến tranh qua đi, tất cả mọi người lại bắt tay chuẩn bị công cuộc khôi phục kinh tế. Bước vào thời kì bao cấp, với chín miệng ăn thì gia đình ngoại lại càng trở nên khó khăn thiếu thốn hơn bao giờ hết. Cả tháng trời may ra mới có một cân thịt lợn kho thật mặn để dành ăn dần. Còn lại những ngày thường thì chỉ ăn cơm với tí mắm, quả cà hay dưa muối mà thôi. Khó khăn là thế mà ngoại tôi nào có kêu ca gì, chỉ gắng sức làm lụng để duy trì cuộc sống gia đình, lo cho con cái học hành đến nơi đến chôn. Thế mới biết ngoại tôi có sức chịu đựng vô cùng lớn, thêm vào đó là một trái tim của người mẹ hết lòng vì những đứa con thân yêu.

Cho đến tận bây giờ, khi mà các cậu, các dì tôi đều đã có việc làm ổn định, có gia đình con cái đuề huề thì ngoại vẫn cứ dành chút thời gian để chăm lo cho các cháu trong nhà mỗi khi ốm đau, bệnh tật như cái thuở bà còn chăm bẵm cho mẹ, cho các cậu, các dì tôi vậy. Mỗi khi rảnh rỗi bà lại kéo đàn cháu nhỏ vào lòng mà thủ thỉ những chuyên “ngày xưa...”.

Với tôi, những câu chuyện cổ tích thời xa xưa ấy của bà chẳng bao giờ là cũ cả và mãi mãi là những bài học thấm thía, nhẹ nhàng về nghị lực vươn lên của những con người biết vượt qua thử thách, sóng gió của cuộc đời...

Leave a Reply