Vì sao nói Việt Bắc là một đỉnh cao trên con đường thơ Tố Hữu? Bài thơ đậm đà tính dân tộc ở những điểm nào?

a. Việt Bắc là một đỉnh cao trên con đường thơ Tố Hữu. Bài thơ tiêu biểu cho chất trữ tình chính trị, cho khuynh hướng sử thi và chất giọng tâm tình ngọt ngào của hồn thơ Tố Hữu. Tình cảm chính trị của hàng triệu con người đã được nhà thơ thể hiện bằng tiếng nói thiết tha, đằm thắm của tình yêu đôi lứa với đủ mọi cung bậc của cảm xúc. Từ bâng khuâng, lưu luyến, bồn chồn, nhớ nhung, khắc khoải đến hi vọng, tin tưởng, mong chờ,...

Việt Bắc

b. Đặc biệt, bài thơ đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và hình thức nghệ thuật:

- Về nội dung, ngợi ca nghĩa tình cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giữ nước, Tố Hữu đã tiếp nối, phát huy những truyền thống đạo đức cao quý của dân tộc. Đọc những câu thơ Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son... Thương nhau, chia củ sắn lùi - Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng - lại thấy tâm hồn của một dân tộc nghèo khó, vất vả mà thuỷ chung, trọng nghĩa tình. Dẫu muối mặn gừng cay, chua ngọt đã từng hay lên rừng xuống bể vẫn một lòng ta thương nhau (Ca dao)...

- Về hình thức thể hiện, tác giả đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn thể thơ lục bát và kiểu cấu tứ của ca dao. Cặp đại từ nhân xưng ta - mình biến đổi linh hoạt - ta khi là người ở lại: Mình về mình có nhớ ta, khi là người ra đi: Ta về ta nhớ những hoa cùng người; mình lúc là ngôi thứ nhất, lúc là ngôi thứ hai, có lúc lại chỉ cả người đi kẻ ở Mình đi mình lại nhớ mình... Sự đan xen, hoà quyện ấy đã thể hiện mối đồng cảm sâu xa của những trái tim cùng chung nhịp đập trong thời khắc thiêng liêng này. Tố Hữu cũng tận dụng tối đa hiệu quả của các hình thức tiểu đốì trong câu thơ lục bát để tạo nên âm điệu nhịp nhàng, câu trúc hài hoà cho tác phẩm. Ngôn từ thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hoán dụ giản dị, quen thuộc mà giàu sức gợi... Việt Bắc xứng đáng là đỉnh cao trên con đường thơ Tố Hữu và là một trong những thành tựu lớn của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Leave a Reply