Viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm của M. Gooc-Ki: “Nơi lạnh nhất thê giới không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương”

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Yêu cầu về kĩ năng

Biết cách làm một bài văn nghị luận ngắn gọn (không quá 600 từ) về một vấn đề tư tưởng, đạo lí. Bài có cách viết chặt chẽ, gọn gàng, lưu loát. Hạn chế tối đa việc mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Quan niệm của M. Goóc - ki được biểu đạt dưới dạng một khẳng định mang tính so sánh. Bài làm cần bám sát quan niệm đó đế giải thích, bàn luận thêm.

Nơi lạnh nhất thê giới không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương

Trong quá trình bàn luận, thí sinh có quyền trình bày quan điểm riêng của mình, miễn sao quan niệm đó gắn với vấn đề của đề bài và phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Bài làm nên tổ chức theo hướng sau:

b1. Giải thích:

- Vùng Bắc cực là nơi quanh năm băng giá, nhiệt độ có lúc xuống thấp đến hàng chục độ âm. Đó là nơi sự sống tồn tại rất khó khăn.

- Cách diễn đạt “Nơi lạnh nhất thế giới không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình thương”. Là cách nói mang tính so sánh - so sánh sự lãnh lẽo của đất trời và sự lạnh giá của lòng người - nhằm khẳng định sự lạnh giá của lòng người đáng sợ hơn sự lạnh giá của đất trời. Bởi vậy, ngay cả nơi cực kì lạnh lẽo như Bắc cực cũng không lạnh giá và đáng sợ bằng nơi thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm chia sẻ giữa con người và con người. Phải chăng vì nơi thiếu tình thương không chỉ thiếu sự sống mà là nơi không thật sự có sự sống.

b.2. Suy nghĩ về quan niệm

- Quan niệm của M. Goóc-ki là một quan niệm vô cùng sâu sắc và đầy tình nhân ái. Quan niệm đó giúp ta hiểu sâu hơn một điều: đừng sống với nhau quá lạnh lùng vì không có sự lạnh giá nào làm người thân của ta dễ kiệt quệ bằng sự lạnh giá của lòng mình. Sự lạnh giá đó đủ sức đóng băng và huỷ diệt cuộc sống, làm ngưng đập những trái tim khao khát tình thương.

- Chính là nhờ tình thương mà cuộc sống mỗi người trở nên ấm áp, ấm cúng, thân thiện và tràn đầy tin yêu hơn. Lắm khi, một cử chỉ yêu thương chân thành của người này có thể giúp người kia cảm thấy tiết trời vơi đi lạnh giá.

- Cách nghĩ cho rằng mỗi người chỉ cần có trách nhiệm, có tình yêu thương đối với chính mình là cách nghĩ hẹp hòi, ích kỉ, thậm chí có khi trở nên tàn nhẫn, lạnh lùng trong một cảnh ngộ cụ thể nào đó.

b3. Nêu ý nghĩa, bài học nhận thức và hành dộng:

Quan niệm của M.Goóc-ki góp phần nhắc nhở và thức tỉnh những ai quá lạnh lùng, vô cảm đối với những bất hạnh của người khác. Ở một góc độ khác, quan niệm của M.Goóc-ki hướng con người đến với cách sống đầy trách nhiệm và đầy tình yêu thương đối với người xung quanh. Thế giới sẽ không còn lạnh giá nữa nếu con người biết sưởi ấm cho nhau bằng ngọn lửa của yêu thương.

Leave a Reply