Ý nghĩa của truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Ý nghĩa của truyện:

a. Qua nhan đề tác phẩm: Cũng giống như Thu Bồn trong Bài ca chim Chơ-rao, Ngọc Anh trong Bóng cây kơ-nia, Nguyễn Trung Thành trong Rừng xà nu lấy một hình ảnh tiêu biểu, quen thuộc của vùng đất Tây Nguyên là cây xà nu, rùng xà nu để nổi lên sức sống bền vững, trường tồn của người dân Tây Nguyên, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và khí thế chiến thắng của họ trong công cuộc chống Mĩ cứu nước của cả dân tộc. Rừng xà nu đã trở thành một hình tượng mang vẻ đẹp sử thi hào hùng, tráng lệ của truyện, đã tạo ra sức cuốn hút, mời gọi người đọc đến với tác phẩm.

Ý nghĩa của truyện Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

b. Qua đoạn văn miêu tả cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác: Đoạn văn mở đầu đã tạo một “không khí” rất ấn tượng cho câu chuyện về làng Xô Man chống Mĩ sẽ kể trong tác phầm. Đại bác giặc đã bắn gãy hàng vạn cây xà nu nhưng những cây xà nu con lại mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Trong đau thương, xà nu vẫn sinh sôi nảy nở và trường tồn bất diệt như sức sống của dân làng Xô Man trong công cuộc đánh Mĩ và cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng..., “đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Đoạn văn đã tô đậm, khắc sâu ý nghĩa của nhan đề và góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề của tác phẩm.

c. Hình ảnh những ngọn đồi, cánh rừng xà nu trải ra hút tầm mắt, chạy tít tắp đến tận chân trời luôn trở đi trở lại trong tác phẩm có tác dụng nhấn mạnh thêm hình tượng biểu trưng của truyện, gây ấn tượng trong người đọc và tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa cây xà nu với các thế hệ dân làng Xô Man chống Mĩ. (Trong truyện tác giả đã nhắc đến cây xà nu tới 20 lần bằng những câu văn đẹp).

Leave a Reply