Phân tích đoạn thơ sau: “Ta về mình có nhớ ta... Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc - Tố Hữu)

Phân tích đoạn thơ sau:

“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người em gái chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

(Việt Bắc - Tố Hữu)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác: Tố Hữu là một nhà thơ lớn của chúng ta ở thế kỉ XX.

“Việt Bắc” được viết nhân sự kiện lịch sử: sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu về lại Thủ đô Hà Nội. Bài thơ là một đỉnh cao nghệ thuật trên bước đường sáng tác thơ ca của Tố Hữu, cũng là một thành tựu đặc sắc của nền thơ kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ.

- Trình bày ngắn gọn những nét đặc sắc chung của bài thơ: lựa chọn hình thức đối đáp của ca dao thể hiện nỗi nhớ trong thời khắc “phân li” giữa “mình” và “ta” thích hợp trong trường hợp bộc lộ tình cảm son sắt thuỷ chung... Cảnh và người Việt Bắc được hiện qua nỗi nhớ. “Bức tranh tứ bình” là một trong những đoạn thơ hay nhất của tác phẩm này.

Hoa chuối rừng

- Sau hai câu thơ mở đầu, với điệp từ “nhớ”, “ta” với “mình” càng trở nên gắn bó bởi tình cảm tha thiết, thiêng liêng. Từ những dấu hiệu nghệ thuật, cần làm rõ những vẻ đẹp của đoạn thơ trên:

Bức tranh mùa đông với màu sắc ấn tượng, tươi thắm, đường nét khái quát, mênh mang, gợi cảm giác ấm áp lạ lùng. Cảnh và người hài hoà, đẹp và sống động. Bức tranh mùa xuân lại là gam màu dịu nhẹ, thanh bình, không phải “đỏ tươi”, “rừng xanh”, mà là màu “mơ nở trắng rừng”. Thời điểm có khác đi, con người cũng thật hài hoà với sắc xuân...

- Bức tranh mùa hạ không chỉ rực sắc vàng, còn rộn rã âm thanh. Con người hiện lên vẻ đẹp của người thường trong kháng chiến... Cảnh đêm thu lại càng gợi vẻ thanh bình bởi “tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Từ ngữ giàu sức gợi, hình ảnh gần gũi với đời sống, nhạc điệu êm đềm, tha thiết... Có thể nói, mỗi bức tranh là một dáng vẻ... sống động và chân thực, rất nên thơ, và rất hấp dẫn...

- Khái quát về một vài nét đặc sắc của đoạn thơ cũng như phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu:

Tính dân tộc trong cách lựa chọn thể thơ và hình thức nghệ thuật cũng như vận dụng cách xưng hô “mình” và “ta” của ca dao... tính hiện đại thể hiện những tình cảm mới mẻ, tình cảm cộng đồng sống kháng chiến, cảnh và người Việt Bắc...

Tài năng thơ của Tố Hữu đến độ chín. Thể hiện tình cảm mang nội dung chính trị nhưng rất đỗi trữ tình, chân thành và cảm động, với “tiếng hát” thơ của tình cảm “ân tình thuỷ chung” rất thành công.

Leave a Reply