Anh/ chị hãy viết đoạn văn thuyết minh về cây sơ ri

Những năm gần đây, có thêm một loại cây được bà con nông dân ở Gò Công chọn làm cây trồng chính bởi giá trị kinh tế khá đặc biệt của nó. Đó là cây sơ ri.

Cây sơ ri được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Gò Công, thị xã Gò Công và Gò Công Tây, tổng diện tích lên đến gần 800 hecta, trong đó, Gò Công Đông có diện tích trồng nhiều nhất với 585 hecta.

Cây sơ ri có nguồn gốc từ Trung Mỹ

Cây sơ ri có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Về sau, nó được trồng phổ biến ở Nam Mỹ với nhiều tên gọi như : malpighia glabra, acerola hay bacbados cherry… Đối với bà con nông dân, việc chiết cành, nhân giống cây sơ ri cũng đơn giản như nhiều loại cây khác, tức là chọn những cây khỏe mạnh, lá dầy, cho trái tốt, rồi lựa cành, bó chiết cho đến khi cành đâm rễ non thì cắt đem trồng ngay mà khỏi cần bầu như những cây khác.

Thật đơn giản! Tuy nhiên, trái sơ ri Gò Công lớn hơn những nơi khác không đơn giản chỉ nhờ sự chăm sóc của nhà vườn theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, mà chủ yếu còn nhờ thổ nhưỡng vùng này rất thích hợp với cây sơ ri.

Cho đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thời điểm cây sơ ri được trồng ở Gò Công. Nhưng có lẽ cây sơ ri có mặt ở vùng đất này đã khá lâu. Lúc đầu, sơ ri được trồng như một loại cây kiểng, bởi khi chín trái sơ ri có màu rất đẹp. Một số nơi trồng tập trung, hái trái bán như những loại cây trái thông thường khác. Về sau, người Gò Công phát hiện cây sơ ri thích hợp đất này nên phát triển tốt, trái lớn, nhiều nước. Có hai loại sơ ri. Một loại có nhiều vị chua, thích hợp cho chế biến xuất khẩu. Loại kia vị ngọt, dành cho thị trường ăn tươi. Quả sơ ri khi chín mọng có màu đỏ cam hoặc đỏ sậm rất đẹp, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều món như : mứt sơ ri, rượu sơ ri, cocktail, nước ép sơ ri v.v… được thị trường rất ưa chuộng. Vì vậy, bà con Gò Công chuyển sang trồng cây sơ ri với quy mô lớn như hiện nay.

Cây sơ ri đã được đưa vào chương trình ưu tiên phát triển “2 cây 3 con” của tỉnh Tiền Giang, trong đó đặc biệt chú trọng mặt hàng sơ ri tươi xuất khẩu. Lượng trái còn lại phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm như : rượu, si-rô, mứt v.v…

Hiện nay, các công ty chế biến thực phẩm như Hiệp Phát, Thịnh Phát thu mua sơ ri loại 1 với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg để sơ chế xuất khẩu, trong đó ưu tiên cho các nhà vườn có tiêu chuẩn canh tác an toàn, tức là những nhà vườn áp dụng các biện pháp chăm sóc khoa học, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lượng trái còn lại phần lớn được các thương lái thu mua với giá từ 700 - 1.500 đồng/kg để bán ở thị trường các tỉnh.

Như vậy, trái sơ ri đạt chuẩn mẫu mã và chất lượng xuất khẩu, được thu mua với giá cao, chỉ chiếm tỷ lệ từ 25 - 35% tổng sản lượng. Đây chính là nỗi trăn trở của bà con nhà vườn và các nhà quản lý kinh tế ở Gò Công.

Cây sơ ri được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Gò Công

Theo tài liệu dinh dưỡng học thì quả sơ ri có nguồn vitamin C rất lý tưởng cho người ăn kiêng. Hàm lượng acid ascorbic trong quả sơ ri đo được từ 1,5 - 3,5 trọng lượng tươi. Một ly nước ép sơ ri 180 ml có thể chứa một lượng vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép. Vì vậy, trong công nghệ chế biến thực phẩm, nước ép sơ ri thường được sử dụng để làm tăng hàm lượng vitamin C cho nước ép của nhiều loại quả khác. Nhiều nước như Nhật, Singapor, Hồng Công… đều có nhu cầu nhập khẩu sơ ri dưới dạng tươi.

Như vậy, nhu cầu tiêu thụ sơ ri ở thị trường trong và ngoài nước hiện nay là rất lớn, trong khi sản lượng trái đúng tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ đạt khoảng 5.000 tấn/năm, tức là chỉ bằng ¼ công suất chế biến của hai cơ sở Hiệp Phát và Thịnh Phát.

Trước mắt bà con nhà vườn sơ ri Gò Công, thị trường tiêu thụ đang rộng mở. Nhưng muốn đáp ứng được thị trường này đòi hỏi phải có sự đầu tư của các nhà khoa học cũng như tâm huyết của bà con nhà vườn đối với những sản phẩm do chính tay mình làm ra.

Mặt khác, tạo vùng chuyên canh cây sơ ri đặc sản là chủ trương của tỉnh nên cũng rất cần có một tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, đồng thời sớm đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Có như thế mới tạo được niềm tin với đối tác khi họ cần tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm mà họ đang sử dụng.

Leave a Reply