Phân tích truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

I. MỞ BÀI

Cùng mắc võng trèn rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây.

(Phạm Tiến Duật)

Đâu chỉ có thế, trên nẻo đường Trường Sơn ta còn gặp gỡ những gì? Các chàng trai lái xe không kính, hay còn kính và những chàng “ngự lâm pháo thủ” trò chuyện chớp nhoáng với các cô gái thanh niên xung phong (TNXP), những cô trinh sát mặt đường, chuyên phá bom nổ chậm, mở đường cho xe qua thật thú vị và cảm động. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi kể lại cuộc sống và khắc họa chân dung tâm hồn, tính cách của ba cô gái trẻ, ba vì sao xa xôi trên cao điểm Trường Sơn.

Những ngôi sao xa xôi

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt truyện

Ba cô gái thanh niên xung phong Thao, Định, Nho được biên chế thành một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm vì thường xuyên chạy trên cao điểm giữa ban ngày và máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cuộc sống và chiến đấu của họ nơi trọng điểm giữa chiến trường dù khắc nghiệt muôn vàn nguy hiểm nhưng ba cô gái vẫn bình thản, tươi vui, hồn nhiên và không kém phần lãng mạn, đặc biệt là rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng chí, đồng đội dù mỗi người một cá tính.

2. Phân tích

a. Nội dung:

* Nhiệm vụ của họ thật nặng nề:

- Tuyến đường Trường Sơn vào những năm 1969, 1970 vô cùng ác liệt, Mĩ dội những trận mưa bom bão đạn trên con đường huyết mạch này, con đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Lực lượng TNXP có nhiệm vụ gỡ bom, lấp hố bom, mở đường cho bộ đội tiến quân. Ba cô gái trong truyện sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa vùng trọng điểm tập trung bom đạn của giặc Mĩ. Nơi họ ở là một cái hang đá mát lạnh, ngay dưới chân cao điểm tách xa đơn vị. Ban ngày, họ phải phơi mình dưới tầm đánh phá của máy bay. Sau môi trận dội bom, họ phải lao ngay ra trọng điểm để làm nhiệm vụ.

- Trước cái chết, ai cũng run sợ và né tránh. Thế mà họ phải mạo hiểm với cái chết, thần kinh luôn căng thẳng, đòi hỏi sự bình tĩnh sáng suốt dũng cảm. Đây là công việc hằng ngày, có khi một ngày hai ba lần phá bom như thế thật nguy hiểm. Nguy hiểm khôn lường nhưng các cô tự hào với cái tên gọi mà đơn vị đặt cho là: tổ trinh sát mặt đường. Gắn với cái tên gợi sự khao khát làm nên sự tích anh hùng ấy là công việc chẳng nhẹ nhàng đơn giản chút nào: Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên trên khuôn mặt lem luốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau là “những con quỷ mắt đen."

* Đời sống tâm hồn phong phú, đáng yêu:

- Cả ba cô đều là con gái Hà Nội. Tuy cá tính và hoàn cảnh riêng mỗi người mỗi khác nhưng họ đều có phẩm chất chung vô cùng tốt đẹp của TNXP tiền tuyến. Đó là tinh thần dũng cảm tuyệt vời, không sợ gian khổ, hi sinh, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và tình cảm đồng đội gắn bó, yêu thương, ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ là dễ xúc động, nhiều khát vọng và hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ buồn. Trong bom đạn, cận kề cái chết mà họ vẫn thích làm đẹp cho cuộc sống của mình. Nho thích thêu thùa, chị Thảo chăm chép bài thơ, Định thích ngắm mình trong gương, thích ngồi bó gối thả hồn theo dòng hồi tưởng và cất tiếng hát.

- Riêng Phương Định, Lê Minh Khuê dành nhiều trang viết về cô, một cô gái xuất thân từ Hà Nội, xinh đẹp, hồn nhiên, vô tư tinh nghịch vừa dịu dàng lãng mạn. Kỉ niệm gia đình luôn trở về với cô trong những lúc chiến trường khốc liệt làm dịu mát tâm hồn cô. Cô còn rất nhạy cảm, quan tâm đến bản thân và muốn được người khác để ý. Cũng như bao cô gái khác, cô rất vui và tự hào về điều này.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

- Với đồng đội, cô yêu mến chân thành, chia sẻ nhiệm vụ, lo lắng, chăm sóc cho các bạn thật chu đáo. Cô cũng dành tình cảm cho các anh chiến sĩ trên đường ra mặt trận. Cô chưa quan tâm đến ai cụ thể nhưng lại cảm phục và ngưỡng mộ tất cả, bởi tất cả đều đẹp trong mắt cô.

- Là một nữ sĩ từng trưởng thành từ lực lượng TNXP, Lê Minh Khuê am hiểu khá tinh tế tâm lí của những cô gái trong nhóm trinh sát mặt đường mà tiêu biểu là nhân vật Phương Định. Tâm trạng của Định luc phá bom được tả rất chân thực “Tôi dùng xẻng... Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình...”. Mặc dù thành thạo trong công việc, có ngày phá đến năm quả bom nhưng mỗi lần phá bom nổ chậm vẫn là một lần thử thách, căng thẳng, nhất là khi chờ đợi tiếng nổ của quả bom đồng nghĩa với công việc đã hoàn thành.

- Công việc nguy hiểm là thế nhưng riêng lúc rảnh rỗi các cô vẫn hồn nhiên cất cao tiếng hát. Hát chưa hay, chưa thuộc lời bài hát nhưng các cô vân hát. Thậm chí Thao không bao giờ hát hết một bài, giọng chua chát nhưng vẫn say mê chép lời.

- Nhân vật Nho có vẻ lặng lẽ nhất trong ba người nhưng thực ra cô là người rất can đảm kiên cường, trông xinh đẹp “như một que kem trắng” mà lại không ủy mị ướt át chút nào. Hàng ngày cô cùng đồng đội phá bom nổ chậm. Có lần, bị bom vùi và mảnh bom găm vào canh tay, mau túa ra rất nhiều, da xanh xao, quần áo đầy bụi, được đồng đội cứu kịp thời, Nho cắn răng chịu đau không khóc và cả ba ngữời đều không ai khóc bởi họ cho răng “Nước măt đứa nào chảy trong khi cần cái cứng cỏi của nhau là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ”.

b. Nghệ thuật:

- Sắc sảo trong việc thể hiện khung cảnh và không khí sôi sục của chiến trường Trường Sơn.

- Thành công nhất là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

- Cách kể chuyện đan xen giữa hồi ức và hiện tại, câu ngắn và câu dài, nhịp nhanh và chậm, giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên gắn khẩu ngữ.

III. KẾT BÀI

- Lê Minh Khuê thành công khi xây dựng truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.

- Động viên tiếp sức cho tuổi trẻ Việt Nam luôn ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Leave a Reply