Văn nghị luận - Một bài thơ của bà Thanh Quan

Trong những nhà thơ phụ nữ ngày trước của ta, sau Hồ Xuân Hương, người có phong cách rõ ràng nhất là bà Thanh Quan. Cho đến nay, thơ bà Thanh Quan mà chúng tă có không nhiều. Mà trong đó, có một số bài không biết của bà hay của người khác.

Có thể nói chỉ có ba bài thơ sau này là rõ phong cách của bà Thanh Quan hơn cả. Đó là Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhàThăng Long thành hoài cổ.

Trong ba bài thơ ấy, bài Thăng Long thành hoài cổ sâu sắc, bài Chiều hôm nhớ nhà tha thiết, nhưng hai bài này bị nhiều từ Hán Việt như “hí trường”, “tinh sương”, “thu thảo”, “tịch dương”, “tuế nguyệt”, “ngư ông”, “viễn phố”, “mục tử”, “cô thôn”, làm cho cảnh đã cũ càng thêm cũ hơn và làm bài thơ thêm xa lạ với chúng ta.

Một bài thơ của bà Thanh Quan

Cho nên, có lí do để thấy bài Qua Đèo Ngang là bài thơ tiêu biểu nhất của bà Thanh Quan:

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tỉnh rỉêng, ta với ta.

Bài thơ này, từ tả cảnh đến tả tình có cái gì công thức. Nhưng do xúc cảm thật thể hiện bằng những câu tự nhiên, những chữ bình thường nôm na, tạo thành một bài thơ được thời gian chấp nhận, cho đến bây giờ vẫn gần gũi.

So với bài Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương thì bài Qua Đèo Ngang của bà Thanh Quan được người ta biết nhiều hơn, mặc dầu tài năng Hồ Xuân Hương lớn hơn, và bài Đèo Ba Dội mở đầu bằng một câu rất tài: “Một đèo, một đèo, lại một đèo”.

Có lẽ vì bà Thanh Quan họa một cái đèo nhiều người biết đến hơn. Và vấn đề đặt trong bài thơ Qua Đèo Ngang cũng tiêu biểu hơn.

Trong bài Qua Đèo Ngang, hai câu thơ xuất sắc nhất là hai câu sau cùng:

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Hai câu này vừa kết thúc bài thơ, vừa mở ra một chân trời xúc cảm mới. Thơ là tấm lòng của người làm thơ, cái “cá nhân” của tác giả nói với chúng ta. Có cái đáng chú ý là những câu cuối của ba bài thơ bà Thanh Quan đều thú vị cả. Vì nó đưa ta vào thế giới bên trong của nhà thơ. Đó là ý thức về cái “tôi” ở trong một thời đại mà cái “tôi” bị xã hội phong kiến đè nén. Dù đó là câu: “Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường” hay câu: “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” hay câu: “Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

TỂ HANH

(Báo Võn Nghệ số 647, ngày 27-3-1976)

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

Ghi chú: Ba bài thơ có nhắc đến trong bài viết này:

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.

Gác mái, ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liệu sương sa khách bước dồn.

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

                                                            BÀ HUYỆN THANH QUAN

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,

Đến nay thẩm thoắt mấy tinh sương.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu dài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

                                                                           BÀ HUYỆN THANH QUAN

ĐÈO BA DỘI

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng,

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

                                                            HỒ XUÂN HƯƠNG

Leave a Reply