Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài được thể hiện qua:

- Bênh vực con người: hình thức bênh vực con người ở đây là tạo nên sức mạnh tố cáo sự tàn nhẫn, bất nhân của tầng lớp thống trị mà đại diện là gia đình thống lí Pá Tra, cho dù nhân vật Pá Tra không xuất hiện nhiều và khá mờ nhạt trong tác phẩm. Dưới ngòi bút của tác giả, sức mạnh của Pá Tra hiện diện khắp nơi, qua đội quân chức việc của nhà quan, qua cách thống trị bằng phương thức cho vay nặng lãi để biến người tự do thành người nô lệ, phục dịch cho mình. Ngoài ra các tập tục mê tín liên quan đến cưới xin gả bán cũng là những hình thức bất công hãm hại, cầm tù con người. Mị bị hành hạ, không được sống bình thường như những người khác. Mị bị A Sử trói đứng vào cột, phải đứng suốt đêm mà trước đó, trong gia đình này cũng đã xảy ra câu chuyện tương tự khiến một người phụ nữ đã bị chết một cách oan khốc. Việc nhắc lại câu chuyên này cũng nhằm nhấn mạnh sự tàn ác, bất nhân của gia đình thống lí Pá Tra.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

- Giá trị nhân đạo của truyện là cái nhìn mang ý thức giai cấp: lên án những thế lực phong kiến, thực dân tàn ác chà đạp lên quyền sống của con người, cảm thông với số phận đau khổ của nhân dân vùng cao Tây Bắc, khẳng định khát vọng và con đường đi tới cách mạng của họ. Truyện đề cao tình hữu ái giai cấp, sự đồng cảm của những con người nghèo khổ cùng cảnh ngộ.

- Ca ngợi con người: Phát hiện và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân miền núi, khẳng định sức sống tiềm tàng cũng như khát vọng hạnh phúc chân chính của họ. Không chỉ tố cáo mà Tô Hoài còn ca ngợi Mị bằng cách tái hiện vẻ đẹp thể xác và vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp tâm hồn của Mị. Mị là cô gái Mèo xinh đẹp, tài hoa, cái đẹp ngoại hình đã từng làm bao chàng trai say mê. Mị mang trong mình vẻ đẹp vị tha, biết tôn thờ cha, biết thương yêu cha và chấp nhận làm dâu gạt để cha được xoá nợ.

- Khẳng định quyền được sống, quyền được làm người: Ẩn sâu trong tâm hồn Mị là khát vọng sống, khát vọng được tự do như bao chàng trai, cô gái khác. Mị muốn có một gia đình hạnh phúc, muốn có một tình yêu mà ở đó cả hai người đều “có lòng với nhau”. Khát vọng đó là ngọn lửa âm ỉ trong con người Mị và nó sẽ bùng lên khi có dịp. Tô Hoài đã miêu tả rất thành công cảnh Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ chạy trốn. Ngọn lửa đấu tranh được nuôi dưỡng bằng khát vọng sống trong con người Mị đã bùng lên, đã biến thành hành động thực tế, hành động cứu người và tự cứu mình mang đậm phẩm chất vị tha. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm qua việc khẳng định quyền được sống, quyền được làm người của Mị. Giá trị nhân đạo được nâng lên thành một cấp độ mới: con người không cam chịu làm nô lệ, không chấp nhận kiếp sống ngựa trâu, quyết vượt lên để làm người.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ là đã tạo ra cách đánh giá, nhìn nhận mới về con người, qua đó tác giả khẳng định giá trị con người.

- Tác giả đã vượt lên cái nhìn “xem ngắm” của người đứng ngoài quan sát, ưa chuyện lạ để thực sự đồng cảm, thấu hiểu cuộc sống và tâm hồn của người dân miền núi Tây Bắc. Ngòi bút phân tích xã hội đã kết hợp với ngòi bút miêu tả phong tục, đem lại cho bức tranh hiện thực một chiều sâu độc đáo: tính cách, số phận con người được nhìn nhận không chỉ từ góc độ giai cấp mà con từ góc độ văn hoá thẩm mĩ.

Leave a Reply