Nghị luận: "Từ truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, anh (chị) có suy nghĩ gì về nạn bạo hành gia đình trong xã hội hiện nay? Từ đó liên hệ để có một gia đình hạnh phúc, êm ấm
I. Mở Bài
Nhà văn Nguyễn Minh Châu thực sự đã trở thành một trong những người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học nước nhà sau năm 1975. Khuynh hướng sáng tác văn học của ông trong giai đoạn này thường hướng về cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm như thế.
II. Thân Bài
Bằng một tình cảm dạt dào với tấm lòng thiết tha hiểu đời, hiểu nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu không chỉ cho người đọc thấy được mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa sự lam lũ của cuộc sống và tình người bao la, mà còn lên tiếng tố cáo, đấu tranh cho một vấn nạn đầy bức xúc và nhức nhối trong xã hội: đó là bạo hành trong gia đình. Bạo hành trong gia đình không chỉ là một đề tài mà Nguyễn Minh Châu quan tâm và nhắc tới trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, mà còn là vấn nạn cả xã hội chúng ta đang đối mặt và cần phải giải quyết.
Chỉ có một nhà văn lớn mới khái quát được nhiều vấn đề như thế trong một tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu đã làm được điều đó. Với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã cho người đọc “thấy” được biết bao triết lí nhân văn cũng như đạo đức luân lí. Bạo lực gia đình trong “Chiếc thuyền ngoài xa” hiện lên một cách quá đỗi ngạc nhiên và ngỡ ngàng qua con mắt luôn chứa chan vẻ đẹp từ nghệ thuật của nhân vật Phùng.
Và hẳn là nhiều bạn đọc đã bức bối trong lòng biết bao khi phải chứng kiến cảnh bạo hành này. Đó là hình ảnh một người chồng, người cha vũ phu, đánh vợ mình với chiếc thắt lưng một cách tàn bạo, vừa đánh vừa nhục mạ người đàn bà khốn khổ đó. Cảnh tượng hiện lên hệt như những trận đòi roi thời Trung cổ mà người ta vẫn rùng mình khi nghĩ đến, chỉ khác ở chỗ có lẽ người đàn bà ấy không bị trói lại và cũng không chạy trốn mà thôi.
Bằng một cảnh tượng quá đỗi tàn ác ấy, Nguyễn Minh Châu không chỉ dẫn dắt người đọc đi tìm hiểu thân thế người đàn bà hàng chài, mà còn cho ta thấy được biết bao là sự đời, nhân tình thế thái mà con người ta cần phải hiểu. Phải chăng vì mang hình dáng xấu xí, thô kệch, thất học hay vì cuộc sống quá lam lũ, lầm than mà người chồng đã đã đánh người vợ mình như thế. Đánh, chửi ác nghiệt tới nỗi chị ta phải xin chồng cho lên bờ đánh, để các con không phải chứng kiến cảnh đó.
Thật tội nghiệp biết bao khi bức màn về cuộc đời và số phận người phụ nữ hàng chài được hé mở. Làm sao có thể sống mà mưu sinh trên vùng biển này khi không có một người đàn ông, dù cho hắn ta có đối xử như một con dã thú? Phải sống vì con cái, sống để chúng được nên người là niềm hạnh phúc của chị ta – tuy nhỏ nhoi nhưng thật cao thượng!
Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài khép lại ở đó, nhưng hẳn sẽ còn để lại trong lòng độc giả bao ngổn ngang, suy tư về cuộc sống. Mối quan hệ đa chiều giữa cuộc đời và nghệ thuật không nên ở cái nhìn phiến diện. Làm sao ta có thể phán xét người, xét đời một cách xác đáng khi ta chỉ nhìn nó có một bề!
Không, những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu luôn mang trong bản thân nó đầy sinh khí với những triết lí, đạo đức mà con người luôn phải trăn trở, luôn muốn hoàn thiện. Câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài và nạn bạo hành gia đình trong “Chiếc thuyền ngoài xa” chỉ là một cái nhìn rất bé nhỏ đối về vấn nạn này trong xã hội ngày nay.
Bạo hành gia đình không chỉ là một khái niệm để chỉ các hành vi bạo lực trong gia đình, mà nó còn là một vấn nạn mà một xã hội văn minh không thể chấp nhận tồn tại với nó. Hẳn là nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hiểu và cảm thông sâu sắc với người đàn bà hàng chài nhiều lắm khi viết nên thật xúc động những áng văn chan chứa sự hi sinh âm thầm cũng như tình cảm mẫu tử thiêng liêng ấy trong tác phẩm của minh. Nguyễn Minh Châu đã không chọn đối tượng bị bạo hành trực tiếp là người con, vì có lẽ ông hiểu rằng: người phụ nữ, người vợ trong gia đình mới là những nạn nhân chính của bạo lực gia đình.
Nói như vậy có lẽ nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, rằng chỉ có phụ nữ mới bị bạo hành thôi sao? Câu trả lời là không! Bởi lẽ không chỉ riêng phụ nữ, mà ngay tới cả nam giới cũng là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Từ xưa, không chỉ ở nước ta, mà còn ở nhiều nước khác, ở nhiều nền văn hóa khác, bạo hành gia đình đã không còn xa lạ. Có thể dễ dàng nhận ra bạo hành gia đình ở nhiều trường hợp, ví như việc dùng vũ lực với các thành viên trong gia đình, việc dùng lời nói để làm tổn thương tinh thần … và còn nhiều hình thái bạo hành khác.
Nhưng phổ biến hơn cả, và được nhiều người biết đến hơn cả là bạo hành thể xác, tức là có những hành động như đấm, đá, tát, đánh … tác động trực tiếp tới sức khỏe nạn nhân. Việc này thường xảy ra do sự chênh lệch về sức khỏe giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Như giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái, hay thậm chí giữa ông bà với các cháu.
Hình thức bạo hành phổ biến thứ hai mà ít người nhắc đến, nhưng thường hay để lại tổn thương về thể chất và cả sang chấn nghiêm trọng về tinh thần: đó là bạo hành tình dục, bao gồm cưỡng ép quan hệ tình dục, loạn luân giữa cha mẹ với con cái, ông bà với các cháu, hay giữa anh chị em trong gia đình với nhau.
Thứ ba là bạo hành tinh thần, tuy không gây đau đớn cho thể xác, nhưng thường gây tổn thương ghê gớm cho tinh thần và tình cảm của nạn nhân. Bạo hành tinh thần thường phổ biến bằng những hành vi như chửi bới, nhục mạ, hay thậm chí là im lặng không nói với nhau trong một thời gian dài. Hình thái cuối cùng của bạo hành gia đình là bạo hành xã hội: ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.
Như đã nói ở trên, người phụ nữ là nạn nhân chủ yếu của những vụ bạo hành trong gia đình, lí do thì có thể có nhiều lí giải khác nhau, nhưng tôi xin được đúc kết qua mấy nguyên nhân chính như sau. Có lẽ lí do đầu tiên cần nói đến chính là tư tưởng đã ăn sâu và trong suy nghĩ không chỉ của riêng những người đàn ông, mà còn cả trong tư tưởng của những người phụ nữ, đó là phụ nữ là những người yếu đuối, phải phụ thuộc vào đàn ông. Tư tưởng và suy nghĩ này bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng từ tư tưởng phong kiến lạc hậu, vẫn còn bám rễ trong suy nghĩ của những người phương Đông.
Từ xưa, người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã thấp cổ bé họng, lại luôn phải phụ thuộc vào người đàn ông, người chồng. Họ không được đi học, không được tham gia chính trị, không được giao lưu tự do ngoài xã hội, chỉ thu mình trong khuôn khổ hà khắc, với tư tưởng “xuất giá tòng phu”. Không thể phủ nhận rằng tư tưởng của Nho giáo nói riêng và phong kiến phương Đông nói chung có nhiều điểm tiến bộ, nhưng về quyền lợi của người phụ nữ thì quả là không công bằng so với nam giới trong gia đình, xã hội.
Ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh của người phụ nữ xưa trong xã hội cũ, với kiếp hồng nhan truân chuyên cơ cực. Như Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) là một ví dụ điển hình. Kiều đã mười lăm năm lưu lạc qua bao sóng gió, bị đồng tiền và xã hội đương thời chà đạp nhân phẩm, danh dự và tình yêu đôi lứa trong sáng. Hay như cuộc đời của chính nhiều nữ thi sĩ như Hồ Xuân Hương, … cũng chịu chung cảnh ngộ!
Hay như nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, chịu kiếp làm dâu “gạt nợ”, sống mà chỉ như cái bóng vật vờ, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Thử hỏi rằng những thân phận đó, họ có bao giờ được hưởng đủ đầy một hạnh phúc đời thường, có bao giờ được yêu thương trọn vẹn không! Đáng buồn thay, người phụ nữ xưa bị chà đạp về nhân phẩm, họ thường bị coi rẻ, bạo hành bởi người chồng, bị chà đạp nhân phẩm khi phải chịu kiếp chồng chung.