Giá trị nội dung và nghệ thuật của văn học dân gian qua những chi tiết tiêu biểu của truyện dân gian và qua những tâm sự kín đáo trong ca dao, dân ca

Có bao giờ bạn tin những ước mơ thời cổ tích, để rồi đêm đêm trằn trọc hóa chiêm bao? Có khi nào bạn xúc động đến trào nước mắt khi được đọc những tâm sự tế nhị kín đáo trong ca dao, dân ca? Riêng tôi, tôi đã có một vài lần như thế!

Nói đến nền văn học dân gian là nói đến truyện dân gian và ca dao, dân ca. Nó được xem như những viên ngọc sáng ngời trong kho tàng văn học dân gian. Tồn tại từ xưa đến nay và đời sau nữa truyện dân gian và ca dao, dân ca vẫn mãi mãi đi sâu vào lòng người, bởi vì nó chứa đựng những nội dung dân chủ và nhân đạo sâu sắc đồng thời nghệ thuật trong truyện dân gian và ca dao dân ca cũng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật khiến mọi người đều ưa thích.

Tôi kể ngày xưa truyện Mị Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...

(Tố Hữu)

ca dao, dân ca

Rõ ràng, trong truyện Mị Châu - Trọng Thủy, Mị Châu là người đáng chê trách. Nàng đã để lộ bí mật quốc gia, tiếp tay cho kẻ thù phản bội lại đất nước. Cái chết của Mị Châu là chi tiết cần phải có trong truyện để cô đền tội với đất nước, nhưng xét ở góc độ khác: Mị Châu phản bội Tổ Quốc, mù quáng trong tình yêu là do đâu? Do lòng chung thủy! Cho đến lúc nguy khốn mà vẫn rắc lông ngỗng cho chồng đi tìm mình! Cảm động vì nỗi đó, nhân dân ta đã cho nàng được hóa thành ngọc trai, và khi đem ngọc trai về rửa ở nước giếng cổ Loa thành, nơi Trọng Thủy đã tự vẫn, thì viên ngọc trai lại sáng ngời như tấm lòng trong trắng và ngây thơ của Mị Châu.

Truyện thể hiện tinh thần nhân đạo của nhân dân ta rất cao. Tinh thần nhân đạo ấy còn thể hiện ở những kết thúc có hậu. Mặc dù Trương Chi chết vì tương tư Mị Nương. Chàng chết trong đau khổ sầu não. Nhưng tác giả dân gian vì cảm thông với Trương Chi nên đã kể rằng sau ba năm, xác Trương Chi biến thành chén ngọc, khi Mị Nương rót nước vào thì có đôi mắt Trương Chi hiện lên. Có dị bản nói rằng còn nghe có cả tiếng sáo của Trương Chi. Lòng nhân đạo của nhân dân ta thật tuyệt vời biết bao. Nhân dân ta không nỡ để người tài năng và khao khát yêu thương lại chịu một số phận hẩm hiu tội nghiệp. Và cũng vì lòng nhân đạo sâu sắc mà ở truyện cổ tích Tấm Cám, nhân dân ta đã cho cô Tấm thảo hiền, xinh đẹp qua nhiều lần hóa thân, cuối cùng được làm hoàng hậu, được sống hạnh phúc bên vua sau nhiều phen khổ sở cay đắng, nhiều lần chết đi sống lại. Câu chuyện kết thúc có hậu: kẻ ở hiền gặp lành, còn kẻ ác như mẹ con Cám phải chết trong đau đớn, phải bị trừng phạt. Đó là “nguyên tắc sống”, là đạo lí. Thỉnh thoảng trong truyện dân gian còn xuất hiện những chi tiết thần kì và bất ngờ. Nhân vật “thần” xuất hiện để diệt kẻ ác và giúp người hiền. Tấm được Bụt giúp những món đồ trang sức để đi vui hội, được vua để ý và rồi trở thành hoàng hậu. Anh chàng mồ côi được Bụt giúp cho phép lạ có được cây tre trăm đốt để cưới vợ... Những chi tiết thần kì này làm cho truyện thêm sinh độngẠ hấp dẫn. Đặc biệt trong truyện dân gian nổi bật nhất là tính dân chủ: ơ truyện Tấm Cám, vua đã vào hàng quán của bà lão bán nước. Vua lại ngồi lê từ hàng quán nọ đến hàng quán kia? Vua mà lại bắt vợ giặt giũ quần áo, dệt vải để may quần áo?... Từ cổ chí kim chưa có ông vua nào như thế! Thế thì nhân dân ta sáng tác ra để làm gì? Phải chăng đó là thể hiện tính dân chủ, khao khát dân chủ mà nhân dân ta đã xây dựng một ông vua bình dân. Việc kết hôn giữa Quỳnh Nga công chúa và chàng Thạch Sanh cũng thể hiện tính dân chủ, bênh vực người nghèo khổ. Đó cũng là niềm mơ ước của nhân dân. Còn việc kết hôn giữa nàng Tiên Dung và Chử Đồng Tử, có phải đó là cuộc hôn nhân “ghê tởm”? Không! đó là cuộc hôn nhân rất đẹp, ít cô gái nào đã đẹp, giàu lại dám yêu một chàng “khố rách áo ôm”, nói gì đến việc lấy một người nghèo đến mức không có cả áo quần che thân? Thế mà Tiên Dung lại dám làm chuyện phi thường đó. Có lẽ nàng Tiên Dung này trong trí tưởng tượng của nhân dân là giấc mơ người lao động nghèo có thể được kết hôn với những người giàu, có địa vị và họ phải được bình đẳng trong xã hội, bởi vì họ đều là những con người.

Truyện dân gian thì như thế, còn trong ca dao, dân ca thì sao? Nhân dân ta đã “mượn” ca dao, dân ca để thổ lộ tâm sự thầm kín về tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Đề tài tình yêu đôi lứa chiếm số lượng lớn trong kho tàng ca dao, dân ca thể hiện trong dân gian rất bình dị và dí dỏm, như chuyện viện cớ “Áo anh sứt chỉ đường tà” chàng trai đã tỏ tình với cô gái thật khéo:

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến lúc lấy chồng, anh lại giúp cho

Giúp cho một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm

Giúp cho đôi chiếu em nằm

Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...

Ý đồ của người con trai đã quá rõ ràng trong sự tuân thủ chấp hành tục lệ cưới xin

Ý đồ của người con trai đã quá rõ ràng trong sự tuân thủ chấp hành tục lệ cưới xin. Vậy là người con trai tế nhị ngỏ lời cầu hôn trực tiếp với người con gái. Nhưng trong tình yêu có những chàng trai đã bộc bạch một cách thẳng thắn và táo bạo:

Trên trời có đảm mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gi anh cưới được nàng...

Đặc điểm nổi rõ nhất trong ca dao, dân ca của nhân dân ta là sự rất tế nhị, như trong cách bày tỏ tâm sự:

Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con...

“Ai” đó là ai? Và “cò con” là ai? Phải chăng “Ai” kia là vua quan phong kiến, là chế độ xã hội? Và “cò con” đó là đứa bé thơ dại? Câu hỏi tu từ của cò mẹ phải chăng là niềm ai oán của người mẹ trước cảnh đói rách của con mình mà nói ám chỉ?

Ca dao, dân ca cũng miêu tả cả cảnh đất nước:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ...

Từ cảnh buổi chiều thanh bình của đất nước vang vọng tiếng chuông chùa Trấn Vũ đến gà gáy sang canh báo hiệu đêm khuya sắp nhường bước cho ánh dương, sau đó tràn ngập không gian là ánh sáng lan tỏa phản chiếu làm cho mặt nước Hồ Tây sáng như gương. Đó là cái đẹp trực quan nhìn bằng mắt, đồng thời cũng là cái đẹp trữ tình của cảm nghĩ về non sông đất nước bằng nghệ thuật của ca dao, dân ca rất độc đáo với các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, thậm xưng...

Tóm lại, nền văn học dân gian nước ta phát triển cùng với lịch sử, đã đạt được những thành tựu cả về nội dung và nghệ thuật, mãi mãi sẽ là nguồn cảm hứng sáng tác của tác giả văn học dân gian. Chúng ta có nghĩa vụ làm giàu đẹp hơn thêm để không phụ lòng người đi trước, làm phong phú kho tàng văn học dân gian của nước nhà đã, đang và sẽ còn mãi đọng ở trong lòng nhân dân Việt Nam ta.

Leave a Reply