Nhà văn A - na - tô - li Phơ - răng có nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn con người”. Em hiểu gì về câu nói trên? Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua hai bài thơ Dục Thúy Sơn và Bảo kính cảnh giới 43

Tác phẩm văn học chính là con đẻ của nhà văn, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ. Bởi thế mà nhà văn A-na- tô-li Phơ-răng đã từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người”. Đó chính là trường hợp của Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, nhà quân sự tài ba, lỗi lạc, một nhà thơ trữ tình xuất sắc. Thơ văn của ông có sức hút mạnh mẽ với người đọc bao thế hệ không chỉ bởi nghệ thuật điêu luyện, nội dung sâu sắc mà còn bởi vẻ đẹp tâm hồn của chính tác giả. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua hai bài thơ Dục Tliúy sơnBảo kính cảnh giới 43.

Đúng như nhà văn A-na-tô-li Phơ-răng đã nói, đọc một câu thơ, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của thi sĩ gửi gắm trong câu thơ đó. Bởi thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm con người, những rung động, những cảm xúc, những suy nghĩ của con người trước đời sống, là cuộc sống bên trong của nhà thơ và là đối tượng biểu hiện của thơ. Vì vậy, Tố Hữu mới khẳng định: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn”. Thơ thể hiện những rung động và cảm xúc của con người, những yêu thương, đau khổ, suy nghĩ và mơ ước của con người. Những câu thơ hay sẽ vượt biên giới, vượt qua mọi khoảng cách về không gian, thời gian, mau chóng thoát khỏi số phận của một cá nhân để bắt gặp những vấn đề chung của con người. Đọc thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, chúng ta thấy xúc động chính là vì tình người, về ngọn lửa tâm hồn của các thi nhân ấy đã vượt qua năm tháng đến với chúng ta, chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta.

bài thơ Dục Thúy Sơn

Có thể nói mỗi câu thơ ra đời đều là kết quả của những trăn trở, suy tư, nung nấu ở người nghệ sĩ. Cho nên Lec-môn-tôp từng nói: “Có những đêm rất khổ không ngủ được, mắt rực cháy và lòng thổn thức, lòng tràn ngập nhớ nhung, khi đó tồi viết”. Có thể chỉ qua một câu thơ mà thấy được tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của nhà thơ. Đọc những áng thơ ca trữ tình dân gian, người đọc sẽ cảm nhận được tâm hồn của những người bình dân. Đó là những người giàu tình nặng nghĩa, luôn mang trong mình niềm lạc quan và những tình cảm thiêng liêng, cao quý khác. Đi theo dòng chảy của thời gian, đến với văn học trung đại, người đọc cũng sẽ bắt gặp những tâm hồn hết sức đặc biệt. Đó là Hồ Xuân Hương với tâm hồn nồng nhiệt dù là ở thơ trào phúng hay thơ trữ tình, thơ bà luôn thể hiện một sự ngang tàng và quyết liệt. Bên cạnh đó là Bà Huyện Thanh Quan với điệu hồn phổ quát của con người ở mọi thời đại. Đó là sự gắn bó với quê hương, với gia đình của nữ sĩ. Bước sang văn học hiện đại ta sẽ được chứng kiến sự thành công rực rỡ của phong trào Thơ mới 1932 - 1945. “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ mộng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Hoài Thanh). Bằng tiếng mẹ đẻ ngọt ngào, bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, các thi sĩ đã mang đến cho thơ ca dân tộc một tiếng nói mới kì lạ và hấp dân. Còn rất nhiều những nhà thơ với phong cách khác nhau nữa song chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm sáng tỏ câu nói của nhà văn A- na-tô-li Phơ-răng. Như vậy, câu nói trên không phải là đúc rút có tính chất chủ quan mà nó đã khái quát được một đặc trưng quan trọng trong tiếp nhận thơ ca trữ tình. Câu nói đó phần nào cho ta thấy đặc điểm của tác phẩm trữ tình, giúp ta có cái nhìn chính xác và tinh tế hơn khi tiếp nhận thơ ca.

Đã bao lần ta đọc những bài thơ của Nguyễn Trãi và cũng có chung cảm nhận như A-na-tô-li Phơ-răng. Bởi ông không chỉ là nhà quân sự tài ba có nhiệt tình yêu nước cháy bỏng mà còn là một nhà thơ trữ tình nhạy cảm, tinh tế. Nguyễn Trãi luôn mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Cho nên, ông rất nhạy cảm, tinh tế, nhìn ra cái đẹp ở chỗ như không có gì là đẹp cả. Từ đó làm nên những câu thơ hay, lạ, bất ngờ về cảnh vật quê hương. Với ông, những hình ảnh thiên nhiên dân dã như hoa xoan, mưa bụi, cây chuối... đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào trong thơ. Những hình ảnh ấy đi vào trong thơ ông hết sức tự nhiên, không gò bó, sống động. Đó là bức tranh mùa hè trong bài thơ Bảo kính cảnh giới 43:

Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tịn mùi hương.

Hình ảnh “hòe”, “lựu”, “sen” đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi, đặc trưng cho cảnh sắc mùa hè nơi thôn dã. Bằng bút pháp nghệ thuật tài ba, Nguyễn Trãi đã đưa vào thơ những hình ảnh quen thuộc nhưng hết sức sinh động qua hệ thống từ ngữ độc đáo.

Có thể nói, xanh lục là màu xanh dân dã, quê kiểng nhất trong các gam màu xanh. Có lần chúng ta đã gặp màu xanh ấy trong bài thơ Hạ cảnh:

Viên lâm vũ quá lục thành ác

Đây chính là màu đặc trưng của cỏ cây, mang trong mình sự khỏe khoắn và một sức sống mãnh liệt.

Bên cạnh đó, từ láy “đùn đùn” kết hợp với động từ “rợp” diễn tả một sức sống ứa căng, tràn đầy, gây ấn tượng mãnh liệt với người đọc. Cảm giác về cái gay gắt của nắng hè cũng không còn nữa. Cái rực rỡ của nắng chỉ làm cho màu xanh lục thêm tươi tắn mà thôi. Trong bức tranh thiên nhiên ấy bỗng nổi lên gam màu đỏ của lựu, tạo nên sự tương phản với màu xanh tươi tắn của hòe. Động từ “phun” hết sức đặc sắc và giàu sức gợi tả. Nó cho thấy sức sống tự thân tràn chảy đến dư thừa của thạch lựu. Câu thơ này gợi cho ta liên tưởng đến ý thơ của Nguyễn Du:

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

Cả hai thi sĩ đều rất tài hoa, nhạy cảm khi tả mùa hè. Nhưng Nguyễn Du thiên về tả hình còn Nguyễn Trãi lại thiên về tả sắc. Bằng từ ngữ rất độc đáo, ông đã làm cho cảnh hiện lên sống động chứ không hề tĩnh lặng, màu sắc tươi tắn chứ không đạm bạc. Đây là sự bứt phá của tác giả ra khỏi thi pháp trung đại, thể hiện tài năng người nghệ sĩ. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tuy đã “tin mùi hương” nhưng màu hồng của những cánh sen vẫn còn lác đác đó đây. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy. Phải thực sự đằm mình trong khung cảnh ấy thì nhà thơ mới có thể nhận thấy được hương sen, màu sắc của sự vật để làm nên một bức tranh mùa hè sinh động và giàu sức sống đến vậy.

Nguyễn Trãi luôn mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ

Ta còn bắt gặp ở Nguyễn Trãi một tâm hồn lãng mạn, rất phong tình:

Tháp ảnh trâm thanh ngọc

Ba quang kính thúy hoàn

Bóng ngọn tháp trên núi tựa như cái trâm bằng ngọc xanh. Ánh sáng lấp lánh trên sông nước tựa như gương soi mái tóc xanh biếc. Cảnh sắc hiện lên rất đẹp. Phép đối được sáng tạo qua vần thơ như hai bức tranh của trường phái ấn tượng. Trương Hán Siêu từng ca ngợi:

Giữa dòng long lanh bóng tháp

Song ngọn tháp trong thơ ông vẫn chỉ là ngọn tháp thật, chưa mang hồn người, còn ngọn tháp trong thơ Nguyễn Trãi đã mang được tâm hồn thi nhân. Nó chứa đựng những đắm say, rung động của nhà thơ. Ức Trai đã miêu tả núi Dục Thúy bằng những nét vẽ tài hoa, với tất cả tâm hồn người nghệ sĩ.

Ta còn bắt gặp chất phong tình, lãng mạn của Nguyễn Trãi trong rất nhiều bài thơ khác của ông:

Tỉnh thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu gượng mở xem

(Cây chuối)

Không chỉ có vậy, vẻ đẹp tâm hồn ức Trai còn thể hiện ở cách ứng xử của thi nhân với cái đẹp:

Hữu hoài Trương Thiếu

Bảo Bi khắc tiễn hoa ban

Ức Trai đứng trước bia tháp Linh Tế, đọc nét chữ đã mờ dưới làn rêu mà lòng bồi hồi, xúc động. Ông không gọi tên mà chỉ nhắc đến họ, đến danh vị của Trương Hán Siêu cho thấy sự cung kính, trọng vọng của tác giả với người xưa. Lời thơ hàm súc, nỗi cảm hoài sâu lắng, mênh mông.

Hình ảnh bia đá phủ đầy rêu gợi tả cảm xúc hoài cổ đậm đà tình nghĩa. Hai chữ “hữu hoài” đã bộc lộ rõ nét cái tâm trong trẻo của ức Trai. Có thể nói hai câu thơ. trên đã phản ánh một tài năng lớn, một nhân cách cao đẹp của Đại Việt thế kỉ XV.

Bên cạnh tâm hồn nghệ sĩ, đọc thơ Nguyễn Trãi người ta còn thấy ở đó một tâm hồn trong sáng, thanh cao của một người suốt đời vì nước, vì dân. Mặc dù về ở ẩn, sống giữa thiên nhiên nhưng ức Trai vẫn không sao quên được trách nhiệm với dân, với nước. Ông đã thốt lên những lời thơ đầy ý nghĩa:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Dân giàu đủ, ấm no là mong ước bấy lâu nay Nguyễn Trãi luôn canh cánh trong lòng, ơ đây, ông đã mượn điển tích “Ngu cầm” - cây đàn của vua Thuấn. Vua Thuấn có một khúc đàn “Nam phong” gảy lên để ca ngợi nhân dân giàu đủ, sản xuất ra nhiều thóc lúa, ngô khoai. Tấm lòng ức trai ở đây có sự gặp gỡ với tấm lòng của vị minh quân Lê Thánh Tông sau này:

Nhà Nam, nhà Bắc đều no mặc

Lừng lẫy cùng ta khúc thái hình

Như vậy, qua hai bài thơ Dục Thúy SơnBảo kính cảnh giới, 43 ta đã phần nào thấy được vẻ đẹp của một hồn thơ phong phú, đa dạng, vừa hết sức thanh cao, vừa gần gũi và đậm chất tài hoa nghệ sĩ. Đó là sự thống nhất giữa cuộc đời nhà thơ với cái tôi trữ tình trong sáng tác. Đây là hiện tượng không chỉ gặp ở Nguyễn Trãi mà còn gặp ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,... Như vậy, qua thơ, người đọc sẽ hiểu thêm về con người và cuộc đời thi nhân. Có được điều đó là do cuộc đời thi sĩ đã gắn bó với nhân dân, với cuộc sống con người, với cảnh vật nơi thôn dã. Dù là người bình thường hay là thi sĩ thì cũng phải có tâm hồn, có những rung động, khát khao. Cuộc sống sẽ đem lại tâm hồn cho chúng ta, bồi đắp tâm hồn chứ tâm hồn không có sẵn khi chúng ta có mặt ở trên đời.

Mãi đến những thế kỉ sau người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Trãi như một biểu tượng về sự tài ba lỗi lạc và nhân cách cao đẹp. Chính tâm hồn Ức Trai đã tăm lên những câu thơ của ông thứ ánh sáng kì lạ và đầy sức quyến rũ với muôn đời.

Leave a Reply