Hãy viết một bài văn nghị luận về bệnh vô cảm thờ ơ trong xã hội hiện nay

BÀI LÀM 1

Xã hội ngày một phát triển vô tình khiến con người bị cuốn vào trong vòng xoáy của công việc, của những cuộc vui bất tận… Và rồi chẳng ai còn để ý tới ai, chẳng ai còn quan tâm tới những thứ đang diễn ra xung quanh mình. Tất cả những gì mà người ta nghĩ chỉ còn là bản thân họ. Đó là một trong những “triệu chứng” của bệnh vô cảm – căm bệnh đang gây nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu “bệnh vô cảm” là gì? Vô cảm là một trạng thái không cảm xúc, không lay động trước bất cứ sự vật, hiện tượng gì xung quanh mình. Bệnh vô cảm ở đây có thể hiểu là những con người sống ích kỷ, hẹp hòi, thờ ơ, vô cảm trước những số phận, những sự việc bên ngoài. Họ chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân mình mà bỏ ngoài mọi mối quan hệ khác.

Hãy viết một bài văn nghị luận về bệnh vô cảm thờ ơ trong xã hội hiện nay

Một thực trạng đáng buồn là hiện nay bệnh vô cảm trong xã hội đang có chiều hướng ra tăng. Bệnh vô cảm xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp nhất là ở một bộ phận giới trẻ. Là thế hệ cấp tiến của xã hội, những chủ nhân tương lai của đất nước nhưng một bộ phận giới trẻ lại không nhận thức được vai trò của mình. Họ sa đà vào những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng, họ chỉ biết đòi hỏi những thứ tốt nhất thuộc về mình để thỏa mãn những nhu cầu vị kỉ. Họ đắp lên mình những thứ hào nhoáng, thả mình vào những cơn mộng mị của cồn, của chất kích thích mà quên đi trách nhiệm của bản thân với gia đình, với xã hội và những người xung quanh. Trước những số phận, những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ họ hoàn toàn dửng dưng. Hay ngay trong cuộc sống, khi bắt gặp những trường hợp cần giúp đỡ, những vụ tai nạn, thay vì giúp đỡ, rất nhiều bạn trẻ lại chỉ biết chụp ảnh, ghi hình, livetream (ứng dụng phát trực tiếp trên facebook) để “câu like”, sống ảo. Thậm chí, có những người mù quáng, mất kiểm soát tới mức đã sát hại cả bố mẹ mình vì không đáp ứng được những nhu cầu của họ

Có thể thấy, bệnh vô cảm có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đời sống xã hội. Nó khiến cho các mối quan hệ trở nên lạnh lẽo, khố cứng và mất liên kết với nhau. Con người đối xử với nhau thiếu tình người, hay đúng hơn là tự biến mình thành những cái máy di động, chỉ biết hoạt động theo bản năng của bản thân. Những tiêu chuẩn của con người về lối sống, cách sống và đạo đức cũng sẽ bị đảo lộn và ngày càng trở nên lệch lạc. Không chỉ ảnh hưởng tới xã hội mà nó còn tác động tiêu cực đến chính những “người bệnh”. Nó sẽ khiến cho con người phát triển lệch lạc, tách biệt khỏi cộng đồng xã hội, trở thành những kẻ lạc loài…

Vậy những nguyên nhân nào đã dẫn đến căn bệnh tai quái này? Một trong những nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là sự phát triển đến chóng mặt của xã hội. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã biến cuộc sống của con người ngày càng trở nên thực dụng, khiến con người lao vào những guồng quay không lối thoát của công việc, của hưởng thụ. Bên cạnh đó là hàng loạt những hình thức vui chơi giải trí, những thú vui khiến con người chìm đắm mà quên mất đi chính bản thân mình. Cha mẹ chưa có những quan tâm và cách dạy dỗ đúng mực. Họ quá nuông chiều con cái để chúng sinh ra những thói hư tật xấu, sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Hay từ chính những bản trẻ, họ không nhận thức đúng đắn về cách sống của mình, không vững vàng để các yếu tố xấu tác động, hình thành nên những thói quen ích kỷ, vô cảm…

Trước những hậu quả và nguyên nhân đáng lo ngại như vậy, chúng ta cần phải đưa ra những giải pháp để khác phục và đẩy lùi căn bệnh này khỏi xã hội. Cách khắc phục đầu tiên và cũng là phương pháp quan trọng nhất chính là mỗi người cần tự nhận thức, tự điều chỉnh lại cách nhìn nhận về cuộc sống của mình. Mở lòng ra nhiều hơn, cho đi yêu thương nhiều hơn. Không ngừng cố gắng để rèn luyện bản thân, làm việc và phấn đấu vì sự phát triển chung của toàn xã hội. Gia đình và nhà trường cũng cần có những phương pháp giáo dực con cái một cách đúng đắn hơn, không nên quá nuông chiều mà hãy để con cái nhìn thấy được sự yêu thương và những điều tích cực trong xã hội. Có như vậy, chúng mới thấy được giá trị đích thực của cuộc sống.

Có thể nói, bệnh vô cảm là một “căn bệnh vô cùng quái ác”. Thế nhưng, nếu mỗi người biết chung tay, biết sẽ chia, giúp đỡ lẫn nhau thì chắc chắn rằng căn bệnh ấy sẽ bị đẩy lùi.

BÀI LÀM 2

Một bàn chân có thể giẫm nát cả một vườn hoa, một ánh mắt có thiêu đốt một trái tim, một lời nói có thể giết chết một con người và căn bệnh có thể giết chết một xã hội. Đó chính là bệnh vô cảm- một căn bệnh đã và đang len lỏi, hiện hữu ở khắp mọi nơi với độ lây lan nhanh chóng. Đặc biệt trong nhịp sống xô bờ, ồn ào của xã hội ngày nay thì chúng ta cần quan tâm hơn và lên tiếng cảnh báo về sựu nguy hiểm của căn bệnh này.

Bệnh vô cảm- một căn bệnh đã và đang len lỏi, hiện hữu ở khắp mọi nơi

Chắc hẳn rằng trong chúng ta chẳng ai thấy xa lạ, ngỡ ngàng trước những câu chuyện về sự vô cảm. Vô cảm là gì? Đó là một trạng thái tinh thần mà khi đó con người không có một tình cảm mang tính nhân bản nào đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh, là sự trơ lì cảm xúc dửng dưng, thờ ơ với những hiện tượng đời sống chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, thấy đẹp không khen thấy xấu không phê phán, vô cảm lâu dần khiến con người trở nên ích kỉ và xa cách nhau. Thế nhưng một sự thật đáng buồn là căn bệnh vô cảm này đang trở nên phổ biến và ngày càng phát triển nhanh chóng, đặc biệt là với giới trẻ.

Trên các bài báo, các trang mạng xã hội ta đều dễ dàng thấy những biểu hiện của bệnh vô cảm diễn ra trên khắp mọi lĩnh vực. Chẳng hạn như các clip đánh nhau của học sinh, thấy bạn bị đánh nhưng chẳng ai can ngăn hay báo cáo với thầy cô, ngược lại các bạn học sinh khác còn xúm vào bàn tán, quay lại để tung lên mạng xã hội. Tiêu biểu như vụ hai cô gái đánh nhau ở Phú Quốc được đăng trên trang “người lao động”. Trong clip, còn có nhóm thanh niên học sinh đứng hô hào cổ vũ nhiệt tình cho hai người đánh nhau, nắm tóc lôi nhau. Ngoài ra còn có nhiều vụ đáng nói hơn nữa, như câu chuyện của bé Duyệt Duyệt ở Trung quốc. Chuyện xảy ra đã vài năm nhưng chắc hẳn rằng ai đã xem tai nạn thảm khốc ấy cũng đau xót cho đứa trẻ hơn hai tuổi bị xe ô tô đâm phải, người tài xế đã vội vàng bỏ chạy để mình em nằm trên đường. Theo camera ghi lại được có tổng cộng 18 người đi qua nhưng không ai dừng lại cứu em, đáng nói hơn nữa là trong lúc nằm bất tỉnh em lại bị một chiếc xe chở hàng cán ngang qua người một lần nữa. Đó quả thực là một cảnh tưởng kinh khủng mà chính sự vô cảm đã gây ra. Thế nhưng trường hợp của bé Duyệt Duyệt chỉ là một trong số vô vàn người bị nạn nhưng không ai cứu giúp. Những người đi qua ngó lơ như không nghe thấy hoặc đứng lại chụp ảnh tập trung lại chỉ vì “hôi của” như vụ bia ở Đồng Nai.

Khi thấy xe bia đổ xuống người ta chỉ biết mang bia về nhà mà chẳng ai giúp đỡ anh tài xế. Đó là thực trạng của bệnh vô cảm trong xã hội ngày nay.

Trong gia đình cũng vậy, dù là máu mủ ruột thịt mà bệnh vô cảm cũng không tha. Theo thông tin new.zing, chỉ vì 1.000 đồng tiền chung độ mà cãi nhau dẫn đến việc em trai dùng cây chĩa nhọn đâm chết anh ruột. Hay nhiều vụ khác như anh, em trai bốc mộ mẹ vì tài sản.

Con cái bất hiếu mắng chửi cha mẹ, nói xấu cha mẹ trên mạng xã hội…còn rất nhiều câu chuyện khác nữa. Ngay cả tình cảm thiêng liêng nhất của con người cũng bị vô cảm làm cho mai mục. Vậy nguyên nhân do đâu đã gây ra nên một thực trạng đáng báo động như vậy? Có thể nói nguyên nhân cốt lõi nhất là do chính con người. Chính bản thân họ thiếu tình yêu, thiếu lòng quảng đại, sống bằng lí trí sắt đá mà tình cảm dần khô cằn.

Do lối sống vội vã của mỗi người, hằng ngày đều ăn vội, ngủ vội, làm vội chỉ chạy đua với thời gian, chạy đua với đồng tiền vì danh vọng mà mất đi những phút lắng đọng để suy ngẫm và cảm nhận. Mù quáng trước lợi ích cá nhân mà không bận tâm đến những thứ khác. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan còn có những yếu tố khách quan làm con người trở nên vô cảm. Một phàn là do tác động tiêu cực từ xã hội, bởi có quá nhiều vụ lừa đảo, lợi dụng lòng tốt mà cướp đoạt tài sản hay thôi miên bỏ thuốc mê bắt cóc, từ đó mà mọi người cảnh giác đề phòng cao, sợ bị lừa mà ngại quan tâm giúp đỡ nhau.

Một phần nữa là khi người ta bị cái xấu hãm hại, không có nhiều điều tốt đẹp đến với bản thân từ đó hận đời, hận cuộc sống. Ngoài ra trong gia đình, có thể do cách dạy dỗ của bố mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, sống trong sự cưng chiều làm con cháu hư hỏng, vì bao bọc kín nên ít tiếp xúc, ít được trải nghiệm vì thế cũng ít đi sự thấu hiểu và cảm thông.

Bệnh vô cảm dần tàn phá cái giá trị đạo đức, các truyền thống tốt đẹp

Cuối cùng là nguyên nhân do sự phát triển xã hội, công nghệ hóa hiện đại hóa ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, thay đổi cách thức làm việc và giao tiếp, dường như chỉ cần điện thoại và internet thì tất cả đều bị chi phối, con người trở nên xa cách nhau. Lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả, đề cao cái tôi lên trên hết sống ích kỉ, vụ lợi, lãng quên trách nhiệm cộng đồng. Chính vì những nguyên nhân trên đã gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng cho xã hội.

Bệnh vô cảm dần tàn phá cái giá trị đạo đức, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, biến con người thành vô lương tâm, vô trách nhiệm, vô văn hóa, làm cho ta dễ dàng quên đi thế nào là “ thương người như thể thương thân” hay “ lá lành đùm lá rách”.

Vô cảm còn để lại tai họa cho xã hội . Một bác sĩ vô cảm với bệnh nhân gây ra cái chết oan uổng, cô giáo vô cảm với học sinh thì sẽ giáo dục nên một thế hệ cũng vô cảm, một cán bộ nhà nước vô cảm với nhân dân thì đời sống nhân dân làm sao mà ấm no hạnh phúc, đất nước làm sao mà phát triển được nữa.

Vì vô cảm mà có biết bao nhiêu loại trái cây tẩm các hóa chất, thịt heo hỏng lại trở thành thịt bò tươi, các loại thực phẩm đều có thể làm giả để bán ra thị trường thậm chí đến cả thuốc chữa bệnh cũng làm giả. Những con người ấy họ chỉ nghĩ đến tiền, đến lợi ích bản thân. Chính bệnh vô cảm đang dần dần nhấn chìm xã hội của chúng ta vào tăm tối, việc cấp thiết bây giờ là phải nhanh chóng tìm cách giải quyết nhanh căn bệnh này.

Điều đầu tiên mỗi gia đình nên giáo dục con cái tốt hơn, rèn luyện những phẩm chất quý giá theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh. Mỗi con người cần sống đúng chuẩn mực, biết đồng cảm quan tâm lẫn nhau, biết học hỏi tính cách tốt và lắng nghe người khác để bản thân tốt hơn. Sống là phải biết yêu thương và chia sẻ.

Đặc biệt với giới trẻ, bản thân em cũng là một học sinh em nhận thấy rằng thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, sẽ thay đổi thế giới để ngày một hoàn thiện và phát triển hơn nên hãy phấn đấu học tập tốt, trang bị cho mình những kiến thức tu dưỡng đạo đức loại bỏ lối sống vô cảm, vị kir và mở lòng đón lấy những vang động của cuộc đời để ta trưởng thành, khôn lớn hơn. Không đi theo lối sống hối hả, vội vàng mà phải dành cho mình những phút tĩnh lặng suy ngẫm về cuộc đời để thấy lòng bình an và trái tim ấm áp tràn ngập hạnh phúc yêu thương.

Một bàn tay có thể trồng nên một vườn hoa, một ánh mắt có thể sưởi ấm một trái tim, một lời nói cũng có thể thay đổi một con gười và một lối sống tốt lành mạnh có thể cứu sống xã hội. Hãy thay đổi bản thân để thay đổi xã hội, loại bỏ căn bệnh vô cảm, nâng cao ý thức, tinh thần để thấy tình người ấm áp hơn, để khi mỗi sáng thức dậy thấy cuộc đời ta mỗi bình minh để sống chứ không phải để tồn tại.

Leave a Reply