Em hãy tả cảnh đẹp quê hương (Mảnh đất Bình Thuận)
Mảnh đất Bình Thuận quê tôi tuy còn nghèo nhưng bù lại có rất nhiều cảnh đẹp. Nét hoang sơ và thơ mộng trải dài suốt hơn 190 km bờ biển, lạ lùng hình thù với đồi cát trắng xóa, lãng mạn len lỏi men theo những con suối cạn dòng… Cảnh đẹp ấy là tài nguyên thiên nhiên vô giá mà không phải nơi nào cũng có được, để rồi mê hoặc biết bao người từng ghé thăm hoặc nghỉ dưỡng nơi đây dù chỉ một lần.
Mặc dù cảm nhận phong cảnh quê hương qua từng ngày, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng với vẻ đẹp đến lạ lùng tại những nơi mình từng in dấu chân qua một tác phẩm điện ảnh. Đó là cảnh quay trong chương thứ ba của bộ phim Ngọc Viễn Đông do Cường Ngô làm đạo diễn, mới công chiếu tại Việt Nam trong tháng 3 năm nay. Chương này có tên là Trăng huyết kể về hai anh em sống tách biệt với thế giới bên ngoài, được ê- kíp làm phim thực hiện tại một số địa điểm của Bình Thuận. Đây là chương phim gần như không có thoại, nên những cảnh quay ở Mũi Né, Hòa Thắng, Mũi Kê Gà… thực sự lung linh giữa hai nhân vật chính do Ngô Thanh Vân và Kris Duangphung thủ vai.
Ngay sau Ngọc Viễn Đông ra mắt công chúng trong nước, bộ phim đã tạo tiếng vang lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao vì có những cảnh quay thiên nhiên đẹp bất ngờ. Có lẽ đa số người dân quê tôi chưa được dịp đến rạp xem, song chỉ qua mật độ thông tin dồn dập trên cộng đồng mạng, cảnh đẹp trong Trăng huyết đã được tôn vinh. Hầu như tất cả mỹ từ đã được dùng để miêu tả về bãi biển dài miên man, đồi cát mênh mông, con suối hoang dã, bàu sen lạ lẫm… Như đã giới thiệu, cảnh quay thực hiện tại Bình Thuận nhưng có nhiều người vẫn chưa chịu tin tại Việt Nam hiện cũng có một “chốn bồng lai nơi hạ giới”. Bởi với góc nhìn của một đạo diễn Việt kiều, cảnh đẹp quê hương tôi trong Trăng huyết như được khoác chiếc áo mới, huyền ảo, choáng ngợp và có sức hút đến lạ kỳ…
Vừa qua tại Liên hoan phim CAIFF (California Independent Film Festival), Ngọc Viễn Đông vinh dự đoạt giải ở hai hạng mục quan trọng: Phim có cảnh quay đẹp nhất và Nhạc phim hay nhất. Có thể nói, thành công của bộ phim đã tạo sự chú ý cho các nhà sản xuất phim hàng đầu thế giới về một “phim trường thiên nhiên” ở Bình Thuận. Rồi đây chắc chắn sẽ còn những đoàn làm phim chọn cảnh đẹp quê hương tôi làm bối cảnh vì khá phù hợp cho hầu hết các đề tài để tạo nên tác phẩm đặc sắc. Chưa dừng lại ở đó, thông qua Ngọc Viễn Đông thì ngành du lịch Bình Thuận bỗng dưng cũng được hưởng lợi từ sự quảng bá “vô tình” bằng những thước phim đẹp như mơ. Và cũng có thể trong thời gian tới, không phải nhiều người mà rất nhiều người mê cảnh quay của Trăng huyết sẽ háo hức tìm đến nơi đây.
Là người con của Bình Thuận chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày, nhưng tôi vẫn cảm xúc dạt dào trước những cảnh đẹp rất đỗi bình dị và thân quen. Cảm ơn Ngọc Viễn Đông, cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc- tác giả từng viết Trăng huyết trong giai đoạn bà sinh sống tại Phan Thiết- đã làm nên tác phẩm tuyệt vời. Nhờ đó mà cảnh đẹp quê tôi một lần nữa được “ra mắt” khắp thế giới, được mọi người đón nhận và hết lời ngợi khen về chốn yên bình, thân thiện, gần gũi thiên nhiên… Nếu là người con của quê hương Bình Thuận, hãy tự hào về điều này. Và nếu yêu quê mình, hãy tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan của chúng ta bằng những hành động thiết thực nhất.