Nghị luận: Trong 1 bộ phim Việt Nam mới công chiếu gần đây, 1 nhân vật đã nhắc nhở người cháu của mình "Ta có thể nhặt được 1 gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt". Anh chị suy nghĩ như thế nào về lời nhắc nhở trên

1. Giải thích ý kiến

- "gói tiền": vật biểu trưng cho những giá trị vật chất cụ thể, có thể cầm nắm (nhặt), đo đếm (gói). Tiền có thể bị rơi mất cũng có thể kiếm được nhiều khi dễ dàng, nhanh chóng nhờ vận may (nhặt được).

- "gói văn hóa": một cách nói hình ảnh cho những giá trị tinh thần (khái niệm văn hóa có nhiều cách hiểu, song chung nhất, có thể hiểu là lối sống, cách ứng xử của con người với những người xung quanh, với thế giới quanh mình), không thể cầm nắm, đo đếm. Những giá trị văn hóa thường bền vững, không dễ dàng để tích lũy được và do đó, cũng không dễ mất đi (có người từng nói đại ý "Văn hóa là cái còn lại sau khi tất cả đã mất đi").

=> Qua cách nói đối lập (có thể - không thể), tác giả ý kiến đã nêu lên sự khác biệt của những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần (được kết tinh trong văn hóa), qua đó nhấn mạnh để có được vốn văn hóa quý giá, con người phải khổ công rèn luyện, tu dưỡng, không thể trông chờ vào sự may mắn hay hi vọng dùng tiền mà mua được.

Gói văn hóa

2. Chứng minh - Bình luận

- Văn hóa là những giá trị tinh thần vô cùng quý giá, quan trọng, khẳng định vị trí, nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội. Trình độ văn hóa là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển toàn diện của mỗi con người. Văn hóa còn là yếu tố đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, là niềm tự hào của dân tộc.

- Văn hóa là những giá trị tinh thần song lại được biểu hiện cụ thể trong đời sống qua những hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, thói quen, cách ăn mặc, giao tiếp, ứng xử ... của mỗi cá nhân với thế giới xung quanh (thế giới xã hội và thế giới tự nhiên).

- Văn hóa chỉ có thể được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyên, tu dưỡng lâu dài, bền bỉ, thậm chí gian khổ nữa. Nó là quá trình mỗi cá nhân không ngừng tiếp thu những giá trị tốt đẹp để làm giàu thêm, để hoàn thiện cho nhân cách mình. Tiền có thể mua được những sản phẩm văn hóa nhưng không thể dùng tiền để có được văn hóa. (phần này em cần tìm những dẫn chứng cụ thể để chứng minh)

3. Bài học nhận thức và hành động

- Phê phán những tư tưởng đề cao giá trị vật chất mà không coi trọng giá trị tinh thần, văn hóa, phê phán thói lười nhác, những hành vi thiếu văn hóa của mỗi cá nhân.

- Nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng xã hội văn minh.

Trên kia mới chỉ là một vài ý lớn khả dĩ làm đường hướng gợi mở để em tiếp tục tìm tòi, phát triển. Hi vọng có ích cho em.

Leave a Reply