Nghị luận văn học - Những con cò trong ca dao

Từ xa xưa trong văn học dân gian, người nghệ sĩ dân gian đã mượn những đối tượng trong thiên nhiên, trong thế giới loài vật để miêu tả không ngoài mục đích tự biểu hiện, hay nói cách khác, họ muốn khắc họa chính bản thân mình.

Những con vật hoang dã như voi, hổ, khỉ, rắn, những con vật nuôi như mèo, chó, lợn, gà., và cả những sinh vật bé nhỏ như con ong, cái kiến., tất cả đều có thể trở thành những nhân vật, những hình tượng thẩm mĩ, những đối tượng của nghệ thuật.

Hình tượng con cò ở đây không ai khác, chính là người nông dân lao động

Mỗi con vật khoác một diện mạo nhưng điều quan trọng là nhân dân ta đã thổi hồn vào chúng, tạo cho chúng có những tính cách, những tâm trạng riêng. Con vật này là hiện thân của cái thiện, con vật kia của cái ác; có con hiện thân của lòng nhân hậu hoặc tính khôn ngoan nhưng con kia ngược lại, hiện thân của tính xảo quyệt, gian manh... Không chỉ thế, nhân dân lao động còn gửi gắm vào hình tượng nhân vật của mình những nỗi niềm vui buồn, sướng khổ của cuộc đời, những khắc khoải, những khát vọng của tâm linh và không ít hình tượng phát ngôn cho những quan niệm về đạo đức, về triết lí nhân sinh...

Trong số những con vật làm hình mẫu cho sáng tạo của người nghệ sĩ dân gian và được kí thác tâm tư của nhân dân trong ca dao của chúng ta có con cò. Đó là một loài chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn thường thấy trên đồng ruộng. “Lò dò như cò bắt tép" là nó đấy. Có khi cò bay hàng đàn và đỗ xuống trắng cả mặt ruộng. Trong họ nhà cò cũng có những loài có màu xanh xám, màu đen hoặc màu hung... Và thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những chú cò đi thơ thẩn một mình hoặc đứng trên bờ bất động dường như vô cảm, mắt nhìn đâu đâu tựa như một nhà hiền triết đang tư lự, bận tâm suy nghĩ về một điều gì...

Chính những con vật rất quen thuộc ấy của người nông dân lao động đã đi vào ca dao, dân ca...

Con cò đã bay vào câu hát giao duyên, đã bay vào giấc ngủ của tuổi thơ trong tiếng ru ngọt ngào của mẹ, trong tiếng võng kẻo kẹt đêm hè:

Con cò bay lả bay la...

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng...

Con cò là sự hiện diện của tấm lòng ngay thẳng, sạch trong mà bị ngờ oan trong một khúc hát đồng dao:

Cái cò, cái vạc, cái nông,

Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?

- Không, không tôi đứng trên bờ,

Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi.

Không tin ông đến mà coi

Mẹ con nhà nó còn ngồi đấy kia!

Cũng có thể hiểu một cách khác: Bài đồng dao trên muốn dừng lại câu chuyện một cái cò láu lỉnh bị bác nông dân chộp quả tang đang mò tép giẫm nát lúa trong ruộng của bác. Nó chối phắt và phân bua rằng mình hoàn toàn vô tội, rằng có cái vạc, cái nông đang ngồi trên bờ làm chứng cho nó... Lại có con cò là phiên bản của một anh chàng có tính vũ phu, thường hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ mình và đã bị phản ứng một cách gay gắt:

Con cò là... con cò quăm,

Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?

Có đánh thì đánh sớm mai,

Chớ đánh buổi tối, không ai cho... nằm (!)

một bài ca dao khác hình ảnh con cò được tạo trong một khung cảnh đầy ấn tượng. Hóa thân vào con cò lúc này là một người vợ quê lam lũ, tần tảo đang gánh gạo dọc bờ sông vắng để tiễn đưa chồng, nước mắt đầm đìa, lai láng:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Em về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng...

Bài ca dao không nói rõ mục đích chuyến đi của người chồng. Có thể anh phải chia tay với vợ để tha phương cầu thực trên mạn ngược Cao Bằng? Nhưng cũng có thể - điều này có lẽ đúng hơn - anh phải đi lính thú lên vùng quan ải giữa thời loạn. Đường đi muôn dặm quan san, những câu dặn dò lưu luyến, những giọt nước mắt ngắn dài; ôi, cuộc li biệt của họ bên sông nước sao mà buồn vậy! Sau này, hình ảnh con cò lặn lội đã được nhà thơ Tú Xương đưa vào thơ của ông để bày tỏ sự đồng cảm, tình thương yêu của mình đối với bà Tú, người vợ đảm đang chịu thương, chịu khó đã một thân một mình chạy chợ nuôi sáu, bảy miệng ăn trong gia đình:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Trong số những bài ca dao mang hình ảnh con cò, có lẽ bài “Con cò mà đi ăn đêm” là bài ẩn chứa chất nhân văn sâu sắc và cao đẹp hơn cả.

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...

Ta biết đấy, cò vốn đi kiếm ăn giữa ban ngày ban mặt. Chiều lại, nó tìm về nơi trú ngụ quen thuộc của mình để ngủ. Nhưng con cò này lại phải đi ãn đêm. Phải chăng vì suốt một ngày vất vả vẫn chưa đủ để nuôi thân nên nó phải lần đi kiếm ăn cả ban đêm? Và rồi trời tối không nhìn rõ mọi vật quanh mình lại không thuộc thung thổ nên cò đã gặp nạn. Tình huống xảy ra quá đột ngột nhưng cũng đủ để cò con kêu cứu khi đang ngoi ngóp trên mặt ao:

“Ông ơi! Ông vớt tôi nao!”

Những con cò trong ca dao

Tiếng kêu thật thảm thiết giữa trời đêm. “Ông” ở đây là một nhân vật không được xác định nhưng chúng ta cũng có thể đoán chắc là một bác nông dân vừa kịp qua đó. Thế là chú cò tội nghiệp không chỉ cầu mong được cứu vớt mà còn phân trần:

“Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng!”

Chú nài nỉ và khẩn thiết mong được phán xử công minh: Xin ông tha chết cho tôi, hoặc nếu tôi đúng là kẻ xấu kẻ có tội thì lúc bấy giờ ông hãy giết thịt, “hãy xáo măng”. Chú còn nói lên một nguyên vọng cuối cùng:

“Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con!”

Đau đớn, xót xa nhưng cũng cao đẹp biết bao lời cầu xin ấy!

Tác giả bài ca dao đã nhân cách hóa con vật bé nhỏ. Chỉ vẻn vẹn trong sáu câu lục bát, người nghệ sĩ dân gian đã tạo dựng được một tình huống đầy ấn tượng để trên cơ sở đó tái hiện những tâm trạng, suy nghĩ, tính cách và cả những khát vọng của con người.

Hình tượng con cò ở đây không ai khác, chính là người nông dân lao động. Một người nông dân đôn hậu, thuần phác phải một nắng hai sương, bươn chải để kiếm sống. Trong cuộc mưu sinh muôn phần cực nhọc ấy, người lao động khó tránh khỏi những nỗi bất hạnh, những rủi ro, phiền muộn, những tai họa bất ngờ... Nhưng dù ở trong hoàn cảnh đen tối nào họ vân khẳng định mình, đứng thẳng trên hai chân của mình, vẫn hướng thiện. Cả đến lúc phải đối mặt với cái chết, họ vẫn đòi cho mình một cái chết “trong", một cái chết đẹp!

Qua bài ca dao dung dị này, chúng ta cảm nhận được một thái độ sống, một triết lí sống của người lao động. Nhân dân ta luôn biết thế nào là “trong”“đục” cũng như biết thế nào “nhục”,“vinh”. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Sống đục sao bằng thác trong”“Con hổ chết để da, người ta chết để tiếng”. Sinh ra ở trên đời này không ai muốn sống một cách xấu xa, bỉ ổi để rồi chuốc lấy một cái chết đáng hổ thẹn. Cuộc sống ấy, nhân sinh quan ấy chính là biểu hiện của đạo lí - đạo lí làm người và đạo lí công dân - vô cùng đẹp đẽ. Đó cũng là nền tảng của cộng đồng xã hội, của đất nước yên bình, văn hiến, văn minh!

Leave a Reply