Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)

A. MỞ BÀI

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhièu.

Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành cho miền Nam tình cảm ưu ái, nhớ thương sâu sắc; đồng bào miền Nam yêu kính Bác vô vàn và ước mong một ngày đất nước hòa bình để được ra thăm Bác cho vơi nỗi thương nhớ. Nhưng ngày đất nước hòa bình, thống nhất thì Bác đã ra đi vĩnh viễn. Từ miền Nam, Viễn Phương đã “hành hương” ra Hà Nội để viếng nơi yên nghỉ của Người. Với tâm tình của người con thảo, nhà thơ đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác

Trích thơ.

B. THÂN BÀI

Lời thơ mở đầu tưởng như lời tâm tình chân thành:

Khổ 1: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác.

Nhà thơ xưng “con” gọi “Bác”, đại từ “con” không chỉ mang nét đặc trưng trong cách xưng hô của người Nam Bộ mà còn thể hiện tấm lòng của người con đối với vị cha già vì đối với dân tộc ta thì “Người là cha, là Bác, là anh”. Yếu tố không gian “ở miền Nam” không chỉ diễn tả sự xa cách về địa lí mà còn là thời gian xa cách vì miền Nam phải bao nhiêu năm mới được giải phóng, miền Nam đã “đi trước về sau”. Sự xa cách ấy càng nung cháy thêm nỗi mong nhớ Bác.

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Từ xa nhìn về lăng Bác, nhà thơ đã phát hiện hình ảnh rất quen thuộc:

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Hình ảnh “hàng tre” trong sương thật đẹp đẽ, huyền ảo làm gợi nhớ đến lũy tre làng thân thuộc với con người Việt Nam. Hình ảnh ẩn dụ này để chỉ về dân tộc Việt Nam đầy sức sống. Hàng tre mãi ‘hát ngát, xanh xanh” cũng như con người Việt Nam luôn mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, tươi trẻ để vươn lên trong cuộc sống. Thành ngữ "bão táp mưa sa” như muốn nhắc đến những khó khăn, thử thách mà dân tộc ta phải đương đầu, đối phó do thiên tai, giặc giã gây ra. Hàng tre vẫn “đứng thẳng hàng” như dân tộc Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất để tồn tại, phát triển.

Khổ 2:

Theo đoàn người vào trong lăng, nhà thơ đã nhìn thấy:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Mặt trời trên lăng là mặt trời trong thiên nhiên đem lại nguồn sáng và sức sống cho muôn vật; “mặt trời trong lăng” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ sự vĩ đại, phẩm chất cao quý nơi Bác: Bác là mặt trời cách mạng soi đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm đen để thấy được bình minh tươi sáng. Hình ảnh dòng người như một “tràng hoa” khi vào viếng lăng Bác thật đẹp và đầy ý nghĩa: cuộc đời mỗi người đã nở hoa, tỏa sáng dưới ánh sáng của Bác với nghệ thuật hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” đã giúp liên tưởng đến tuổi thọ, cuộc đời của Bác, một cuộc đời đã quên mình, hi sinh để cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc, Tổ quốc.

Khổ 3: Đứng trước thi hài của Bác, niềm cảm xúc của Viễn Phương bỗng dâng trào:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Bác vẫn hiện diện, vẫn sống với dân tộc

Niềm cảm xúc đột ngột, trào dâng khiến nhà thơ tưởng rằng “Bác nằm trong giấc ngủ”, Bác vẫn hiện diện, vẫn sống với dân tộc. Bác nằm ngủ trong một không gian “giữa một vầng trăng dịu hiền” thật đẹp đẽ. Lúc sinh thời Bác yêu trăng vô vàn, vầng trăng theo Bác trên những chặng đường gian khổ của cuộc kháng chiến, những ngày hoạt động cách mạng:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Hoặc:

Trăng vào cửa sổ đòi thơ.

Vầng trăng bây giờ theo Bác vào trong lăng để bầu bạn, làm tri kỉ với Người. Bác tồn tại mãi với dân tộc như “vầng trăng, trời xanh” trên không trung. Nhưng lí trí đã đưa tác giả trở về với hiện thực: Bác không còn nữa, Người đã ra đi. Từ gợi cảm “nhói” diễn tả nỗi đau đớn tột cùng, niềm xót thương vô hạn khi tác giả biết rằng Bác đã vĩnh viễn ra đi.

Khổ 4: Cuộc gặp gỡ, hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay, nghĩ đến giây phút ấy, tâm hồn nhà thơ bỗng dạt dào những cảm xúc lẫn suy tư:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Hình ảnh “thương trào nước mắt” diễn tả nguồn cảm xúc mãnh liệt bởi niềm yêu thương vô hạn, nỗi lưu luyến khi phải xa rời Bác. Tâm nguyện của nhà thơ thể hiện qua điệp từ “muốn làm”. Một ước muốn vừa chân thành, giản dị lại vừa mãnh liệt, nồng cháy. Làm “con chim” hót líu lo nơi lăng Bác, làm đóa hoa “tỏa hương” ngát thơm nơi Người yên nghỉ. Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện ước vọng được sống gần Bác, làm người con luôn dạt dào yêu thương Bác; ước vọng cuối cùng làm “cây tre trung hiếu” Ịà hình ảnh ẩn dụ đầy ý nghĩa tốt đẹp. Nếu hình ảnh “hàng tre” ở khổ đầu là khách thể mà nhà thơ lấy làm đối tượng để chiêm ngắm thì “cây tre trung hiếu” là chủ thể, là chính con người của tác giả. Một cây tre nhỏ bé nhưng đã góp phần làm hàng tre thêm vững chắc. Hình ảnh này đã thể hiện được một hoài bão, ước vọng, quyết tâm của nhà thơ: Muốn tiếp nối sự nghiệp cách mạng, tiếp nối những truyền thống của dân tộc bằng sự đóng góp nhỏ bé của chính mình, muốn “trung với nước, hiếu với dân” như lời Bác từng dặn dò.

C. KẾT BÀI

Viếng lăng Bác là một bài thơ hay, đầy cảm súc của Viễn Phương. Với nét bút chân thành, giản dị mà cảm động, thiết tha, nhà thơ đã biểu lộ những suy nghĩ, cảm nhận tốt đẹp về dân tộc, đất nước, những tình cảm trân trọng biết ơn đối với Hồ Chủ tịch.

Âm điệu truyền cảm của bài thơ vẫn cứ vang lên, làm tâm hồn ta thêm xúc động mỗi khi nghĩ về Bác để rồi tự nhủ để làm gì, phải sống như thế nào để tiếp nối truyền thống của dân tộc, để phát huy những thành quả tốt đẹp mà Bác và bao tiền nhân đã để lại cho hậu thế.

Leave a Reply