Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài Sóng của Xuân Quỳnh: Con sóng dười lòng sâu... Hướng về anh một phương

Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

Con sóng dười lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương.

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

- Hình như giữa thiên nhiên và con người luôn có sự hòa điệu. Vì vậy mà các nhà thơ thường tìm tiếng nói của tình yêu qua thiên nhiên. Để giãi bày tình yêu của một người con trai, Xuân Diệu có bài thơ Biển. Nhưng rồi ra đời năm 1967, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được xem như một đột phá vì lần đầu tiên trong văn học hiện đại Việt Nam, khát vọng tình yêu được cất lên từ một hồn thơ nữ. Đây là bài thơ tình đặc sắc trong thi ca hiện đại Việt Nam. Có thể nói bài thơ là những con sóng tình đang xôn xao trong lòng người con gái đang yêu.

- Đoạn trích là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ, đã diễn tả được nỗi nhớ thương của người con gái đang yêu và khẳng định một tình yêu chung thủy.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Nỗi nhớ người yêu da diết của người con gái

Nỗi nhớ người yêu da diết của người con gái

- Nhớ nhung là dấu hiệu của tình yêu. Yêu càng say đắm thì nhớ càng thiết tha. Vì yêu và nhớ là hai mặt của một vấn đề. Nỗi nhớ của người con gái khi đang yêu có nhiều sắc thái, dáng vẻ, cung bậc khác nhau. Có lúc, nỗi nhớ thì thầm, lặng lẽ như “con sóng dưới lòng sâu”, có khi trào dâng, dạt dào như “con sóng trên mặt nước”. Dẫu cho nỗi nhớ như “con sóng dưới lòng sâu” hay như “con sóng trên mặt nước” thì ở hai trạng thái khác nhau ấy nỗi nhớ cũng da diết, triền miên, trường cửu với thời gian và chiếm lĩnh cả không gian.

- Nhà thơ đã mượn sóng nói hộ tình yêu:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

Nhưng nỗi nhớ cứ dâng tràn nên nhà thơ đã tự bộc bạch vì không thể dấu được:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Sóng nhớ bờ còn có đêm có ngày, em nhớ anh, nỗi nhớ không có ngày đêm. Trong ca dao xưa, cha ông ta cũng đã nói lên nỗi nhớ của người con gái đang yêu:

Đêm nằm lưng chẳng bên giường

Mong cho mau sáng ra đường gặp anh.

Xuân Quỳnh đã nói hộ nỗi nhớ cho bao người con gái khi đang yêu.

2. Tình yêu chung thủy

Nhà thơ Xuân Quỳnh khẳng định sự thủy chung một cách trực tiếp, mạnh mẽ:

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương...

Điệp từ “dẫu” khiến cho câu thơ có sức khẳng định mạnh mẽ như lời vàng đá của người phụ nữ đang yêu. Người ta thường nói “ngược” về phương Bắc, “xuôi” về phương Nam còn Xuân Quỳnh lại nói “xuôi về phương bắc’’, “ngược về phương Nam”. Điều này dường như có gì đó trái ngược với quy luật? Không, đây là dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tác giả muốn khẳng định: Dẫu cho quy luật của tạo hóa có đổi thay, nhưng tình yêu của em đối với anh thì không hề thay đổi. Tình yêu thủy chung thì bao giờ nỗi nhớ cũng chỉ một điểm dừng. Dù trái đất có nhiều phương, nhiều hướng nhưng tình yêu của em chỉ hướng về một phương, đó là phương có anh.

3. Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ đang yêu

Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ đang yêu

- Tâm hồn trong sáng, trẻ trung và đằm thắm trong tình yêu.

- Tâm hồn nhạy cảm với khát vọng rất đời thường.

- Một tâm hồn sôi nổi, tự tin, chủ động bày tỏ những tình cảm tha thiết của lòng mình.

- Tình yêu trong Xuân Quỳnh vừa mang nét truyền thống vừa hiện đại trẻ trung.

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Bài thơ Sóng có sức sống lâu bền vì ý tình gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Rồi đây, người đọc về sau vẫn có thể tìm thấy trong những vần thơ cháy bỏng của Xuân Quỳnh một dáng núi vọng phu, một bến đò chờ đợi. Tình yêu chung thủy và nỗi nhớ tha thiết của Xuân Quỳnh đã tạo nên những con sóng tình yêu trong lòng độc giả.

- Dịu dàng và đằm thắm, nồng nàn và trắng trong, da diết và bâng khuâng, đó là tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Leave a Reply