Suy nghĩ của anh (chị) về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua các sáng tác từ Chữ người tử tù đến Người lái đò sông Đà

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Người nghệ sĩ Nguyễn Tuân có hai chặng đường sáng tác khá rõ: trước và sau Cách mạng 1945. Chặng đường nào, nhà văn này cũng mải mê đi tìm cái đẹp: hoặc chỉ còn “vang bóng một thời”, hoặc đang diễn ra trong cuộc sống cùng thời với tác giả. Đó là cái đẹp của con người tài hoa và độc đáo rất đáng ngợi ca, rất đáng khẳng định, và Nguyễn Tuân luôn bảo vệ sức sống bất tử của những giá trị của cái Đẹp ấy.

- Chữ người tử tù được viết trước 1945, trong số thế giới của những con người tài hoa tài tử, Huấn Cao hiện lên với những phẩm chất toàn diện và độc đáo nhất: là một anh hùng tràn đầy khí phách, là một nghệ sĩ rất mực tài hoa, hơn nữa còn là một bậc chính nhân quân tử có thiên lương trong sáng. Hơn mười năm sau Cách mạng, cùng với dòng sông “độc nhất vô nhị” (khủng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu), người đọc bắt gặp lại trong Người lái đò Sông Đà kiểu người tài hoa trong sáng tác của Nguyễn Tuân, nhưng đó là con người lao động trong cùng thời đại với nhà văn. Con người lao động nhưng vẫn mang phẩm chất nghệ sĩ tài hoa với vẻ đẹp phi thường của người anh hùng lao động trong công cuộc chinh phục thiên nhiên.

2. Nét chung - nét ổn định làm nên phong cách tác giả Nguyễn Tuân:

- Về đối tượng phản ánh: Cả hai tác phẩm, Nguyễn Tuân đều quan tâm đặc biệt đến những con người có phẩm cách độc đáo và tài hoa, họ đều mang phẩm chất nghệ sĩ.

Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua Chữ người tử tù

+ Một Huấn Cao (Chữ người tử tù) dám chống lại cả triều đình phong kiến thối nát vì “hoài bảo tung hoành” của đời một con người. Đó là một con người có lí tưởng sống cao cả, có khát vọng tự do. Là tử tù, nhưng Huấn Cao không hề bị khuất phục trước sức mạnh của cường quyền (câu nói với viên quản ngục “cố ý làm ra khinh bạc đến điều...”), luôn chủ động trong hành động của mình, hoàn cảnh ngục tù trở nên vô nghĩa trước Huấn Cao. Là nghệ sĩ, Huấn Cao không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết chữ (Huấn Cao nói với thầy thơ lại..). Nghệ thuật là sáng tạo, là hoạt động tinh thần cao quý vô giá, chữ ông Huấn là “một vật báu ở trên đời”. Là anh hùng - nghệ sĩ đầy kiêu hãnh và khinh bạc trước cái tầm thường của xã hội, nhưng Huấn Cao vẫn cảm động trước “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của một viên quản ngục. Mẫu nhân vật như Huấn Cao thực sự là “xưa nay chưa từng có”.

+ Là một người lái đò (không cần có tên tuổi) nhưng mấy ai làm nghề vất vả hiểm nguy trên sông nước lại có một sở thích mạo hiểm như thế này: “Chạy đò trên đoạn sông không có thác, nó dễ dại tay, dại chân và buồn ngủ”. Nói khác đi, người lái đò này chỉ thích thú khi đối diện với những hiểm nguy mà người thường hẳn là ít nhiều e ngại, nếu không muốn nói là sợ hãi. Trước một dòng sông “hung bạo” đến thế, trước một “thạch trận” hiểm nguy đến thế, chỉ trong khoảnh khắc là cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, ông lái đò vẫn bình tĩnh, tự tin vào tài năng, trí tuệ của mình. Mặc dù công việc của ông là lái đò, nhưng hình ảnh nhân vật lại hiện lên như một chiến sĩ, một dũng tướng vì chuyến đò ấy là một “trận thuỷ chiến trên mặt trận Sông Đà”. Hơn nữa, vượt thác với hàng loạt những động tác vừa dũng mãnh vừa mềm dẻo linh hoạt... mang dáng dấp của một nghệ sĩ đang biểu diễn trên “cái lớn lao của thác nước Sông Đà’’, người lái đò “lái ra hoa” ấy mang vẻ đẹp của một nghệ sĩ thực thụ!

- Về bút pháp xây dựng nhân vật: Trong cả hai tác phẩm, khi xây dựng nhân vật, Nguyễn Tuân hầu như không quan tâm đến những chi tiết thuộc về đối tượng nên hình tượng nổi bật hơn về vẻ đẹp lí tưởng, cao cả.

+ Không người đọc nào phải băn khoăn về đời tư của Huấn Cao, nhà văn chỉ tập trung phác họa chân dung, thần thái của nhân vật chính trong những ngày tháng trước khi vào Kinh chịu án tử hình. Những quan hệ đời thường như gia đình, vợ con... đều bị bỏ qua. Bút pháp lãng mạn trong việc dựng chân dung nhân vật cũng chủ yếu là những nét vờn vẽ trên một cái nền chung của “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”: “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dặm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Một không gian tràn đầy ánh sáng (của “bó đuốc tẩm dầu” cùng “phiến lụa óng”,...) và hương thơm (từ “chậu mực bốc lên”,...), một không gian văn hoá sang trọng đã thay thế cho không gian hiện thực tăm tối của tù ngục. Đặt nhân vật trong không gian văn hoá sang trọng ấy Huấn Cao càng trở nên lớn lao phi thường cùng vẻ đẹp ngời sáng lung linh!

Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua Người lái đò sông Đà

+ Người lái đò là “ông bạn” của tác giả, đang sống giữa cuộc đời này cùng với công cuộc xây dựng đất nước ta vào những năm 60 của thế kỉ XX. Nhưng, tác giả cũng bỏ qua những chi tiết đời thường của nhân vật. Nhà văn chủ yếu giới thiệu nhân vật với sự thông minh của trí tuệ, với tài hoa trong lao động chinh phục thiên nhiên, với vẻ đẹp của một dũng tướng anh hùng trước “trận chiến Sông Đà”. Những chi tiết về đời tư cũng bị lược bỏ. Tác giả tập trung thể hiện vẻ đẹp của hình tượng trong một chuyến đò cuối cùng trước khi “giải nghệ”. Phải chăng, vì thế mà con người càng có dịp biểu diễn “tài nghệ” của mình?

Nhà văn cũng đã hoàn chỉnh chân dung người lái đò trong một không gian của thiên nhiên Tây Bắc, trước dòng sông “hung bạo và trữ tình”, nhất là trước “cái lớn lao của Sông Đà, của thác Sông Đà”: “trên thác hiên ngang một người lái đò Sông Đà có tự do, vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà”. Hình tượng nhân vật cũng trở nên lớn lao, phi thường trước cái lớn lao của thiên nhiên hùng vĩ.

3. Nét riêng - nét phát triển, sáng tạo trong từng tác phẩm, từng giai đoạn sáng tác vẫn thuộc vấn đề phong cách nghệ thuật của nhà văn

- Về nội dung tư tưởng:

+ Ở Chữ người tử tù, dù Huấn Cao là một anh hùng lẫm liệt, tràn đầy khí phách, nhưng vẫn là một anh hùng thất trận, một tử tù. Tuy nhiên, nhà văn quan tâm nhiều hơn, đặc biệt hơn là câu chuyện “chữ” của ông Huấn, nghĩa là cái tài của một nghệ sĩ trước khi đi vào cõi bất tử! Người nghệ sĩ Huấn Cao là người của “một thời” thuộc về quá vãng. Cho chữ và xin chữ để thưởng thức, để giữ gìn là nét đẹp văn hoá truyền thống của ông cha ta. Và chữ của ông Huấn thực sự trở nên bất tử, cái đẹp thống trị thế giới là khát vọng của nhà nghệ sĩ lãng mạn.

Ngợi ca Huấn Cao tạo nên một hình tượng nghệ thuật bất tử, nhưng dẫu sao, đó vẫn là một khát vọng. Và, cũng qua tác phẩm này, Nguyễn Tuân ít nhiều bày tỏ một thái độ “không chịu làm lành” trước hiện thực nhơ nhớp của ngục tù, của xã hội đương thời, một thái độ bất hợp tác với nó.

+ Với Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân tìm cái đẹp ở con người lao động cùng thời với nhà văn. Cái đẹp ở đây, chất nghệ sĩ ở đây là con người trong lao động, gắn bó với hiện thực cuộc sống của đất nước và thiên nhiên tươi đẹp của quê hương. Người lái đò là một người anh hùng chiến thắng thiên nhiên, vẻ đẹp phi thường ở đây với tư thế tự do vì “người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà”.

Người lái đò là một người anh hùng chiến thắng thiên nhiên

Nếu Huấn Cao là một nhà nghệ sĩ sáng tạo ra thư pháp, thì người lái đò lại là một nghệ sĩ biểu diễn thi tài với tạo hóa, với cái “dữ tợn” của dòng nước sông Đà bằng sự điệu nghệ tinh thông trong nghề nghiệp với những động tác nhuần nhuyễn, hoàn hảo. Đó là người nghệ sĩ đang khoe tài đầy mạo hiểm. Càng mạo hiểm thì bản lĩnh của con người càng ngời sáng! Trước sân khấu biểu diễn là thác nước ấy, chỉ có tài nghệ thực sự là dây bảo hiểm duy nhất cho người lái đò này. Nhà văn ca ngợi và khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc sống lao động và chiến thắng thiên nhiên ngay trong hiện thực xã hội ở miền Bắc XHCN lúc bấy giờ.

- Và nghệ thuật thể hiện:

+ Chữ người tử tù là một truyện ngắn. Nhà văn đã thành công trong việc khắc họa nhân vật, dựng những cảnh tượng độc đáo và ấn tượng, nhất là một không khí cổ kính, trang nghiêm. Cùng với thành công ấy, nhà văn còn thể hiện tài năng khi sử dụng linh hoạt bút pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn đầy biến hoá, dẫn dắt người đọc một cách hấp dẫn.

Không gian và thời gian của truyện ngắn ít nhiều hạn chế đến tài năng của nhà văn khi viết tác phẩm này.

Và dường như, truyện ngắn vẫn chưa phải là thề loại sở trường hoàn toàn của Nguyễn Tuân.

+ Người lái đò Sông Đà là một tùy bút (cần chú ý thêm về vấn đề này) - thể loại mà Nguyễn Tuân vẫn thường xem là “độc tấu” đầy hấp dẫn với một cây bút ưa sự phóng khoáng ngoài đời cũng như trong văn chương. Trong tuỳ bút (hay bút kí cũng vậy) của Nguyễn Tuân đều mang yếu tố truyện. Bởi vậy, nhà văn vẫn xây dựng thành công những nhân vật mà ông hết sức đam mê. Nhân vật người lái đò được khắc họa sinh động hơn. Ngoài cách dựng chân dung, người viết còn giới thiệu tỉ mỉ về “ông lái đò Lai Châu bạn tôi” với khá nhiều câu chuyện: về cách so sánh công việc của người lái đò với người điều khiển chiếc xe ôtô trên bộ, từ sở thích của người lái đò ưa mạo hiểm đến chuyện ngày đầu tiên “nhập môn” cái nghề này. Nhân vật được nhìn đa chiều hơn, và người viết cũng được tự do, phóng túng hơn.

Đặc biệt, với tuỳ bút này, Nguyễn Tuân có dịp thể hiện tài năng của một chuyên viên tiếng Việt”. Ngôn ngữ sử dụng phong phú, tinh tế; hình ảnh được sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn. Nhà văn cũng được thi tài với tạo hóa trong lĩnh vực này. Có thể nói, bên cạnh thành công về xây đựng nhân vật, việc sử dụng ngôn từ văn chương đặc biệt độc đáo của Nguyễn Tuân mang lại sức hấp dẫn rất riêng cho nhiều tác phẩm của ông, trong đó có tuỳ bút Người lái đò Sông Đà.

4. Tổng kết

Bên cạnh những nét ổn định, cần chỉ ra sự phát triển trong từng tác phẩm, ở từng giai đoạn, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là phong cách đặc biệt của nhà văn tài năng với nỗ lực không ngừng sáng tạo. Ngoài lao động nghệ thuật của cá nhân, yếu tố thời đại và đòi hỏi của độc giả cũng khích lệ nhà văn này tiếp tục khẳng định phong cách độc đáo của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là những đóng góp của nhà văn lớn đối với nền văn học Việt Nam ở thế kỉ XX.

Leave a Reply