Văn nghị luận - “Năng lực lắng nghe” hay “Rửa tai để lắng nghe lời nói thật”

Tôn trọng mọi ý kiến, kể cả trái chiều. Không có vùng cấm kị kể cả Điều 4. Các góp ý đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình... Đó là cam kết của Quốc hội về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, Quốc hội đã chính thức công bố Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân trong thời gian 3 tháng (2/1/2013 - 31/3/2013). Theo đó, Quốc hội yêu cầu nhân dân cho ý kiến về toàn bộ Dự thảo Hiến pháp với các nội dung quan trọng như chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy nhà nước...

“Năng lực lắng nghe” hay “Rửa tai để lắng nghe lời nói thật”

Tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân chiều 29/12,Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lí, thành viên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cam kết mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình... Ông Lí khẳng định: "Nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".

Điều này khẳng định một lần nữa tinh thần quyết tâm xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân và tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân.

Thế nhưng, làm thế nào để quần chúng nhân dân quan tâm góp ý lại là việc không đơn giản cho dù đó là Hiến pháp, một văn bản được ví như “luật mẹ”, có tác động trực tiếp đến đời sống của không chỉ hôm nay mà các thế hệ mai sau. Do đó, nhận được sự tham gia góp ý của đông đảo quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công.

Để đông đảo quần chúng nhân dân tham gia góp ý, ngoài việc tuyên truyền vận động thì một yếu tố cực kì quan trọng là sự lắng nghe nghiêm túc, không định kiến và trọng thị, đặc biệt là đối với những lời nói thẳng, nói thật bởi xưa nay, “trung ngôn” thường “nghịch nhĩ".

Cách đây ít lâu, về chủ đề nói thật, Nhà báo Hữu Thọ đã nói: “Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát... Ai cũng có tai để nghe nhưng “lắng nghe” là nghe một cách chân thành, chăm chú, nghe để sửa mình”.

Gần đây, khi được phỏng vấn về việc lấy ý kiến lần này, Đại biểu Dương Trung Quốc cũng thẳng thắn nhận định phương thức lấy ý kiến, bộ lọc để tập hợp được tiếng nói của nhân dần là điều kiện rất quan trọng và phải tránh duy ý chí. “Vấn đề còn lại là những người lãnh đạo có biết lắng nghe hay không, năng lực lắng nghe đến đâu” - Ông Quốc nói.

Tất nhiên không phải tất cả mọi ý kiến đều vô tư, trong sáng và trên tinh thần xây dựng nên một mặt cần sàng lọc để phân biệt chính xác không để lợi dụng chống phá, xuyên tạc nhưng cũng cần phải biết lắng nghe một cách chân thành, khoa học, không định kiến...

Có thể nói, việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là sự kiện cực kì quan trọng và là cơ hội để nhân dân bày tỏ nguyện vọng của mình đối với vận mệnh đất nước. Vì vậy, tích cực tham gia vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của nhân dân.

Hi vọng rằng sẽ có nhiều những ý kiến quý báu từ nhân dân đồng thời hi vọng rằng sẽ nhận được sự lắng nghe “một cách chân thành, chăm chú, nghe để sửa” như lời Nhà báo Hữu Thọ, phải không các bạn?

Leave a Reply