Cảm nhận sức sống của nhân vật Mị

Mị đã đánh mất chính mình trong cuộc sống khổ nhục của nhà thống lí. Để rồi, Mị đã "sống lại" trong những ngày xuân, qua tiếng sáo, bài ca gọi bạn tình. Cô bồi hồi, xao xuyến, khát khao tình yêu, hạnh phúc. Cô uống rượu, chuẩn bị váy áo sửa soạn đi chơi xuân. Song, ngay lúc đó, A Sử xuất hiện. Hắn trói đứng cô vào cột, như muốn dập tắt ngọn lửa sống trong cô. Bị trói, Mị vẫn nghe rõ tiếng sáo gọi bạn, tiếng hát tình ca văng vẳng. Sức sống tiềm tàng trong Mị không chết mà âm ỉ để rồi bùng cháy mãnh liệt.

Sức sống nhân vật Mị

Miêu tả sự trỗi dậy của sức sống trong tâm hồn và hành động của Mị, một lần nữa cây bút tài năng Tô Hoài đã chứng tỏ khả năng nắm bắt tinh tế những diễn biến sâu lắng, tế nhị tận sâu tâm hồn con người - một đặc trưng đã góp phần làm nên tên tuổi nhà văn. Lúc đầu Mị dửng dưng. Đêm đêm cô trở dậy thản nhiên ngồi thổi lửa, hơ tay. Mị nhìn A Phủ bị trói đứng, mắt trừng trừng, biết là người sống. Nếu A Phủ đang là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Vì, với Mị cũng như tất cả kẻ ãn người ở trong nhà này, hình phạt trói đứng người, rồi bỏ đói, bỏ chết nào phải chuyện lạ! Bao nhiêu ngày tháng qua, đôi mắt cô đã vô hồn, trái tim cô đã khép kín trước tất cả mọi người. Nhưng đêm nay, khi ngọn lửa khuya bập bùng, Mị lé mắt trông sang, thấy hai con mắt A Phủ vừa mở, không trừng trừng mà có cái gì như đớn đau, như nhờ cậy, "một dòng nước mắt lâp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Kí ức đau khổ của chính mình thức dậy. Mị nhớ đêm mình bị trói đứng "nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được". Tiếng nói từ cõi sâu tâm khảm đột ngột bật ra: "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Mỗi lúc, tiếng lòng Mị thêm quặn thắt, thêm dồn dập. Cái chết đang chập chờn trước mắt mà gọi ùa lại hai ba cái chết nữa, vây bủa, dồn đuổi con người. Câu chữ dường như có ma lực, cứ dựng đứng, điệp từng nhịp, nhấn từng bước, như nhân hình, như ảo ảnh. "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế". Tình thương lớn dần, chuyển thành ý thức mơ hồ về sự phi lí, bất công trong cuộc đời. Mị cứu A Phủ rồi chạy vụt ra, băng trong đêm tối đuổi kịp A Phủ, cùng anh chạy khỏi mảnh đất đau khổ. Sức sống của tuổi trẻ, niềm khát khao tự do, hạnh phúc đã biến thành những hành động cụ thể.

Sau đêm ấy, Mị cùng A Phủ chạy tới Phiềng Sa, thành vợ chồng, gặp cán bộ, được giác ngộ cách mạng, trở thành đu kích, thành những con người thực sự tự do, tự giác chiến đấu giải phóng quê hương, giải phóng cuộc đời mình.

Leave a Reply