Lời ngỏ của người ở lại, lời đáp của người đi trong bài thơ Việt Bắc

1. Lời ngỏ của người ở lại

Thực chất, cuộc li biệt giữa người cán bộ miền xuôi với Việt Bắc - cái nôi cách mạng của dân tộc, cũng là cuộc chia tay giữa hai miền quê cách mạng, hai thời kì lịch sử. Cuộc chia tay mở đầu bằng lời người ở lại. Đã từng gắn bó lâu bền, nên cả kẻ ở lẫn người đi đều trĩu nặng tâm tư:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tố Hữu quả là người có biệt tài nói chuyện chính trị, lịch sử bằng ngôn ngữ và giọng điệu của tình yêu. Trong hình dung và cách thể hiện của nhà thơ, cuộc chia tay này lại là cuộc chia tay giữa "ta" với "mình" - cả đôi bên từng có với nhau biết bao kỉ niệm ngọt ngào, bao ân tình ân nghĩa "thiết tha mặn nồng" trong suốt chiều dài lịch sử của cuộc kháng chiến. Việc hoá thân của người cán bộ miền xuôi và đồng bào Việt Bắc vào hai nhân vật trữ tình "mình" và "ta" khiến bài thơ gợi nhớ âm điệu của rất nhiều bài ca dao truyền thống, và hai nhân vật trữ tình ấy trở thành một đôi lứa yêu đương. Câu thơ vọng về âm điệu của ca dao: "Thuyền về có nhớ bến chăng"; "Mình về có nhớ ta chăng"...

Lời người ở lại

Bốn câu đầu, người ở lại hỏi người về liệu có còn nhớ đến mình, nhớ về những kỉ niệm suốt "mười lăm năm" gắn bó với biết bao ân nghĩa, ân tình nồng thắm. Tuy vậy, lời hỏi không nhằm bộc lộ nỗi âu lo của người ở lại về sự quên lãng, sự thay lòng đổi dạ của người đi, mà chủ yếu để khơi gợi tình cảm và tạo không khí để người về bộc lộ nỗi nhớ, niềm thương. Đó cũng là dư vị ngọt ngào của những bài quan họ cổ kết hợp hai mảng đề tài giao duyên và li biệt. Người về cũng nhạy cảm, như thấu hiểu nỗi khao khát thầm kín của người đối diện, như không thể kìm giữ lòng mình, nên không thể chờ đến lúc người ở lại ngừng lời. Câu hỏi của người ở bị cắt ngang bởi tiếng lòng thầm vọng của người về:

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Ao chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

Tâm trạng của người về thật nhiều cung bậc, khó nói hết thành lời. Nó được bộc lộ bằng những hành động và cử chỉ trĩu nặng, tâm tư. Cái dáng điệu "bồn chồn bước đi" ở đây như gợi lại dáng vẻ "Bước đi một bước, giây giây lại dừng" trong thơ cổ. Cử chỉ cầm tay không nói nên lời, nhưng dường như nói lên tất cả... Giống như tất cả các cuộc chia tay truyền thống, mọi hành động, cử chỉ và cả sự im lặng ở đây đều thể hiện rất nhiều bịn rịn, lưu luyến.

Người ở tiếp tục vừa hỏi người về, vừa ôn lại chặng đường đã qua. Đó là những kỉ niệm gian khổ mà ngọt bùi của mười lăm năm kháng chiến:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Kỉ niệm được nhắc lại rất nhiều, trải theo chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian; nhưng tất cả các kỉ niệm ấy đều có một đặc điểm chung là gắn liền với sự sẻ chia khó khăn gian khổ giữa ta với mình. Và do đó, tất cả đều là những kỉ niệm không thể nào quên. Thành thử, ôn lại kỉ niệm giữa ta với mình chính là một cách gián tiếp tỏ bày tình cảm mà ta dành cho mình vậy. Gắn bó sâu nặng đến độ mình với ta dần dần đi đến chỗ hoà nhập với nhau làm một. Hai mà một, một mà hai, vừa tách biệt vừa giao hoà thông nhất, đến độ người đọc khó mà nhận ra chừ mình cuối cùng dành để chỉ người đi hay kẻ ở:

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?

2. Lời đáp của người đi

Đáp lời người Việt Bắc, người đi khởi đầu bằng sự khẳng định tấm lòng thuỷ chung son sắt, khẳng định ân nghĩa ân tình với người ở lại, cũng là với cội nguồn cách mạng:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn hao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...

Trong bài thơ, nhiều lần tíi nguồn được lặp đi lặp lại ("Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?", "Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bây nhiêu...). Không mấy ai không nhận ra ngoài nội dung thể hiện ân nghĩa, ân tình của người ra về với người ở lại, ý thơ còn như nhắn nhủ người đọc về đạo lí truyền thông của dân tộc. Đó cũng là tình cảm trỉ ân mà người về dành cho Việt Bắc cái nôi đầu tiên của cách mạng, nói rộng ra là tấm lòng hướng về nguồn cội của dân tộc trong mỗi cuộc chuyển giao thời đại và lịch sử. Lại là những câu thơ lục bát vọng về âm hưởng ca dao trong hình ảnh so sánh nghĩa tình với nguồn nước ("Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"), trong cách đồng hoá nỗi niềm của con người với thế giới ngoại cảnh ("Qua đình ngã nón trông đình - Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu"). Tố Hữu đã nhắn nhủ người đọc nhớ về truyền thông bằng chính những phương thức và phương tiện nghệ thuật hết sức truyền thống ấy...

Bên cạnh sự khẳng định tấm lòng chung thuỷ, người về còn thể hiện nỗi nhớ, niềm thương như để lấp đầy khoảng trống âu lo, khao khát trong lòng người ở lại:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa, người thương đi về.

Trong bốn câu thơ, người ra đi liên tục dùng những từ ngữ dồn nén ở độ căng nhất của xúc cảm để chỉ người ở lại: người yêu và người thương. Mỗi từ mang một sắc thái ý nghĩa, nhưng đềụ hướng tới thể hiện nỗi nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào giữa đôi bên. Trong nỗi nhớ niềm thương của người miền xuôi dành cho Việt Bắc, thiên nhiên thường sánh đôi với con người. Nhắc đến người yêu và người thương, những khoảng không gian - thời gian: "Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương", "sớm khuya bếp lửa",... cũng không nằm ngoài nỗi nhớ, hẳn là bởi chúng gắn với rất nhiều kỉ niệm yêu thương. Vì quy luật của tình cảm là "Yêu nhau yêu cả đường đi...", cho nên nói chuyện nhớ những "rừng nứa", "bờ tre", "ngòi Thìa", "sông Đáy", "suối Lê",... thực chất chính là cách thể hiện nỗi nhớ con người Việt Bắc vậy.

Nhớ từng bản khói

Sau khi định danh nỗi nhớ Việt Bắc là nỗi nhớ "người yêu", những câu thơ hướng vào gợi nhớ những kỉ niệm gắn bó giữa "ta" với "mình", mà thực chất là tái hiện sự gắn bó, đồng cam cộng khổ đầy nghĩa tình giữa đồng bào Việt Bắc với cán bộ miền xuôi trong những năm kháng chiến:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Lời thơ hết sức giản dị, mộc mạc nhưng vừa có độ kết tinh, vừa có sức lay động lòng người. Mỗi hình ảnh đều như đúc, như tạc thành biểu tượng: Đó là biểu tượng của tình nghĩa ấm áp trong gian khó mà Việt Bắc san sẻ cùng người cán bộ cách mạng qua cử chỉ nhường nhịn từng miếng ăn, hơi ấm trong những ngày đông giá rét: "Thương nhau chia củ sắn lùi - Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng". Đó là biểu tượng của cuộc sống vất vả của con người Việt Bắc trong hình ảnh người mẹ "địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô" trong cái nắng hè thiêu đốt. Đó cũng là biểu tượng của cuộc sông gian khổ mà lạc quan của người cán bộ cách mạng giữa lòng đồng bào Việt Bắc: "Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo"... Điều đáng nói là tất cả đều được tái hiện qua nỗi nhớ. Cho nên, các điệp từ chỉ tâm trạng: nhớ, nhớ sao đứng đầu mỗi câu thơ cùng với thủ pháp liệt kê khiến mỗi cặp lục bát ở đoạn này trở thành một điệp khúc ân tình giữa con người với con người trong sự đồng cam cộng khổ. Một hệ thông các từ ngữ gợi các cung bậc yêu thương được sử dụng với mật độ dày đặc: mình đây ta đó, thương nhau, chia, sẻ, đắp cùng, nhớ, nhớ sao, liên hoan,... Không gian, thời gian ở đây liên tục bị đảo lộn trật tự logic của thực tại, nó là không gian và thời gian được tái hiện theo logic của nội tâm. Nỗi nhớ đã can thiệp sâu sắc trật tự và cách tái hiện kỉ niệm.

Tuy vậy, trong đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ của người về, có những đoạn đẹp như một bức hoạ về thiên nhiên và con người Việt Bắc:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nỗi nhớ trùm lên con người và cảnh vật. Một cách tự nhiên, cảnh và người hoà với nhau làm một trong tình yêu và nỗi nhớ của người đi. Tất cả đều mang sắc màu hoài niệm. Vì là kỉ niệm về một thời sẽ một đi không trở lại nên cảnh nào, người nào khi xa rồi cũng đều thấy tiếc, và càng tiếc nuôi thì càng thấy cảnh và người thêm đẹp. Hai câu đầu khái quát ý của toàn đoạn, là nỗi nhớ "hoa cùng người" Việt Bắc. Trong toàn bộ bài thơ, thiên nhiên và con người có khi tách bạch, khi sánh đôi, lại có khi được đồng nhất, hoá thân vào nhau ("Mình về rừng núi nhớ ai", "Nước trôi nước có về nguồn", "Người đi rừng núi trông theo bóng Người",...). Cho nên, nhớ thiên nhiên kì thực là nỗi nhớ con người. Thiên nhiên có vai trò làm nền cho vẻ đẹp của con người. Tám câu sau là bộ tranh tứ bình về thiên nhiên và con người được tái hiện theo trật tự thời gian bốn mùa, mỗi câu tả người đan cài với một câu miêu tả thiên nhiên. Mở đầu bằng bức hoạ mùa đông. Trên cái nền xanh bạt ngàn của núi rừng, sắc đỏ của hoa như một điểm sáng trong bức tranh thiên nhiên Việt Bắc. Con người được khắc hoạ trong tư thế lao động: "Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng". Màu sắc đỏ tươi của hoa chuối, ánh nắng lấp loá đỉnh đèo đã làm ám cả không gian rừng núi, làm cho gam màu của bức tranh mùa đông không hề u ám. Sang bức tranh mùa xuân, sắc trắng tinh khiết của hoa mơ lại là gam màu chủ đạo: "Ngày xuân mơ nở trắng rừng - Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang". Nếu như bức tranh mùa đông được phác hoạ bằng những mảng màu đôi lập như trong một bức hoạ sơn dầu thì cảnh mùa xuân được phác hoạ với những đường nét tinh tế, tỉ mỉ như trong một bức tranh lụa. Người sánh bên hoa, hoa tôn lên vẻ đẹp của con người. Bức tranh mùa hạ như sôi động hơn với tiếng ve rộn rã. Hai chữ đổ vàng gợi một thoáng ngỡ ngàng của con người khi nhận ra hè tới. Nhân vật trữ tình như mê mải với công việc, đến khi chợt nghe tiếng ve ngân mới giật mình thảng thốt nhận thấy cả một rừng cây đồng loạt chuyển sắc vàng, mùa hạ đã sang tự lúc nào không biết. Trong cảnh hè sang, người lao động hiện lên trong sự cần cù, chịu khó. Người làm việc cũng như quên cả sự vận động của thời gian. Hai chữ một mình diễn tả sự thầm lặng của con người, không hề gợi cảm giác cô đơn. Bộ tứ bình khép lại bằng bức tranh mùa thu hoà bình với cảnh rừng đêm, có ánh trăng vàng, có tiếng hát ân tình, chung thuỷ. Cả con người lẫn thiên nhiên đều để lại ấn tượng về sự êm ả, thanh bình. Nếu nét vẽ con người trong cả ba bức tranh trên đều hướng vào tái hiện con người trong tư thế lao động, con người của công việc thì đến bức tranh này, tiếng hát dưới ánh trăng thu đã bổ sung một nét phác hoạ vẻ đẹp tâm hồn vào chân dung con người Việt Bắc, để vẻ đẹp của con người thêm phần đủ đầy, toàn diện. Như vậy, cảnh và người tuy được gợi lại trong cả bốn mùa, nhưng tất cả chỉ là những khoảnh khắc. Chỉ có điều, đã đi vào hoài niệm, trở thành đối tượng của nỗi nhớ niềm thương thì khoảnh khắc nào cũng trở thành vĩnh cửu.

Đoạn thơ tiếp theo được viết chủ yếu bằng thủ pháp của điện ảnh. Rõ ràng, Tố Hữu bộc lộ khát vọng làm một bộ phim tư liệu lịch sử về cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của dân tộc. Với tinh thần đó, nhà thơ khai thác triệt để hiệu quả của điểm nhìn, ánh sáng, tính biểu tượng của hình ảnh, sự chân thực của chi tiết,... Trong bộ phim ấy, có những thước phim toàn cảnh về tinh thần chiến đấu kiên cường của cả thiên nhiên lẫn con người Việt Bắc:

- Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

- Quân di điệp diệp trùng trùng

Lại có những thước phim quay cận cảnh, chi tiết về những hình ảnh không thể nào quên trong tâm khảm của đồng bào và chiến sĩ:

Ai về ai có nhớ không

Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang

Nắng trưa rực rỡ sao vàng

Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công

Có đoạn thể hiện biệt tài của Tố Hữu trong việc phối hợp hiệu quả của ánh sáng để thể hiện sự thay đổi bất ngờ của thế trận:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Trong nỗi nhớ niềm thương của người ra về, nếu ở đoạn trên, Việt Bắc được Tố Hữu khai thác chủ yếu ở phương diện ân nghĩa ân tình và vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn thì ở đây, Việt Bắc được khai thác nhiều hơn ở vẻ hào hùng để cuối cùng sáng lên như một biểu tượng:

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

Đó cũng chính là cơ sở vững chắc của niềm tin để ta với mình cùng giao hoà trong một ước vọng về tương lai hoà bình, tươi sáng của dân tộc, trong niềm trân trọng biết ơn với Đảng, với Bác Hồ như ta thấy ở phần sau của bài thơ này.

Như vậy, cuộc chia tay giữa hai thời kì lịch sử và hai miền quê cách mạng nhưng lại mang dáng dấp biệt li của một đôi tri kỉ đã có cả một khoảng thời gian dài gắn bó, sẻ chia bao cay đắng, ngọt bùi. Chia li hẳn là biết bao nhiêu âu lo, nhung nhớ và ước vọng. Bài thơ có sức sống của không chỉ vì sự gắn liền của nó gắn liền với những năm tháng không thể nào quên của dân tộc, mà còn vì nó được nuôi dưỡng bởi rất nhiều nguồn mạch cảm xúc trữ tình trong thơ ca truyền thống. Những cảm xúc ấy lại tìm đến hình thức câu thơ lục bát đạt đến độ nhuần nhị, ngọt ngào, đượm hồn dân tộc như ca dao, như lời ru của mẹ.

Leave a Reply