Phân tích mạch truyện tình huống truyện, niềm khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng, tấm lòng của bà cụ Tứ, nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân trong truyện Vợ nhặt

1. Mạch truyện

Mạch truyện đã được tác giả dẫn dắt một cách tự nhiên như vốn nó diễn ra trong cuộc sống của những ngày đói năm 1945 ở một xóm ngụ cư, tạo ra sức lôi cuốn và hấp dẫn đôi với người đọc. Câu chuyện chỉ xảy ra từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau trong gia đình bà cụ Tứ gồm người mẹ, anh con trai và người con dâu mới (vợ nhặt) qua các đoạn cảnh sau:

- Tràng dẫn người vợ mới qua xóm ngụ cư về nhà trong buổi chiều ngày đói.

- Tràng nhớ lại những lần gặp người đàn bà ở chỗ đẩy xe thóc giờ đây đã thành vợ của mình.

- Bà cụ Tứ về, Tràng thưa chuyện với mẹ và câu chuyện giữa mẹ chồng và người con dâu mới trong đêm.

- Buổi sáng hôm sau: Một không khí gia đình thật ấm cúng hiện lên trong căn nhà lụp xụp của Tràng và bữa cơm đầu đón "nàng dâu mới", niềm vui lẫn với hờn tủi.

- Đoạn kết: Tiếng trống thúc thuế vang lên dồn dập ngoài đình, nhưng trong óc Tràng lại hiện lên hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ bay phấp phới.

Tràng

2. Tình huống truyện

Giữa lúc đói khát, người chết đầy đường, thì Tràng, một anh nhà nghèo xấu xí dân ngụ cư (bị người làng khinh rẻ), lại lấy được vợ. Đó là một điều lạ. Lạ vì hai lí do:

+ Người như Tràng (vừa nghèo, vừa xấu, lại là dân ngụ cư) mà lại lấy được vợ một cách thật dễ dàng.

+ Thời buổi đói khát này, người như Tràng, nuôi thân chẳng xong mà lại dám lấy vợ.

Chính vì thế nên khi Tràng dẫn người đàn bà lạ về cả xóm ngụ cư đã phải ngạc nhiên, bàn ra tán vào (phân tích và chứng minh qua đoạn mở đầu tác phẩm). Tiếp đó là sự ngạc nhiên của bà cụ Tứ, mẹ Tràng (chứng minh qua đoạn Tràng đón mẹ về để thưa chuyện với mẹ) và ngay đến chính Tràng cũng bất ngờ về chuyện anh có vợ, vì nó diễn ra nhanh quá đến mức không thể nào tin được ("Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?").

- Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo, vừa lạ vừa éo le, tạo đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật. Tình huống truyện đã góp phần bộc lộ chủ đề của tác phẩm: Ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đây là nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động của tác phẩm.

3. Niềm khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng

Kim Lân rất hiểu người nông dân. Ông đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc niềm khát khao tổ ấm gia đình qua nhân vật Tràng trong tác phẩm:

- Lúc quyết định lấy người đàn bà làm vợ: mặc dầu "chợn" nhưng Tràng vẫn tặc lưỡi: "Chậc, kệ!". Niềm khát khao tổ ấm gia đình như một tiềm thức, một tình cảm đã có từ lâu trong lòng người nông dân nghèo khổ này, giờ đây bật lên thành tiếng nói, thành hành động.

- Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: Tràng tỏ ra thích chí và tự đắc: "mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh", "cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình". Kim Lân đã diễn tả thật tinh tế cái vẻ hãnh diện hồn nhiên của một con người lần đầu tiên dẫn vợ của mình đi qua xóm làng.

- Trong buổi sáng đầu tiên có gia đình: Tràng bỗng nhận ra một sự thay đổi mới mẻ, khác lạ: từ nhà cửa, sân vườn... cho đến mẹ và vợ hắn đều khác. "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng.". Và "Một nguồn vui sướng, phấn chân đột ngột tràn ngập trong lòng.". Bởi vì hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Bây giờ hắn mới thấy hắn "nên người", hắn thấy hắn có "bổn phận" phải lo lắng cho vợ con sau này... Khát khao tổ ấm gia đình của Tràng đã được Kim Lân diễn tả tinh tế và sâu sắc, người đọc thấy rõ hạnh phúc gia đình đã lay động mạnh mẽ và làm biến chuyển tâm tư tình cảm cũng như nhận thức của nhân vật, nâng con người của Tràng lên cao hơn, đẹp hơn. Đoạn văn là một phát hiện nhân đạo và nhân văn của Kim Lân về những người nông dân nghèo khổ, rằng tuy đang trên bờ vực thẳm của cái chết nhưng họ vẫn hướng về sự sông, về tổ ấm gia đình.

4. Tấm lòng của bà cụ Tứ

Nếu ở nhân vật Tràng là niềm khát khao tổ ấm gia đình thì ở bà cụ Tứ là tình thương đối với con trai và con dâu trong những ngày đói khủng khiếp nhất.

- Tình thương đó được thể hiện chân thật và cảm động trong buổi tối bà gặp người con dâu mới. Buồn vui xen lẫn. Vui vì con trai đã có vợ, bà đã có con dâu "u cũng mừng lòng...", nhưng buồn tủi và lo thì nhiều hơn: buồn tủi vì bà là mẹ mà không lo được vợ cho con, và lo vì "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sông qua được cơn đói khát này không?". Trong buổi tối ấy bà đã khóc nhiều vì thương con trai, và nhất là con dâu. Mới gặp con dâu lần đầu mà tình thương đã trào lên trong lòng người mẹ nghèo khổ, bà đã gọi thị là "con" thật tự nhiên và nói chuyện cũng thật thân tình với thị. Ta hiểu đó không còn là tình dâu con trong nhà mà đã thành tình giai cấp giữa những người nghèo khổ với nhau trong lúc đói khát này.

- Trong buổi sáng hôm sau, bà cụ đã dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và cố tạo niềm vui cho con trai và con dâu - cho dù niềm vui đó thật mong manh, tội nghiệp. Và chi tiết nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân - nồi cháo cám - đã nói lên sâu sắc tâm lòng người mẹ nông dân nghèo với hai đứa con trong bữa cơm đầu đón "nàng dâu mới". Đó là những con người "đằng sau manh áo rách là những tấm lòng vàng" - một điển hình bà mẹ nông dân nhân hậu mà nhà văn đã đem đến cho ta trong truyện ngắn xuất sắc này.

Nhân vật Tràng

5. Nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân

Kim Lân là một cây bút viết truyện ngắn có tài và có cái duyên riêng, được nhiều người yêu thích. Ở truyện ngắn này cũng bộc lộ rõ nét những đặc sắc nghệ thuật của nhà văn.

- Trước hết, tác giả đã sáng tạo ra được một tình huống truyện độc đáo có sức hấp dẫn người đọc, đồng thời nhờ đó mà tác giả đã triển khai câu chuyện một cách tự nhiên, logic qua nhiều cảnh sinh động, gợi cảm. (xem mục 2 trên đây). Đây là một biện pháp nghệ thuật quan trọng, có ý nghĩa then chốt đôì với việc xây dựng cốt truyện, kết cấu tác phẩm, khắc họa tâm lí nhân vật và bộc lộ chủ đề của truyện ngắn này (như đã phân tích trên đây).

- Cách kể chuyện hấp dẫn, có duyên; cách dựng cảnh gây ấn tượng với nhiều chi tiết đặc sắc (chẳng hạn, chi tiết hai lần Tràng gặp người đàn bà ở chỗ đẩy
xe thóc, đặc biệt là chi tiết "thị ngồi sà xuống, cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì", chi tiết nồi cháo của bà cụ Tứ, chi tiết Tràng nhớ lại hình ảnh những người đi phá kho thóc của Nhật và lá cờ đỏ bay phấp phới ở cuối truyện).

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc, có nhiều phát hiện (chẳng hạn, ở nhân vật Tràng qua các cảnh khác nhau: cảnh gặp người đàn bà ở chỗ đẩy xe thóc, cảnh đưa vợ về nhà qua xóm ngụ cư, tâm trạng sốt ruột chờ mẹ về để thưa chuyện, và nhất là sự thay đổi tình cảm, nhận thức... của nhân vật trong buổi sáng khi đã có gia đình,...); đối thoại sinh động (dẫn chứng qua các cảnh trong truyện); sử dụng ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị tự nhiên (dẫn chứng). Về mặt này, cần nhớ Kim Lân là một nhà văn của nông thôn, rất hiểu nông thôn và thạo ngôn ngữ của nông dân. "Văn Kim Lân bao giờ cũng hóm hỉnh sắc sảo nhưng trung hậu" (Nguyễn Đăng Mạnh).

Leave a Reply