Nêu và phân tích những đặc điểm của nghệ thuật trần thuật trong truyện Rừng xà nu

Về đặc điểm nghệ thuật trần thuật của truyện, cần chú ý phân tích những đặc điểm sau:

- Cách kể đan lồng "chuyện trong chuyện": Chuyện về cuộc đời Tnú lồng trong chuyện về làng Xô Man và cuộc nổi dậy khởi nghĩa. Chuyện của làng là nền cảnh để trên đó diễn ra câu chuyện cuộc đời Tnú. Nhưng cả hai truyện đều thống nhất trong một chủ đề chung: Con đường tất yếu đi tới giải phóng của nhân dân ta là đứng dậy cầm vũ khí chiến đấu chống lại kẻ thù.

Rừng xà nu

- Phối hợp lời kể từ ngôi thứ ba của người trần thuật khách quan với lời kể của nhân vật (chủ yếu là cụ Mết, đôi chỗ là lời của Tnú). Phần đầu và phần cuối truyện được trần thuật từ người kể ở ngôi thứ 3, với điểm nhìn khách quan. Phần chính của truyện trần thuật theo lời cụ Mết, phôi hợp với lời người trần thuật vô hình, ở đoạn gần cuối là lời kể trực tiếp của Tnú.

- Về thời gian: Tác giả đã xử lí rất thành công việc dồn nén thời gian sự kiện của nhiều nãm tháng trong thời gian kể của một đêm. Câu chuyện của cuộc đời Tnú và mấy chặng đường lịch sử của làng Xô Man được tái hiện qua lời cụ Mết, bên bếp lửa nhà cụ trong một đêm Tnú về thăm làng. Truyện còn tạo được sự phối xen giữa thời gian hiện tại và thời gian quá khứ. Ở phần đầu và phần cuối truyện là thời gian hiện tại gắn với sự việc Tnú về thăm làng chỉ một đêm và sáng hôm sau lại ra đi. Phần giữa - cũng là phần chính của truyện, chủ yếu tái hiện những sự việc thuộc thời gian quá khứ. Nhưng đôi lúc mạch kể lại quay lại với thời gian hiện tại bằng việc miêu tả cảnh dân làng nghe cụ Mết kể chuyện về Tnú. Cách phối hợp các lớp thời gian như vậy làm cho truyện vừa mở ra được nhiều sự kiện biến cố, tái hiện được cả một giai đoạn lịch sử, lại kéo gần quá khứ về với hiện tại, sống lại trong hiện tại.

Leave a Reply