Cảm nhận văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng

I. VỀ TÁC GIẢ

Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, Phạm Văn Đồng về nước tham gia hoạt động cách mạng và bị địch bắt, đày ra Côn Đảo (1929). Năm 1936 ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Phạm Văn Đồng tham gia Chính phủ lâm thời tháng 8 năm 1945 và sau đó liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,...).

Tác phẩm chính: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại; Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh; Văn hoá đổi mới.... Với những công hiến lớn lao đối với đất nước, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.

Phạm Văn Đồng

II. VỀ TÁC PHẨM

1. Hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc được Phạm Văn Đồng viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (3-7-1888). Tác phẩm được in trên Tạp chí Văn học, 7-1963.

2. Nội dung chính

Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc thuộc thể văn nghị luận. Những tư tưởng, thái độ, tình cảm của người viết ở tác phẩm này được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, hùng hồn, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục. Bài viết gồm ba phần:

- Phần một (từ đầu đến "bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm"): Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao sáng trong văn học của dân tộc cần phải được nghiên cứu và đề cao hơn nữa. Phần này nêu cách tiếp cận vừa có tính khoa học vừa có ý nghĩa phương pháp luận đô'i với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu - một hiện tượng văn học độc đáo có vẻ đẹp riêng không dễ nhận ra.

- Phần hai (tiếp theo đến "còn vì văn hay của Lục Văn Tiên"). Phần này được triển khai theo mạch sau:

+ Nét chính về cuộc đời và quan niệm sáng tác văn học của Nguyễn Đình Chiểu người nghệ sĩ coi văn chương là vũ khí chiến đấu bảo vệ chính nghĩa, chống lại kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai. Qua thơ văn, Nguyễn Đình Chiểu cũng cực lực lên án, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa.

+ Nét đặc sắc về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Triển khai ý này, Phạm Văn Đồng khẳng định: thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã "làm sông lại" một thời kì "khổ nhục" nhưng "vĩ đại" của dân tộc. Nó có sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chông ngoại xâm bằng những hình tượng văn học làm rung động lòng người. Tác giả cũng đặc biệt đánh giá cao Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, coi đó là một tác phẩm làm sống dậy một hình tượng chưa từng có trong văn chương thời kì trung đại ở Việt Nam: hình tượng người nghĩa binh nông dân.

+ Giá trị của tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên. Theo Phạm Văn Đồng, Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu. Nó chứa đựng những nội dung tư tưởng gần gũi với quần chúng nhân dân, là "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời", có thể "truyền bá rộng rãi trong dân gian".

- Phần ba (phần còn lại): khẳng định tầm vóc to lớn và vai trò quan trọng của văn chương Nguyễn Đình Chiểu đối với lịch sử văn học dân tộc.

Nguyễn Đình Chiểu

3. Nghệ thuật

- Bài nghị luận có bố cục chặt chẽ, hệ thống lí lẽ vừa sâu sắc vừa mới mẻ, cách lập luận từ khái quát đến cụ thể, kết hợp cả diễn dịch, quy nạp và hình thức "đòn bảy".

- Giọng điệu của bài văn linh hoạt; lời văn giàu tính khoa học, khách quan nhưng vẫn đậm màu sắc biểu cảm bởi hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh và những cảm nhận tinh tế sâu sắc của Phạm Văn Đồng về giá trị thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

4. Chủ đề

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc khẳng định ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu - một người chiến sĩ phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học của ông là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần ấy.

Leave a Reply