Cảm nhận về A Phủ - thân phận "người ở gạt nợ"

Số phận cuộc đời Mị còn diễn tiến gắn với sự xuất hiện của nhân vật chính thứ hai trong tác phẩm, đó là A Phủ.

Nếu như Mị mang vẻ đẹp đặc trưng của những thiếu nữ miền sơn cước thì A Phủ cũng là chàng trai mang vẻ đẹp điển hình của núi rừng. Mang thân phận của những chàng Mồ Côi, chàng Khó trong những truyện cổ dân gian miền núi, A Phủ hiện lên với vẻ đẹp khoẻ mạnh, cường tráng, giỏi lao động. Cùng với vẻ đẹp thể chất là một tâm hồn mạnh mẽ, yêu tự do, yêu sự sống. Chính cuộc sống đơn độc từ tấm bé đã rèn cho chàng tính gan góc chống lại bất công: mới mười tuổi, bị bán xuống vùng thấp, A Phủ trôn lên vùng cao. Hả hê nhất là cảnh A Phủ đánh A Sử - kẻ cậy quyền thế áp bức người dân: "A Phủ xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp". Khi quằn quại dưới những trận mưa roi ở nhà thông lí Pá Tra, A Phủ vẫn im lìm như một tảng đá. Lỡ để hổ bắt mất một con bò nhà thông lí, bị trói đứng ở cột, đêm đến, chàng nhay đứt hai vòng dây mây. Điều đó chứng tỏ ở chàng trai này luôn tiềm tàng sức phản kháng mãnh liệt.

A Phủ

Nhưng chính chế độ phong kiến miền núi bất công, tàn bạo đã thủ tiêu ý chí phản kháng ấy. A Phủ phải chấp nhận làm người ở gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Và cũng không phải ngẫu nhiên, tác giả khắc hoạ kĩ những chi tiết tưởng như đầy mâu thuẫn: trước lời phán xử phi lí của thống lí, bị đánh suốt ngày suốt đêm đến bầm dập, A Phủ vẫn phải "lê hai cái đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù", chân đau bước tập tễnh đi giết lợn; hay khi làm mất bò nhà thông lí, A Phủ phải tự tay "đóng cái cọc gỗ xuống bên cột", lấy cuộn dây mây xuống cho Pá Tra trói. Những chi tiết ấy làm bật lên một hiện thực xót xa: xã hội phong kiến miền núi không chỉ huỷ diệt sức sông, tâm hồn con người mà nó còn "nô lệ hoá" con người một cách cực kì tàn bạo, dã man. Đến một thanh niên mạnh mẽ, cường tráng như A Phủ củng phải chịu cúi đầu trước những thế lực đen tối, bị dồn đến bờ vực của cái chết.

Như một sự soi chiếu với nhân vật Mị, số phận của A Phủ là lời tố cáo sâu sắc chế độ phong kiến miền núi tàn ác đã chà đạp lên số phận và huỷ diệt sức sống của con người.

Và như một lẽ tự nhiên, hai con người cùng cảnh ngộ ấy đã gặp nhau trong một đêm mùa đông vùng núi cao buồn đến tê tái.

Leave a Reply