Phân tích đặc điểm nội dung, đặc điểm nghệ thuật của phần trích tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

I. NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

Nguyễn Tuân (1910 - 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Quê ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại.

Người lái dò Sông Đà là bài tuỳ bút được in trong tập tuỳ bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1960. Thiên tuỳ bút này thể hiện rõ nét đặc sắc của phong cách Nguyễn Tuân. Việc lựa chọn đề tài viết về sông Đà thời điểm đó cũng là một bản lĩnh, vì hồi ấy từ Quỳnh Nhai sang Than Uyên chưa có đường sá thuận lợi. Nhà văn phải xin một con ngựa và một dân quân, đi theo đường mòn đến ba ngày không gặp người đi ngược.

2. Về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

a. Đề tài

Nguyễn Tuân thường chọn những đề tài độc đáo, khác thường, ít được đề cập tới trong văn học sáng tác trước ông. Sông Đà cùng với vùng núi rừng hùng vĩ miền Tây Bắc nước ta và con người nơi đây đã gợi cảm hứng đặc biệt cho nhà văn trong những chuyến đi khoảng 1958 - 1960. Mở đầu thiên bút kí, nhà văn cho biết: "Tôi cũng tự nhận thấy mình là một người đang tìm vàng ở quanh Sông Đà, đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc và nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày này đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc thêm sáng sửa tươi vui và vững bền".

Sông Đà

b. Cảm hứng nghệ thuật

Nguyễn Tuân viết trong thiên bút kí: "Con Sông Đà thật dữ thật lớn và lớn hơn nữa là những người lao động chở đò kéo đò thắng cái thiên nhiên không bình thường của một con sông Tây Bắc hiểm trở". Người lái đò là nhân vật trung tâm của bút kí. Về phong cách, Nguyễn Tuân có thiên hướng chọn những đối tượng phi thường, tìm cái đẹp trong cái phi thường, khác thường. Gợi cảm hứng đặc biệt cho Nguyễn Tuân ở các đối tượng miêu tả đặc biệt này là tính chất đỉnh cao của chúng. Những mẫu người được nhà văn ca ngợi thường là các nghệ sĩ bậc thầy, các quán quân đạt kỉ lục đỉnh cao trong lĩnh vực sống và hoạt động riêng của họ. Ví dụ, trong chuyện lái thuyền vượt thác trên sông thì người lái đò sông Đà đạt được tài nghệ của các bậc quán quân, các nghệ sĩ bậc thầy tưởng như không một ai có thể điêu luyện, tài ba hơn họ được. Trong phần tuỳ bút trước đoạn trích, Nguyễn Tuân kể về thân thế của người lái đò: "Trên dòng Sông Đà, ông xuôi ông ngược hơn một trăm lần, chính tay giữ lái độ sáu chục lần cho những chuyến thuyền then đuôi én sáu chèo... Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than châm câu và những đoạn xuống dòng". Người lái đò này đã quen thuộc với hiểm nguy của ghềnh thác đến nỗi "cũng như người Mèo (người Mông) kêu mỏi chân khi giẫm lên đồng bằng thiếu dốc thiếu đèo", ông bảo rằng: "Chạy thuyền trên khúc sông không có thác, nó dễ dại tay dại chân và buồn ngủ". Một sự giới thiệu rất hấp dẫn, rất gợi về chân dung người lái đò sông Đà.

c. Nghệ thuật diễn tả

Nguyễn Tuân cũng là nghệ sĩ bậc thầy trong thể tuỳ bút, một thể loại văn học mà ông đã chọn lựa cho cả cuộc đời viết văn của mình. Nếu tuỳ bút là kí sự, là thể loại có tính chất ghi chép bao gồm cả tư liệu khảo sát, nghiên cứu về đốì tượng thì các bút kí trong Sông Đà của ông là quán quân, đỉnh cao trong sự phong phú, bề bộn, ngổn ngang của tư liệu. Nếu tuỳ bút cho phép sự tự do trong các liên tưởng, so sánh, trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều, cái nhìn có tính chất khảo cứu tỉ mỉ về đốì tượng, cho phép những chân trời rộng mở nhất của sáng tạo từ ngữ mới, cách diễn đạt mới lạ, không lặp lại thì quả Nguyễn Tuân là bậc thầy có một không hai của lối văn tuỳ bút. Nguyễn Tuân đã dựng cho mình một lâu đài tuỳ bút đặc sắc và là chúa tể của toà lâu đài đó.

II. PHÂN TÍCH

1. Đặc điểm về nội dung

Như tên gọi của thiên tuỳ bút đã ghi rõ, nhân vật chính của tác phẩm này là người lái đò sông Đà. Nguyễn Tuân tận dụng thế mạnh của thể văn tuỳ bút mà ông tạo ra để giới thiệu người lái đò - nghệ sĩ bậc thầy, quán quân đỉnh cao trong nghề chèo lái, vượt thác ghềnh. Đồng thời, ông cũng chứng tỏ tài nghệ tuỳ bút bậc thầy của mình khi đặc tả tài nghệ của người lái đò. Nhưng để cảm nhận được tài nghệ tuyệt vời của một người lái đò sông Đà thì phải đặt nghề chèo lái này vào một hiện thực sông Đà dữ dội, nghiệt ngã tưởng như cũng độc nhất vô nhị trên đời.

a. Sông Đà, một thách đố cho các nghệ sĩ lái đò

Chở đò dọc trên sông Đà là một nghề như dành riêng cho những ai có bản lĩnh, có ý chí, có tài năng. Đừng hi vọng tìm sự thanh nhàn, yên ổn trên dòng sông, nơi người lái đò hằng ngày phải đương đầu với những "cuộc thuỷ chiến", tại "mặt trận Sông Đà", nơi thác nước và đá luôn luôn phôi hợp với nhau để tiêu diệt những con thuyền thiếu tay lái bản lĩnh, tài ba.

Nguyễn Tuân đặc tả, cực tả sự dữ dội, hiểm ác của sông Đà bằng một tổng thể các thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Nhà văn quan sát dòng sông từ nhiều góc độ khác nhau. Ông đi dọc sông Đà, tận mắt quan sát những đoạn thác ghềnh nguy hiểm nhất, ông đã bay trên máy bay ngang quãng sông Đà nhìn xuống và cũng muốn "đưa ông quay phim lên tàu bay "để" phản ánh lên cái dữ tợn và cái lớn của Sông Đà, của thác Sông Đà"; có những cảnh ông dựng lại theo lời kể của người lái đò. Không phải nhà văn không nhìn thấy vẻ thơ mộng của dòng sông này, chính ông viết đây là con sông "hung bạo và trữ tình", nhưng ông vẫn nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh "hung bạo" của nó. Đây là thủ pháp đối lập trong văn học. Để cảm nhận hết tầm vóc "nghệ sĩ" của người lái đò sông Đà dũng cảm, cần thấy được sự dữ dội của dòng sông. Đốì thủ càng cao cường thì chiến thắng càng vẻ vang.

Để tác động mạnh vào trí tưởng tượng của người đọc, Nguyễn Tuân vận dụng thủ pháp nghe và nhìn, đặc biệt là nhìn, là quan sát. Tiếng gầm réo của thác nước sông Đà rất đa dạng, tuỳ theo mỗi khúc sông. Nghe tiếng gầm réo này, ta có cảm tưởng như đây là một con người với đủ cung bậc sắc thái của tình cảm. "Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo". Có lúc, con sông gầm thét, cuồng nộ "như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Một sự liên tưởng bất ngờ mà hợp lí: thử tưởng tượng khi có hàng ngàn con trâu mộng đang bị bỏng giữa rừng tre nứa cháy nổ lốp đôp thì sức mạnh phá hoại, sự hung tợn của chúng đến mức đáng sợ như thế nào.

Quan sát sông Đà từ nhiều góc độ khác nhau là một nét đặc biệt của bút pháp Nguyễn Tuân. Nhà văn công phu tìm được một điểm nhìn thật độc đáo và bất ngờ. Ví dụ: ông tả "cái hút nước" ở quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Những cái hút nước "giông như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu". Thật đáng sợ vì cả những bè gỗ rừng cũng bị cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống, nói gì đến những con thuyền mong manh bé nhỏ sơ ý. Để truyền lại cảm giác lạ lùng sợ hãi cho bạn đọc, nhà văn tưởng tượng một nhà quay phim ngồi dưới đáy giếng hướng máy quay phim ngược lên miệng giếng - cái hút nước đó mà quay cảnh cả khối nước trong như pha lê đang ập xuống người quay phim.

Con sông Đà về mùa xuân có những nét trữ tình, gợi cảm. "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Tuy vậy, đối với người lái đò, không thế' nói nhiều đến sự thơ mộng, trữ tình. Sông Đà hung dữ, nguy hiểm hơn một chú ngựa bất kham nhiều lần. Người lái đò sông Đà đã khuất phục được thác dữ bằng tài nghệ siêu việt của mình. Thác vách đá bày "thạch trận" trên sông. "Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn". Nhà văn cũng cực tả cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa còn sông và người lái đò.

Nét đặc sắc người lái đò sông Đà

b. Cuộc chiến đấu hằng ngày của người lái đò sông Đà

Nguyễn Tuân viết: "Cuộc sống của người lái đò Sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó thành ra diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số' một". Chính vì thế, ông viết Sông Đà.

- Tính chất dữ dội, bạo liệt của sông Đà là do sự phối hợp giữa những thác nước cheo leo hiểm trở và các tảng đá ngầm đá nổi tạo thành. Cuộc chiến đấu của người lái đò trước hết và chủ yếu là phá được "binh pháp của thân sông thần đá", thực chất là nắm vững quy luật cấu tạo và vận hành của luồng thạch, thác đá.

- Trận chiến đấu của thác nước và đá (mà nhà văn gọi là thạch trận) được miêu tả trong thiên tuỳ bút này giống như một trận chiến được bài trí rất công phu, hiểm độc. "Đám táng đám hòn chia làm ba hàng chận ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền". Để vượt qua ba vòng vây này, đòi hỏi sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt và cả khả năng chịu trận. Có những lúc sóng tung cao, đánh mạnh vào hạ bộ người lái đò khiến ông nảy đom đóm mắt. Nhưng sự bình tĩnh, tỉnh táo, phong độ của người lái đò đã giúp anh vượt qua bốn cửa tử để đến một cửa sinh của thạch trận ở vòng vây thứ nhất.

Ở các vòng vây thứ hai và thứ ba, thế trận của thác và đá ở mỗi vòng vây đều có nét riêng, không lặp lại. Ví dụ như cửa sinh ở vòng vây thứ nhất nằm lập lờ phía tả ngạn sông thì cửa sinh ở vòng vây thứ hai lại nằm ở phía hữu ngạn sông, đến chặng thứ ba, cả hai bên tả, hữu ngạn sông đều là cửa tử và cửa sinh lại nằm ở chính giữa sông. Tựa hồ như dòng sông cũng như một kẻ xảo quyệt, thâm hiểm, đặt bẫy tiêu diệt người lái đò, hay nói bằng ngôn ngữ của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, bày thế trận nhử quân địch vào để tiêu diệt. Nếu thuyền lao đúng vào cửa sinh thì người lái đò chiến thắng và ngược lại thì sự thất bại có thể phải trả bằng sinh mạng. Người lái đò "có tự do, vì người lái đò ấy đã nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà"; người lái đò luôn chiến thắng. Và cũng giông như các nghệ sĩ chân chính, các quán quán vô địch, các tài nghệ bậc thầy, người lái đò không xem nghề chở đò sông Đà của mình là việc làm phi phàm. Với họ, đây là công việc hằng ngày. Sau chặng đường vượt thác ghềnh, đến quãng sông nước thanh bình, những nghệ sĩ lái đò ấy chỉ nói về những chuyện cuộc sống hằng ngày. "Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng Ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sông từ lấy cái sống từ tay nhưng cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ". Sự thanh thản sau những thử thách sông còn cũng là một khía cạnh nghệ sĩ, quán quân của người lái đò. Nếu ta liên tưởng đến bài thơ Tây Tiến, thấy ngay là thủ pháp tương phản cũng được tác giả bút kí sử dụng thành công. "Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ông cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh...".

c. Sông Đà "trữ tình"

Sông Đà cũng có lúc thơ mộng, êm đềm. Sau mùa nước lũ, cái mùa mà nước sông đục ngầu sẽ đến mùa xuân, dòng sông xanh màu ngọc bích quý phái chứ không xanh màu xanh canh hến" của sông Gầm, sông Lô. Bằng thực tế quan sát, nhà văn cực lực bác bỏ tên gọi của người Pháp áp đặt cho sông Đà là "dòng sông Đen" (Rivière Noire). Với nhà văn, dù thế nào đi nữa, dù sông Đà dễ thay đổi tính nết, dòng sông này vẫn luôn luôn "gợi cảm", là cố nhân đối với ông.

Những trang viết về vẻ đẹp nguyên sơ, cổ kính của sông Đà thuộc loại những trang viết tài hoa nhất, đậm chất thơ nhất trong bài tuỳ bút: "Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngôn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa".

2. Đặc điểm về nghệ thuật

- Thể tuỳ bút cho phép một sự tự do rộng rãi nhất trong việc bao quát tư liệu và tự do độc thoại của tác giả. Trong phạm vi tư liệu, Nguyễn Tuân có lúc vì trung thành với nguyên tắc "đỉnh cao" của ông mà không ngần ngại đi tới cùng kiệt của lối văn tư liệu khảo cứu điều tra đến nỗi có cảm tưởng là sau thiên tuỳ bút này, không có một nhà văn nào có thể tìm tòi được tư liệu nào hơn ông khi khảo về sông Đà. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều lúc đọc ông, người đọc có cảm tưởng "sốt ruột" vì tư liệu bề bộn.

Thể tuỳ bút cũng cho nhà văn một sự tự do vô bờ trong suy ngẫm, liên tưởng, so sánh. Nhà văn đã huy động một kho tri thức phong phú với vốn học vấn uyên bác, một vốn sống đa dạng, một khả năng quan sát tinh nhạy, một trí tưởng tượng phóng túng trong việc dùng nên một thế giới nghệ thuật về sông Đà kì vĩ, hoành tráng.

- Đọc Người lái đò Sông Đà cũng như các thiên tuỳ bút khác của Nguyễn Tuân, dễ có cảm giác bất ngờ: bất ngờ trước một cách tả cảm giác rất độc đáo: tưởng tượng một người quay phim cầm máy quay bị hút xuống "cái hút" của sông Đà, ngồi dưới đáy quay ngược lên như cảm giác người xem "lấy gân" ghì chặt lấy ghế; bất ngờ trước một sự so sánh (ví dụ về chuyện có quãng sông Đà vách đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu "Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy đáng mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện"); bất ngờ trước sự liên tưởng (để nói về sự vắng lặng của những đoạn sông Đà ban đêm, ông "thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu". Chú ý: Đến nay vẫn chưa có tuyến đường sắt ấy); bất ngờ trước lối tạo từ mới đặc sắc và là sở trường của nhà vàn (Ví dụ: thạch trận, màu xanh canh hến, bờ sống hoang dại như một bờ tiền sử, màu nắng tháng ba Đường thi,...). Đặc sắc của tuỳ bút Nguyễn Tuân còn tiếp tục được nghiên cứu, phân tích, nhưng có thể khẳng định rằng nhà văn đã tạo dựng được một phong cách riêng đặc sắc, độc đáo của mình trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Ngôn ngữ tuỳ bút của Nguyễn Tuân đầy sáng tạo, một trong những nhân tố đem lại sự hấp dẫn cho người đọc.

Đọc Người lái đò Sông Đà, chúng ta thêm yêu đất nước tươi đẹp, hùng vĩ ngàn đời của ta, chúng ta thêm hiểu những kì tích lao động sáng tạo của nhân dân ta. Ta không thể không nói lời biết ơn Nguyễn Tuân đã giúp ta nuôi dưỡng được tình cảm tốt đẹp đó.

Leave a Reply