Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

CÁC Ý CHÍNH

Rừng xà nu là truyện ngắn xuất sắc nhất của tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Tác phẩm này được sáng tác năm 1965 và được công bố lần đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung, số 2/1965. Nội dung câu chuyện là cuộc nổi dậy, quyết tâm đánh giặc giữ làng của những người dân làng Xô Man, trong thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất.

Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

1. Nhan đề Rừng xà nu gợi mở về một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, về một khu rừng có loài cây đặc biệt là biểu tượng về Tây Nguyên bất khuất, kiên cường không khuất phục trước kẻ thù tàn bạo. Với Rừng xà nu, một lần nữa, Nguyên Ngọc lại trở về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ với những con người kiên cường, bất khuất, dũng cảm. Ông đã có công đưa Tây Nguyên vào văn chương hiện đại Việt Nam. Chủ đề “đất nước đứng lên” lại xuất hiện ở đây với mục đích cắt nghĩa, lí giải con đường mà dân tộc đã chọn.

Các tác phẩm tiêu biểu của Nguyên Ngọc như: Đất nước đứng lên, Rẻo cao, Rừng xà nu, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Đất Quảng giúp người đọc hình dung được diện mạo văn chương Nguyên Ngọc, cho thấy cảm hứng chủ đạo của Nguyên Ngọc là tình yêu mãnh liệt với những người con đã quên mình cho quê hương, xứ sở và muôn ngàn gian khổ khó khăn mà người dân miền núi phải chịu đựng.

Nguyên Ngọc mở đầu câu chuyên bằng một thước đo khoảng cách đáng sợ: “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc” mà khi giặc bắn: “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Khoảng cách được giới thiệu ngay từ đầu như vậy nhằm gợi mở tính chất đối đầu căng thẳng giữa địch và ta. Đây là làng giáp ranh với vùng địch đang kiểm soát, do đó, cũng là mảnh đất sẽ phải hứng chịu những cuộc đàn áp, bắn giết dã man của giặc. Con người ở đây muốn tồn tại và để tồn tại cũng phải có tính cách quyết liệt phi thường có cứng mới đứng đầu gió.

Khi miêu tả cảnh rừng xà nu luôn “ở trong tầm đại bác”“Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy khiến cho “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”, Nguyên Ngọc muốn chỉ ra sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, sự sinh tồn đang đứng trước mối đe doạ huỷ diệt, tạo ra biểu tượng đau thương qua cảnh rừng xà nu ngày nào cũng bị bắn phá, tính chất dữ dội của cuộc sống nơi đây.

Thủ pháp tu từ nhân hoá đã được Nguyên Ngọc dùng để tái hiện nỗi đau thương nhiều vẻ của khu rừng xà nu hằng ngày bị địch bắn phá. Những khía cạnh sau đây cho thấy rõ nỗi đau ấy, nỗi đau xót xa qua cái chết của những cây xà nu non, như trẻ thơ mà “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành dược, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”; nỗi đau đột ngột, cái chết bất ngờ của những cây xà nu, như con người chết giữa tuổi thanh xuân, “bị chặt đứt ngang nửa thân minh, đổ ào ào như một trận bão”; nỗi đau thương tật suốt đời đối với những cây xà nu cường tráng mà đại bác không giết nổi và “vết thương của chúng chóng lành”.

Bên cạnh việc tái hiện sự đau thương của khu rừng xà nu, Nguyên Ngọc còn cho thấy đây là loài cây sinh sôi nảy nở rất khoẻ, tốc độ tái sinh rất nhanh: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Loài cây xà nu mọc thành rừng, nương tựa vào nhau, chen chúc nhau để cùng sống. Những cây xà nu ham ánh sáng, nên chúng “phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”.

Hình ảnh rừng xà nu được Nguyên Ngọc miêu tả sinh động, đầy chất thơ. Cách miêu tả như vậy cho phép những liên tưởng sự sống là bất diệt, sự sống luôn luôn vượt lên và chiến thắng cái chết, qua đó cho thấy sức mạnh lạ kì của một loài cây đặc trưng của rừng Tây Nguyên. Kẻ thù gây cho rừng xà nu bao đau thương nhưng không bao giờ huỷ diệt được nó.

Cây xà nu gắn với cuộc sống ngàn đời nay của dân làng Xô Man

Hình ảnh cây xà nu xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Điều đó được thể hiện ở sự trùng lặp của hình ảnh rừng xà nu “nối tiếp tới chân trời” ở phần mở đầu và kết thúc câu chuyện. Cây xà nu gắn với cuộc sống ngàn đời nay của dân làng Xô Man, luôn có mặt trong các sự kiện buồn, vui, trọng đại của làng Xô Man.

Khi miêu tả rừng xà nu, Nguyên Ngọc luôn đặt nó trong sự chiếu ứng với con người. Con người Xô Man và rừng xà nu gắn bó chặt chẽ với nhau, tôn tạo, bảo vệ và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sự hoà nhập giữa con người và thiên nhiên. Sức sống của rừng xà nu cũng chính là biểu tượng bất khuất của con người Xô Man, tạo ra truyền thống tiếp nối trong đấu tranh giữ làng giữ nước, theo cách thức “tre già măng mọc”, mang phẩm chất thời đại “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

2. Cốt truyện của Rừng xà nu gồm hai câu chuyện đan cài vào nhau. Đó là chuyện về cuộc đời Tnú và chuyện về cuộc nổi dậy đồng loạt của dân làng Xô Man, “là truyện của một đời và kể trong một đêm”.

Truyện ngắn Rừng xà nu có hai lớp thời gian: thời gian kể chuyện và thời gian của các sự kiện được kể. Thời gian kể chuyện diễn ra từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Thời gian của các sự kiện được kể có độ dài gắn với cuộc đời Tnú từ khi là một chú bé đến khi Tnú là một anh bộ đội giải phóng về thăm làng.

Câu chuyện được dẫn dắt qua sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, kéo quá khứ về hiện tại.

Tương ứng với cách kể đó, Nguyên Ngọc sử dụng phối hợp hai điểm nhìn của hai người kể là cụ Mết và người kể ở ngôi thứ ba vô hình.

Truyện ngắn Rừng xà nu, cũng như phần lớn các truyện gắn với thời kì kháng chiến, đều xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập gay gắt: cách mạng và kẻ thù của cách mạng.

Nhân vật Tnú là kiểu nhân vật anh hùng lí tưởng. Điều đó được tác giả khắc hoạ bằng các chi tiết Tnú đã sớm đi theo cách mạng, không phải định hướng tìm đường. Tnú sớm học chữ để làm cán bộ cách mạng. Tnú đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng bí mật.

Nhân vật Tnú là hình tượng kế tiếp ở mức cao hơn các hình tượng trước đó về người dân miền núi như Núp (trong Đất nước đứng lên) hay A Phủ (trong Vợ chồng A Phủ).

Tính chất cao hơn ấy được thể hiện ở điểm Tnú không phải trăn trở tìm đường như anh hùng Núp. Tnú không phải chịu muôn vàn đau khổ, gian truân trước khi đến với cách mạng như A Phủ.

Khi không bắt được Tnú, bọn giặc bắt và giết chết Mai và con anh. Tnú đã xông vào kẻ thù và kết quả anh bị giặc bắt, bị trói và đốt hai bàn tay bằng chính nhựa cây xà nu. Nguyên nhân của tấn bi kịch ấy là vì Tnú nóng lòng sốt ruột muốn cứu vợ con, vì Tnú không có vũ khí để trừng trị kẻ thù, vì dân làng Xô Man cũng không có vũ khí nên không cứu được Tnú. Câu chuyên bi tráng về cuộc đời Tnú được cụ Mết nhắc đi nhắc lại như một bài học lịch sử không chỉ cho Tnú mà còn cho tất cả dân làng.

Con người Xô Man

Bài học từ tấn bi kịch của Tnú là không được manh động trước kẻ thù, phải biết đồng tâm hợp sức để chống giặc được chỉ ra qua lời của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo’’. Hình ảnh cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng tạo ra sự kế tục liên tiếp không ngừng của các thế hệ người dân Xô Man, cũng tương tự như hình ảnh rừng xà nu, cây này ngã xuống lại có các cây con khác mọc lên. Đây cũng là sự kiên cường bất khuất của con người Tây Nguyên nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Chân lí đó đã được chứng minh qua hình ảnh ngọn lửa từ hai bàn tay Tnú sẽ trở thành sức mạnh tạo ra đêm đồng khởi của dân làng Xô Man. Hình ảnh Mai sẽ tồn tại trong dân làng, trong lòng Tnú qua Dít, người em gái của Mai, qua hình ảnh bé Heng với một tương lai sáng sủa.

3. Hình ảnh rừng xà nu xuyên suốt tác phẩm, gắn quyện với hình ảnh Tnú. Mối quan hệ giữa hai hình tượng rừng xà nu và Tnú bổ sung và hoàn chỉnh cho nhau. Con người sẽ bảo vệ rừng cũng như rừng sẽ bảo vệ dân làng, do đó, phải cầm vũ khí đứng lên để bảo vệ sự sống, bảo vệ mình và bảo vệ rừng.

Truyện ngắn Rừng xà nu tái hiện một thời kì lịch sử đau thương của dân tộc. Vấn đề lịch sử được đặt ra trong thời kì ấy là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm. Một quan điểm chấp nhận lùi từng bước trước kẻ thù theo cách trường kì mai phục chờ thời cơ. Một quan điểm kêu gọi cầm vũ khí đứng lên để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ mình, cho dù không cân sức về nhiều mặt (giáo >< súng). Truyện ngắn này đã chỉ ra con đường chúng ta cần đi và phải đi.

Truyện ngắn Rừng xà nu mang trong nó tiếng nói của lịch sử và thời đại. Tiếng nói ấy phản ánh những biến cố mang ý nghĩa trọng đại đối với đất nước, đối với dân tộc. Thông qua việc tái hiện hình ảnh rừng xà nu và những con người Xô Man bất khuất, Nguyên Ngọc hướng tới tái hiện lí tưởng và khát vọng độc lập tự do của dân tộc.

Truyện ngắn Rừng xà nu mang hình thức sử thi hoành tráng. Tính chất ấy được thể hiện qua các hình ảnh được miêu tả có tầm vóc và quy mô sử thi lớn lao hùng vĩ, qua âm hưởng hào hùng của câu chuyện, kết hợp với lời kể trang trọng, giàu hình ảnh, giàu khả năng tạo hình và biểu cảm. Lời kể giàu nhạc tính, thể hiện tính chất tôn vinh, giọng điệu ngợi ca, tha thiết trữ tình. Câu chuyện được tổ chức theo hình thức kể khan của sử thi Tây Nguyên.

Chủ đề của truyện ngắn Rừng xà nu là chân lí về con đường giải phóng của quần chúng trong thời đại cách mạng qua lời phát ngôn trực tiếp của cụ Mết, người đại diện cho truyền thống cộng đồng: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu [...].

Đề tài của truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện về số phận và con đường giải phóng của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên, đồng thời cũng là câu chuyện về số phận và con đường chiến đấu để tự giải phóng của nhân dân miền Nam, của dân tộc Việt Nam.

4. - Tính sử thi là nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành. Tính sử thi được thể hiện qua việc hướng vào hệ đề tài lịch sử cộng đồng, dân tộc và nhân dân. Hệ thống các nhân vật được lựa chọn để miêu tả có tính chất tiếp nối thế hệ, thành truyền thống đấu tranh. Nghệ thuật trần thuật thể hiện qua cách kể trang trọng, thành kính của một già làng bên bếp lửa kể cho con cháu nghe lịch sử của làng mình, dân tộc mình. Trong ngôn ngữ của dân tộc Dẻ (Strá), cái tên Tnú có nghĩa là: người tài giỏi, người anh hùng của bộ lạc.

- Nhân vật Tnú, nhân vật trung tâm của truyện ngắn Rừng xà nu, tiêu biểu cho vẻ đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ và bất khuất kiên cường. Đây cũng là nhân vật thuộc dân tộc ít người, qua ngòi bút Nguyên Ngọc, có được một vẻ đẹp riêng góp vào bức tranh đa sắc màu của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

- Vẻ đẹp của Tnú trước hết là vẻ đẹp của con người miền núi chân thành, thật thà. Điều đặc biệt ở Tnú là người thanh niên miền núi được giác ngộ lí tưởng ngay từ đầu.

Đối với dân làng Xô Man, cây xà nu là người bạn thân thiế

- Vẻ đẹp của Tnú hiện ra bất khuất, kiên cường, dũng cảm trong cuộc đối đầu trực diện với kẻ thù, cắn răng chịu đựng không khai, không đầu hàng. Hình ảnh Tnú bị kẻ thù dùng nhựa cây xà nu đốt cháy mười ngón tay gây nhiều xúc động cho mọi người. Ngọn lửa cháy trên mười đầu ngón tay của anh mang ý nghĩa biểu tượng, trở thành ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho mọi hành động.

- Vẻ đẹp của Tnú mang tính sử thi qua cách tạo dựng tình huống và cách thức hành động của nhân vật. Cuộc đấu tranh mà nhân vật theo đuổi là cuộc đấu tranh vì quyền lợi cộng đồng, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhân vật Tnú không tính toán so đo nhiều khi hành động, đối với kẻ thù thì phải chống lại chúng, phải tiêu diệt chúng, quyết tâm không để chúng làm hại bản làng, chà đạp giày xéo quê hương.

- Vẻ đẹp của Tnú tạo ra khả năng kích thích, lôi cuốn những người khác, tạo ra cuộc đấu tranh liên tiếp của nhiều thế hệ, với truyền thống bất khuất, vẻ đẹp ấy mang tính chất tự hào kiêu hãnh như rừng cây xà nu, một cây ngã xuống lại có bốn năm cây mọc lên, tất cả đều vươn thắng, đón ánh nắng mặt trời, đón cuộc sống tự do.

- Vẻ đẹp của Tnú còn thể hiện qua tình chồng vợ thuỷ chung, biết nuôi dưỡng mối thù mà bọn giặc gây ra cho bản thân, cho gia đình, cho làng xóm. Vẻ đẹp ấy cũng thể hiện tình nghĩa đồng bào gắn bó keo sơn. Tnú chiến đấu, chấp nhận mọi đau đớn để cho dân làng thấy được lẽ phải, để cho bản làng được tự do.

- Vẻ đẹp của con người trong tác phẩm được gắn kết với vẻ đẹp của tự nhiên, của rừng xà nu. Vẻ đẹp mang tính biểu tượng của rừng xà nu tôn tạo cho vẻ đẹp kì vĩ của con người nơi đây. Rừng xà nu là cái nền, làm nổi bật bức tượng đài bằng da bằng thịt của Tnú với mười ngón tay bốc lửa.

Đây là một hình ảnh đẹp của Tây Nguyên hùng vĩ và bất khuất, là sự trưởng thành của nhận thức về chân lí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

5. Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn mình với Tây Nguyên trong suốt hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc. Ông trở thành nhà văn của Tây Nguyên bất khuất hùng vĩ. Tác phẩm Rùng xà nu ra đời năm 1965, thời điểm mà đế quốc Mĩ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Tác phẩm đã tái hiện cuộc đấu tranh bất khuất của dân làng Xô Man trong cuộc đối đầu đầy gian lao thử thách. Hình tượng cây xà nu là một thành công quan trọng trong nghệ thuật miêu tả của tác giả, góp phần vào thành công chung của tác phẩm.

- Việc miêu tả thiên nhiên, cỏ cây hoa lá vốn rất thường gặp trong các tác phẩm văn học, nhưng chọn cây con nào để miêu tả lại thuộc ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đây là sự lựa chọn có chủ ý chứ không phải ngẫu nhiên. Cây xà nu là một loài cây thuộc họ thông mọc nhiều ở Tây Nguyên. Chọn cây xà nu cũng nằm trong mạch biểu tượng về cây thông, cây tùng trong truyền thống văn học dân tộc, bởi vì cây thông, cây tùng, hay cây xà nu đều biểu tượng cho sự kiên cường, cho tính cách cao đẹp, trong văn học cổ gắn với người quân tử còn trong tác phẩm của Nguyên Ngọc gắn với Tây Nguyên bất khuất. Hình tượng cây xà nu xuyên suốt tác phẩm và trở thành tên gọi mang tính chất biểu tượng của tác phẩm: Rừng xà nu.

- Trước hết cây xà nu là loại cây đặc trưng của miền rừng núi Tây Nguyên. Cây xà nu mọc thành rừng bát ngát, ngời ngời sức sống, nối tiếp nhau chạy mãi tới chân trời tạo ra bức trường thành Tây Nguyên xanh hùng vĩ, bí ẩn, hoang sơ nhưng rất thân thiện với con người, song, cũng là đối thủ khó chơi mà kẻ thù luôn luôn sợ hãi.

- Đối với dân làng Xô Man, cây xà nu là người bạn thân thiết. Cây xà nu hiện diện trong mỗi nhà, trong mỗi công việc của họ. Làm nhà cũng bằng cây xà nu, đốt lửa cũng dùng nhựa xà nu, đến làm bảng đen để học chữ cũng có đóng góp của cây xà nu. Cây xà nu không chỉ cùng sống cùng chết với người dân Xô Man mà còn cùng chịu mọi tổn thất mà kẻ thù tàn bạo gây ra, còn là chứng nhân không biết nói nhưng rất có tình của người dân Xô Man. Thương tích mà rừng xà nu mang trên mình, trên mỗi thân cây, trên mỗi nhành lá cũng chính là những vết thương trên người của dân làng Xô Man. Cây xà nu khi bị thương ứa ra những dòng nhựa như máu người chảy dọc theo những vết thương mà kẻ thù gây ra. Cây xà nu, do đó, trở thành biểu tượng của Tây Nguyên đau thương và anh dũng trong thời kì thử lửa ác liệt nhất, thời kì cả dân tộc phải chọn con đường cầm vũ khí đứng lên để tiêu diệt kẻ thù mà không còn con đường nào khác.

- Rừng cây xà nu tồn tại trong lửa đạn một cách kì diệu, bởi sức mạnh thần kì của nó. Cây xà nu, dù có chết cũng chết trên đất rừng Tây Nguyên, cũng như con người Xô Man, dù có ngã xuống thì máu của họ cũng làm sống lại mảnh đất Xô Man. Sức sống của cây xà nu cũng như của dân làng Xô Man là bất diệt. Sức mạnh căm thù của con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cụ Mết sang Tnú, từ Tnú sang Mai, Dít rồi truyền tới Heng,... cũng như cây xà nu, cây này ngã xuống cây khác lại mọc lên, không ngừng, như cuộc sống vẫn vươn dậy đương đầu với mọi thử thách ác liệt để tồn tại và phát triển.

- Nếu hình ảnh của Tnú, của dân làng được miêu tả bằng bút pháp sử thi thì hình ảnh cây xà nu cũng nằm trong nghệ thuật miêu tả ấy. Điều đó được thể hiện qua sức sống kì diệu của loài cây này mà theo tác giả thì cứ một cây ngã xuống lại có bốn năm cây con khác mọc lên. Đây là hình thức sinh trưởng thần kì mang tính chất huyền thoại, sinh trưởng theo cấp số nhân, bằng sự đa bội hoá, bằng sự phi thường. Loài cây xà nu còn mang đặc điểm khác thường, đó là “ham ánh sáng” mà có thể hiểu ánh sáng ở đây là chính nghĩa, là chân lí, là độc lập, tự do, cây mọc thẳng vươn lên không trung như một mũi tên để đón ánh nắng mặt trời. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của Tây Nguyên, đồng thời cũng cho thấy sự đoàn kết, trăm ngàn người như một của mảnh đất này trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Rừng xà nu vừa được đặc tả theo từng cây cụ thể, vừa được miêu tả chung như một khu rừng, vừa được nhìn từ xa, vừa được miêu tả cận cảnh. Cách miêu tả được tái hiện qua sự cảm nhận đồng thời của nhiều giác quan: thị giác, khứu giác, vừa rất cụ thể vừa mang tính khái quát. Đặc biệt cây xà nu luôn luôn được đặt trong quan hệ tương đồng với con người, được nhìn nhận qua các biện pháp ẩn dụ, nhân hoá, tượng trưng, qua đó rừng xà nu hiện lên với vẻ đẹp kì vĩ, khác thường. Cách miêu tả đó gợi nhiều suy tưởng về con người Tây Nguyên nói chung và về dân làng Xô Man nói riêng. Giọng điệu trữ tình với những từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm đã tạo ra sức mạnh quyến rũ người đọc.

Nguyên Ngọc đã rất thành công trong việc miêu tả rừng xà nu, tạo ra vẻ đẹp bất khuất vừa của thiên nhiên vừa của con người Tây Nguyên. Chất thơ và chất sử thi hoà quyện vào nhau tạo ra phong cách văn xuôi trữ tình giàu chất triết lí của nhà văn này.

Leave a Reply