Hãy viết một đoạn văn 200 từ, trình bày ý kiến về câu ngạn ngữ Hi Lạp: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

GỢI Ý

- Câu văn tổng quát về giá trị của việc học.

- Lập luận:

+ Quá trình học tập rất vất vả (rễ đắng cay)

+ Sự vượt khó để có thành quả (quả ngọt ngào)

- Mỗi cá nhân cần thiết phải nỗ lực mới có thành công.

BÀI LÀM

Học là quá trình cả đời phấn đấu mà bể học là vô tận, mênh mông. Nhưng không phải cứ muốn học thì có thể thành tài ngay được mà trước hết phải vật lộn với muôn vàn khó khăn ban đầu thì từ từ ta mới có thể học lên cao nữa và gặt hái được nhiều thành quả hơn. Chẳng thế mà ngạn ngữ Hi Lạp đã có câu: Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào.

Cái rễ của học hành thì cay đắng nhưng quả của nó thì ngọt ngào

Học hành là quá trình ta tích luỹ, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của biết bao thế hệ đi trước để lại, biến nó thành của mình rồi áp dụng vào thực tiễn hoặc mở rộng, đào sâu hon những kiến thức đó. Cái rễ đắng cay của học hành là những khó khăn, trở ngại mà con người ta vấp phải khi bắt đầu tiếp cận với những nguồn tri thức mới. Còn cái quả ngọt ngào của nó là những thành công ta gặt hái được sau một quãng đường dài ráng công học tập. Để có thể hiểu rõ hơn câu ngạn ngữ trên, chúng ta hãy tưởng tượng cây muốn đứng vững thì rễ cây phải bám sâu từng chiếc rễ nhỏ xuống lòng đất, nhưng để có được một chiếc rễ to và chắc khoẻ như thế thì không hề đơn giản. Từ đó ta có thể hiểu được ý nghĩa của câu ngạn ngữ này là: nếu chúng ta có cố gắng, có quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để học tập thì chúng ta sẽ thu được những kết quả mĩ mãn như mong đợi. Thành quả luôn khiến người ta khao khát nhưng muốn với tới nó, ta phải trải qua rất nhiều đắng cay. Chính vì vậy, không bao giờ được nản chí, hãy cố gắng phấn đấu hết mình, chúng ta sẽ thấy khả năng của mình là vô hạn, không gì là không thể đạt được cả.

Leave a Reply