Văn nghị luận: Bàn luận về phép học (Luận học pháp)

I. Giới thiệu một vài nét về Nguyễn Thiếp và thể văn cổ: tấu

1. Tác giả

Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự là Khải Xuyên, hiệu là Lạp Phong Cư Sĩ. Người đời mến mộ Cụ, nên gọi là La Sơn phu tử hay La Sơn tiên sinh.

Nguyễn Thiếp quê ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện Căn Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tư chất thông minh, tài cao, đức trọng. Sau khi đỗ Hương Cống (Cử nhân), Nguyễn Thiếp ra làm quan trên 10 năm, Cụ từ quan, dựng am trên núi Thiên Nhẫn, sống cuộc đời ẩn dật. Vua Quang Trung rất kính ái và trọng vọng Nguyễn Thiếp; nhiều lần tặng lụa và vàng bạc, nhưng Cụ đều đa tạ và chối từ.

Nguyễn Thiếp để lại khoảng 100 bài thơ, bài văn, phần lớn bằng chữ Hán, trong đó có trên 10 bài tấu, khải, tựa, kí, thư từ. Nhà sử học Phan Huy Chú khi bình phẩm về thơ Nguyễn Thiếp, đã viết: "... thơ thanh nhã, lí thú thung dung, thực là lời nói của người có đức".

Bài tấu "Luận học pháp" (Bàn luận về phép học), các bài thơ: "Vũ trung vọng cố hương" (Trong mưa nhìn quê cũ), "Phù Thạch phùng lão ngư" (Gặp ông già đánh cá ở Phù Thạch),... đã thể hiện tấm lòng ưu ái của Cụ.

Nguyễn Thiếp

2. Tấu là gì?

Tấu có nghĩa là tâu với vua; tờ trình dâng lên vua. Tấu là một thể văn cổ, thuộc loại nghị luận, ngôn từ trang trọng, khúc chiết, hùng biện, thường viết theo lối biền ngẫu (có đối).

"Luận học pháp" là bài tấu của Nguyễn Thiếp gửi lên vua Quang Trung vào tháng 8 năm 1791 bày tỏ 3 điều: Quân đức (đức độ của vua), dân tâm (lòng dân), học pháp (phép học). Đó là kế hoạch dựng nước: xây nền thịnh trị, thái bình. Có thể nói đó là những lời tâm huyết của một kẻ sĩ chân chính hết lòng vì vua, vì nước, vì dân.

II. Phân tích "Bàn luận vé phép học" của Nguyễn Thiếp

"Bàn luận về phép học" là đoạn văn trích từ bài tấu của Nguyễn Thiếp gửi vua Quang Trung vào tháng 8.1791. Lúc bấy giờ Nguyễn Thiếp đang làm Viện trưởng viện Sùng Chính, phụ trách việc biên soạn sách và xây dựng Trung đô Phượng Hoàng (Nghệ An), một công việc vô cùng to lớn và hết sức nặng nề.

Bài tấu này thể hiện cái tâm của Nguyễn Thiếp đối với việc chấn hưng nền quốc học, nền giáo dục nước nhà, nhằm mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Các vấn đề như mục đích việc học, nội dung học tập và phương pháp học tập đã được Nguyễn Thiếp trình bày một cách ngắn gọn và tường tận.

Mở đầu, ông nhắc lại câu cổ ngữ: "Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo". Vậy mục đích học là biết "lẽ đối xử hàng ngày giữa mọi người". Nói cách khác, học để mở mang trí tuệ và bồi bổ đạo đức. Đạo mà Nguyễn Thiếp nói đến là đạo làm người. Ông than phiền "nền chính học đã bị thất truyền". Có biết bao tệ lậu đáng chê trách như "đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi", coi thường đạo lí "không còn biết đến tam cương, ngũ thường". Nhà dột từ nóc: "Chúa trọng nịnh thần". Ví dụ, cuối thời Lê - Trịnh, tệ nạn buôn quan bán tước hoành hành. Sử sách cho biết: năm 1750, đời vua Lê Hiển Tông, vì Nhà nước thiếu tiền, đã đặt ra lệ thu tiền thông kinh: hễ ai nộp ba quan thì được đi thi hương, không phải khảo hạch. Thành ra những người làm ruộng, đi buôn, ai cũng nộp quyển vào thi; rồi người thì dùng sách, kẻ thì thuê người làm bài; kẻ thuê học mười người không được một (theo Dương Quảng Hàm). Sống trong thời kì đen tối, loạn lạc ấy, Nguyễn Thiếp vô cùng đau buồn, thở than: "Nước mất nhà tan đều do những điều tệ hại ấy". Nguyễn Thiếp đã có một cách nói trầm tĩnh, ôn hòa mà sâu sắc.

Bàn luận về phép học

Phần thứ hai, tiên sinh nói đến nội dung và phương pháp học tập. Học ở đâu? - Trường học của phủ, huyện, các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại "đều tuỳ đâu tiện đấy mà đi học". Học cái gì? Tác giả bài tấu cho hay: "Nhất định theo Chu Tử" (1130 - 1200). Một học giả đời Nam Tống. Nội dung học tập: "Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kình, chư sử". Điều đó cho thấy, nội dung học tập mà Nguyễn Thiếp nêu lên không có gì mới, ông chưa vượt qua được những hạn chế của lịch sử và của thời đại. Sách Tàu đã mấy nghìn năm vân được tôn thờ! Vẫn coi trọng thơ văn, chưa hướng tới khoa học.

Về phương pháp học, ý kiến của Nguyễn Thiếp rất xác đáng và tiến bộ. Coi trọng vấn đề thiết yếu cơ bản: "Học rộng rồi tóm lược cho gọn". Học phải đi đôi với hành "theo điền học mà làm". Niềm mong ước của ông rất đẹp và chân thành: "Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua".

Tiên sinh đã khẳng định tầm quan trọng của đạo học, ý nghĩa to lớn của đạo học: "Đạo học thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình ngay ngắn mà thiên hạ thịnh trị". Đúng là việc học góp phần đào tạo nhân tài, mở mang dân trí, góp phần xây dựng đất nước thịnh trị. Chiến lược "trồng người" được tiên sinh nói lên thật sáng tỏ.

Phần cuối, Nguyễn Thiếp giãi bày lòng mình. Bài tấu nói về phép học là những lời "thành thật", chứ không phải "lời nói vu vơ", ông khiêm tốn và cung kính "cúi mong Hoàng thượng soi xét".

Học hành

Nguyễn Thiếp đức trọng tài cao, được người đương thời kính ái gọi là La Sơn phu tử. Tài năng của ông chưa kịp thi thố, thì vua Quang Trung băng hà. Ông đã từ chức và lui về núi cũ rừng xưa ở ẩn. Ông đã qua đời năm 81 tuổi, thanh bạch và thanh cao. Bài tấu "Bàn luận về phép học" với những ý kiến của tiên sinh về mục đích học tập, phương pháp học tập rất đúng đắn tiến bộ. về nội dung học tập, ý kiến của tiên sinh chưa vượt qua được hạn chế của lịch sử và thời đại. Có điều, nhiệt tâm của La Sơn phu tử đối với nước, với dân, đối với sự nghiệp trồng người đã để lại nhiều ngưỡng mộ cho hậu thế.

Leave a Reply