Văn nghị luận: Tức nước vỡ bờ

I. Giới thiệu một vài nét về Ngô Tất Tô và tác phẩm "Tắt đèn"

1. Tác giả

Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở Lộc Hà, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Là một nhà nho, một nhà báo, một nhà văn, một học giả; ở các lĩnh vực văn chương, báo chí, dịch thuật, khảo cứu, ông đều có thành tựu xuất sắc.

Tác phẩm gồm có:

- Tiểu thuyết: Tắt đèn, Lều chõng;

- Phóng sự: Việc làng;

- Hàng ngàn bài báo (tạp văn);

- Nghiên cứu, dịch thuật: Kinh Dịch, Lão Tử, Mặc 'Tử, Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn học thời Lí, Văn học thời Trần,...

- Ngô Tất Tố đã sớm tham gia cách mạng và kháng chiến; suốt trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông sống và hoạt động văn hóa, báo chí tại chiến khu Việt Bắc.

Hình ảnh chị Dậu

2. Xuất xứ chủ đề

Ngô Tất Tố viết "Tắt đèn" năm 1939, thời kì Mặt trận dân chủ Đông Dương. Qua cuộc đời nghèo khổ, thương tâm của vợ chồng, con cái chị Dậu, tác giả vạch trần chế độ sưu thuế dã man của thực dân Pháp, lên án bộ mặt bỉ ổi của bọn địa chủ, quan lại tay sai, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà nhà quê lam lũ. "Tắt đèn" là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì 1930 - 1945.

3. Tác phẩm "Tắt đèn"

Câu chuyện trong "Tắt đèn" diễn ra trong một vụ đốc sưu, đốc thuế ở một làng quê - làng Đông Xá dưới thời Pháp thuộc, cổng làng bị đóng chặt. Bọn hào lí và lũ tay chân với roi song, dây thừng, tay thước, nghênh ngang đi lại ngoài đường thét trói kẻ thiếu sưu. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và nổi lên suốt đêm ngày.

Sau 2 cái tang liên tiếp (tang mẹ chồng và tang chú Hợi), gia đình chị Dậu tuy vợ chồng "đầu tắt mặt tối" quanh năm mà vẫn "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc", đến nay đã "lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh". Anh Dậu lại bị trận ốm kéo dài mấy tháng trời... Không có tiền nộp sưu, anh Dậu đã bị bọn cường hào "bắt trói như trói chó để giết thịt". Chị Dậu tất tả ngược xuôi chạy vạy, phải đứt ruột bán đứa con gái đầu lòng và ổ chó cho vợ chồng Nghị Quế để trang trải "món nợ Nhà nước". Lí trưởng làng Đông Xá bắt anh Dậu phải nộp suất sưu cho chú Hợi đã chết từ năm ngoái vì "chết cũng không trốn được nợ nhà nước". Bị ốm, bị trói, bị đánh... anh Dậu bị ngất đi, rũ như xác chết, được khiêng trả về nhà. Sáng sớm hôm sau, khi anh Dậu còn "ốm rề rề" đang nghển cổ húp cháo thì tay chân bọn hào lí lại ập đến. Chúng lồng lên chửi mắng, bịch vào ngực và tát đánh bốp vào mặt chị Dậu. Chị Dậu van lạy chúng tha trói chồng mình. Nhưng tên cai lệ đã gầm lên, rồi nhảy thốc vào trói anh Dậu khi anh Dậu đã lăn ra chết ngất. Chị Dậu nghiến hai hàm răng thách thức, rồi xông vào đánh ngã nhào tên cai lệ và tên hầu cận lí trưởng, những kẻ đã "hút nhiều xái cũ".

Chị Dậu bị bắt giải lên huyện. Tri phủ Tư Ân thấy Thị Đào có nước da đen giòn, đôi mắt sắc đã giở trò bỉ ổi. Chị Dậu đã "ném lọt" cả nắm giấy bạc vào mặt con quỷ dâm ô, rồi vùng chạy... "Món nợ nhà nước" vẫn còn đó, chị Dậu phải lên tỉnh đi ở vú. Một đêm tối trời, cụ cố thượng đã ngoài 80 tuổi mò vào buồng chị Dậu. Chị Dậu vùng chạy thoát ra ngoài, trong khi "trời tối đen như mực"...

Vẻ đẹp của người phụ nữ nông thôn

II. Phân tích nhân vật Chị Dậu trong cảnh "Tức nước vơ bờ"

Nhắc đến nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954) là ta nhớ đốn tiểu thuyết "Tắt đèn". Nói đến 'Tắt đèn" là ta nghĩ đến thân phận chị Dậu. Đó là một người phụ nữ nông dân nghèo khổ, cần cù lao động, giàu tình thương chồng thương con, dũng cảm chống lại bọn cường hào. Nhà văn Ngô Tất Tố đã xây dựng nhân vật chị Dậu tiêu biểu cho cảnh ngộ khốn khổ và phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà nhà quê trước năm 1945.

Cảnh "Tức nước vỡ bờ" trong "Tắt đèn" đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về nhân vật chị Dậu.

a. Hoàn cảnh của chị Dậu thật đáng thương. Chị phải bán gánh khoai, bán ổ chó và đứt ruột bán đứa con gái lên 7 tuổi cho vợ chồng Nghị Quế, mới đủ nộp suất sưu cho chồng. Nhưng anh Dậu vẫn bị trói ở sân đình, vì còn thiếu một suất sưu nữa. Chú Hợi là em ruột anh Dậu, chết từ năm ngoái, anh Dậu là "thân nhân" nên phải nộp suất sưu ấy: "Chết cũng không trốn được sưu nhà nước!". Oan này còn một kêu trời nhưng xa! Anh Dậu đang ốm nặng, bị trói suốt ngày đêm, anh ngất xỉu đi như chết. Bọn cường hào cho tay chân vác anh Dậu rũ rượi như cái xác đem đến trả cho chị Dậu. Đau khổ, tai họa chồng chất và đè nặng lên tâm hồn người đàn bà tội nghiệp.

b. Chị Dậu là một người vợ, một người mẹ giàu tình thương. Trong cơn nguy kịch, chị Dậu đã lay gọi chồng và tìm mọi cách cứu chữa cho chồng. Hàng xóm đã kéo đến, người an ủi, người cho vay gạo nấu cháo... Chị Dậu múc cháo ra bát, lấy quạt quạt cho cháo chóng nguội đổ chồng "ăn lấy vài húp" vì chồng chị "đã nhịn suông từ sáng hôm qua đến giờ còn gì...". Tiếng trống, tiếng tù và đã nổi lên. Chị Dậu cất tiếng khẩn khoản, thiết tha mời chồng: "Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột". Lời người đàn bà nhà quê mời chồng ăn cháo lúc hoạn nạn, chứa đựng biết bao tình thương yêu, an ủi vỗ về. Cái cử chỉ của chị Dậu bế cái Tỉu rồi ngồi xuống cạnh chồng "cố ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không" đã biểu lộ sự săn sóc và yêu thương của người vợ đối với người chồng đang đau ốm, tính mạng đang bị bọn cường hào đe dọa!

c. Chị Dậu là một người phụ nữ cứng cỏi đã dũng cảm chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng. Bọn cai lệ và tên hầu cận lí trưởng, lũ đầu trâu mặt ngựa với tay thước, roi song, dây thường lại "sầm sập" xông vào nhà chị Dậu thét trói kẻ thiếu sưu. Anh Dậu vừa "run rẩy" kề miệng vào bát cháo, nghe tiếng thét của tên cai lệ, anh đã "lăn đùng" xuống phản! Tên cai lệ chửi bới một cách dã man. Hắn gọi anh Dậu là "thằng kia",... hắn "trợn ngược hai mắt" quát chị Dậu: "Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!".

Chị Dậu đã hạ mình van xin, lúc thì "run run" xin khất, lúc thì "thiết tha" "xin ông trông lại". Tên cai lệ mỗi lúc lại lồng lên như con chó điên: "Đùng đùng, (...) giật phắt cái thừng" trong tay anh hầu cận lí trưởng, hắn chạy "sầm sập" đến chỗ anh Dậu để bắt trói "điệu ra đình". Chị Dậu van hắn "tha cho..." thì hắn "bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch", tát "đánh bốp" vào mặt chị, rồi "nhảy vào" cạnh anh Dậu. "Một ngày lạ thói sai nha - Tàm cho khốc hại chẳng qua vì tiền" (Nguyễn Du). Để tróc sưu mà tên cai lệ, "kẻ hút nhiều xái cũ" đã hành động một cách vô cùng dã man. Mọi sự nhẫn nhục đều có giới hạn, vả lại phải bảo vệ tính mạng của chồng, bảo vệ nhân phẩm của bản thân, chị Dậu đã kiên quyết cự lại: "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ". Không thể lùi bước, chị Dậu đã "nghiến hai hàm răng" thách thức:

"Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!".

Tảo tần chăm sóc gia đình

Tư thế của chị Dậu có một bước nhảy vọt. Từ chỗ nhún mình tự gọi là "cháu", gọi tên cai lệ bằng "ông", sau đó là quan hệ "tôi" với "ông", cuối cùng là "chồng bà", "bà" với "mày!". Chị Dậu đã "đứng trên đầu" bọn sai nha, vô lại. Chị đã vỗ mặt hạ uy thế và hạ nhục chúng! Hai kẻ đốc sưu định trói kẻ thiếu sưu nhưng chúng đã bị người đàn bà lực điền trừng trị. Tên cai lệ bị chị Dậu "túm lấy cổ", "ấn dúi ra cửa", ngã "chỏng quèo" trên mặt đất! Tên hầu cận lí trưởng bị chị Dậu "túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm!". Với chị Dậu, nhà tù của thực dân cũng chẳng có thể làm cho chị run sợ. Trước sự can ngăn của chồng, chị Dậu vẫn chưa nguôi giận:

"Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu dược...".

Con giun xéo mãi cũng quằn, chị Dậu cũng vậy, bị áp bức dã man, tính mạng bị đe dọa, chị đã vùng lên đánh trả một cách dũng cảm. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có một nhận xét rất thú vị: "Trên cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một chân dung lạc quan của chị Dậu (...). Bản chất của nhân vật chị Dậu rất khỏe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra...". Ngô Tất Tố rất hả hê khi tả cảnh chị Dậu cho tên cai lệ và tên hầu cận lí trưởng một bài học đích đáng. Ông đã chỉ ra một quy luật tất yếu trong xã hội: Có áp bức có đấu tranh!

Cảnh "Tức nước vỡ bờ" rất sống động và giàu tính hiện thực. Đoạn văn như một màn bi hài kịch, xung đột diễn ra căng thẳng đầy kịch tính. Chị Dậu được miêu tả rất chân thực. Chị giàu lòng thương chồng, và rất ngang tàng, cứng cỏi. Chị hạ nhục tên cai lệ là "mày", tự xưng là "bà". Cái "nghiến hai hàm răng", cái "ấn dúi", cái "lúm tóc lẳng cho một cái", và câu nói: "Thà ngồi tù..." đã nêu cao tầm vóc lớn lao đáng kính phục của chị Dậu, của người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ.

Từ hình ảnh "Cái cò lặn lội bờ sông - Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non" (Ca dao) đến hình ảnh chị Dậu trong "Tắt đèn", ta thấy chân dung người phụ nữ Việt Nam trong văn học đã có một bước phát triển mới cả về tâm hồn lẫn chí khí.

Leave a Reply