Cảm nhận nhân vật Mị, nhân vật A Phủ, giá trị hiện thực - giá trị nhân đạo của phần trích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

I. GIỚI THIỆU

1. Tác giả

Tô Hoài sinh năm 1920, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công, chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải lãn lộn kiếm sôhg nuôi thân. Trở thành nhà văn, Tô Hoài có một tấm lòng đồng cảm thương yêu với lứa tuổi con trẻ, với những người lầm than khổ cực.

Tham gia cách mạng từ năm 1943, Tô Hoài càng có ý thức sâu hơn về việc giải phóng cho số phận con người khỏi áp bức bóc lột và nô lệ. Hơn 60 năm cầm bút, tác phẩm của Tô Hoài khá đa dạng: kí, tự truyện, tiểu thuyết, truyện ngắn. Gần 200 đầu sách ông để lại cho đời với bao trăn trở về cuộc sống. Tô Hoài là một nghệ sĩ tiêu biểu về tấm gương trong lao động nghệ thuật.

Có thể nói, xét trên nhiều phương tiện, Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của ông chứa những trầm tích văn hoá về đời sống của con người Việt Nam qua những biến động lịch sử ghê gớm. Văn Tô Hoài không góc cạnh mà đôn hậu nhưng chính cái hiền lành của những trang văn ấy đã giúp Tô Hoài trở thành người độc đáo trong phản ánh cuộc sống: cách nhìn nhận tinh vi, cách phân tích, lí giải sâu sắc và đọng lại nhiều triết lí nhân sinh cao cả.

Nhà văn Tô Hoài

2. Tác phẩm

Đề tài về số phận con người miền núi, vùng cao vốn rất ít được các nhà văn thời trước Cách mạng đề cập tới. Cách mạng thành công nhưng bao nhiêu thân phận cuộc đời ở những vùng cao chưa được giải phóng khỏi bọn chúa đất. Pháp tái chiếm nước ta, số phận của họ càng thê thảm bởi một cổ hai tròng.

Năm 1952, Tô Hoài theo bộ đội đi thực tế ở chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Ở đây nhà văn nhận thấy có nhiều vấn đề để viết. Ông quyết định đi sâu vào những khu du kích vùng cao. Chuyến đi kéo dài tám tháng - ấn tượng của chuyến đi hơn cả mong đợi. Tô Hoài viết: "... con người Tây Bắc để thương để nhớ cho tôi nhiều quá. Tôi không thể bao giờ quên. Tôi không thể quên được lúc vợ chồng A Phủ tiễn tôi ra khỏi dốc làng Tà Sùa rồi vẫy tay gọi theo. Xéo lù! Xéo lù! (Trở lại)... Hình ảnh con người Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi".

Chính những điều ấy đã hôi thúc, giục giã nhà văn viết về những con người nơi đây.

Tập Truyện Tây Bắc đã ra đời trong ý niệm như thế. Tô Hoài viết Truyện Tây Bắc là để "có ngày trở lại, đem trở lại cho người thương ấy của tôi một kỉ niệm tấm lòng mình, một cái gì làm hiển hiện lại cả cuộc đời người Mèo trung thực, chí tình".

Vợ chồng A Phủ là một trong ba truyện vừa của tập Truyện Tây Bắc. Truyện gồm hai phần: Phần l: Câu chuyện Mị và A Phủ ở Hồng Ngài trong tay lũ chúa đất chúa mường. Phần 2: Cuộc sống của hai người sau khi chạy khỏi Hồng Ngài lên ở Phiềng Sa. Sau này viết lại, Tô Hoài cũng đã bớt đi gần hết cả phần thứ 2.

Phần 1 được trích ở SGK có bố cục hai phần:

- Số phận làm con dâu gạt nợ của nhân vật Mị.

- Tình cảnh trở thành nô lệ của nhàn vật A Phủ.

II. CẢM NHẬN

1. Nhân vật

a. Nhân vật Mị

- Mở đầu tác phẩm, Mị xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ Tây Bắc ở trong cảnh làm dâu nhà giàu: dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, cõng nước dưới khe suối lên, "cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi".

- Mị là con dâu gạt nợ. Bố mẹ lấy nhau phải vay tiền nhà thông lí. Mỗi năm họ phải trả nợ một nương ngô. Con gái họ đến tuổi lấy chồng mà nợ chưa hết. Mị trở thành cái khế ước nghiệt ngã của một đời người. Mị bị bắt về làm dâu nhà thông lí, trở thành vợ A Sử.

- Nhưng trong con người Mị, luôn luôn có sức phản kháng quyết liệt. Trước đó Mị từng nói: Bố đừng bán con cho nhà giàu, nay con lớn con làm nương trả nợ cho bố. Bị bắt về làm dâu gạt nợ, đêm nào Mị cũng khóc. Rồi một ngày, cô cầm nắm lá ngón trong tay về để chào bố. Bố Mị bảo: "Mày chết, nhưng nợ tao vẫn còn...". Thương bố, Mị không đành lòng chết. Mị trở về nhà thống lí sống một cuộc đời vô cảm. Mị tự thấy mình là con trâu con ngựa. Mị sống trong căn buồng gỗ kín trông ra ngoài chỉ có một lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là nắng hay sương. Căn buồng gỗ ấy khác nào chiếc quan tài chôn sống Mị trong bãi tha ma cuộc đời.

- Khát vọng sống vẫn còn tiềm ẩn trong Mị. Mùa xuân về, tiếng hát giao duyên, tiếng sáo gọi bạn đầu làng như ngọn gió lành lay gọi Mị. Những âm thanh của mùa xuân như thức tỉnh Mị. Mị càng buồn hơn khi ý thức về sự đau khổ. Mị thắp lại đèn, Mị uống rượu "ừng ực từng bát"... Mị say và nhớ. Mị hiểu và khao khát đi chơi... "Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi... A Sử và Mị không có lòng với nhau...". Mị với tay lấy khăn, áo để đi chơi.

- Khát vọng ấy của Mị lập tức bị vùi dập. A Sử biết và trói Mị vào cột nhà. A Sử trói Mị bằng cả một thúng sợi đay do tay Mị tước, bằng cả mớ tóc dài cha mẹ Mị sinh cho. Trong men rượu, Mị không thấy mình bị trói, tai Mị nghe tiêng sáo gọi bạn tình, tiếng hát giao duyên dìu dặt: "Mày có con trai con gái - Mày đi làm nương - Ta không có con trai con gái - Ta đi tìm người yêu". Người bị trói chặt vào cột mà hồn Mị bay theo tiếng hát, đi theo những cuộc chơi.

- Khi Mị bị trói đứng cho đến chết ở cái cột buồng thì A Phủ xuất hiện; khi A Phủ bị trói đứng ở cái cột bếp thì Mị thường "ra thổi lửa hơ tay". Người miền núi sống với đống lửa ban đêm. Nhờ ánh lửa, Mị nhìn thấy những giọt nước mắt lăn xuống gò má sạm đen của A Phủ. Giọt nước mắt như một ánh gương cho Mị soi lại đời cũ của mình: "Mị chợt nhớ lại đêm năm trước... Mị cũng phải trói đứng thế kia... nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ..." và Mị từ tự phát về tình thương con người đã có ý thức tự giác về con đường cùng, con đường giải phóng: "Trời ơi,... Chúng nó thật ác độc... Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi... Người kia việc gì mà phải chết thế?"...

Chính cái ý nghĩ "phảng phất" ấy trong Mị đã cháy thành ngọn lửa đời sống cho người khác không được chết vô lí. Mị đã quên đi nỗi sợ hãi cố hữu trong mình để cắt dây trói cho A Phủ. Hành động cứu A Phủ ấy cũng đã giúp Mị tự cứu mình.

"- A Phủ cho tôi đi. Ở đây thì chết mất".

"- Đi với tôi".

Nhân vật Mị có đủ tài, đủ sắc, đủ khát vọng làm người nhưng Mị đã không được tự do quyết định cuộc đời mình. Nhưng Mị là tuổi trẻ, là khát vọng, là sức sống không thể vùi dập.

Nhân vật Mị

b. Nhân vật A Phủ

- Cũng giống Mị, A Phủ xuất hiện trong tác phẩm rất ấn tượng: "A Phủ đâu? A Phủ đánh chết nó đi? Một người to lớn chạy vụt ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử...".

- A Phủ vốn là một thanh niên mồ côi, nghèo, không có cả cái vòng bạc để đeo. Từng bị bán xuống cho người Thái nhưng vì yêu bản làng nên anh lại trở về bản Mèo. Đó là một thanh niên rất bản lĩnh: gan góc, yêu tự do, quyết đoán, thạo những công việc khó khăn, nguy hiếm: đúc lưỡi cày, đốt rừng, cuốc nương, săn bò tót quanh năm một mình rong ruổi bôn ba ngoài rừng. A Phủ là đứa con của vùng cao tự do, phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên nên chất phác và hiền hậu. A Phủ là một tính cách đặc trưng cho con trai H'mông.

- Con chim của trời tự do cuối cùng cũng bị sập bẫy bởi "Mày đánh con quan làng, đáng lẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống mà nộp vạ" và với tiền phạt "một trăm đồng bạc trắng", A Phủ phải trở thành người ở gạt nợ cho nhà thông lí.

- Cảnh A Phủ bị trói đánh trong nhà thông lí mang sức tố cáo ghê gớm về bạo quyền của lũ chúa đất, chúa mường: "A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu... Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút... Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút". Cách chửi, cách đánh, cách xử kiện của nhà Pá Tra với A Phủ đã đưa ta về với cảnh đời tối tăm của con người nô lệ thời trung cổ.

- Nhưng A Phủ cũng có một bản lĩnh sống kiên cường. Khi làm mất bò, A Phủ bị trói đứng ở cây cột đầu bếp. A Phủ đã cựa mình làm đứt gần hết những vòng mây... Bị trói lại, trong phút chót của cuộc đời, A Phủ bắt gặp cái "lé mắt trông sang" của Mị. Họ đã gặp nhau, cứu nhau thoát khỏi Hồng Ngài.

- A Phủ và Mị gặp nhau, cứu nhau, cùng nhau chạy trốn và nên vợ chồng không phải là sự ngẫu nhiên mà như sự tất yếu của một hành trình. Hai số phận tưởng như ở hai đầu cuộc sống gặp nhau ở nhà thông lí có bao nhiêu tương đồng. Tương đồng về phẩm chất và về cảnh ngộ.

Vợ chồng A Phủ

2. Giá trị hiện thực - giá trị nhân đạo của tác phẩm

a. Giá trị hiện thực: Đọc Vợ chồng A Phủ, ta hình dung được những kiếp đời lầm than của con người vùng cao sống trong uy quyền của chúa đất, chúa mường. Nửa thế kỉ XX rồi mà chúng ta vẫn còn bắt gặp những thân phận nô lệ của loài người như ở thời trung cổ. Song cũng từ tác phẩm, ta có được bức tranh của con người vùng cao hoang dã: những đêm tình mùa xuân, những tiếng khèn, tiếng sáo, những tiếng hát giao duyên, những phong tục tập quán, những lối sống ngàn năm của người rẻo cao H'mông. Đó là một bức tranh sinh động nhiều màu dưới cây bút của Tô Hoài: tinh tế, sắc sảo, hồn nhiên và trung thực.

b. Từ hiện thực phũ phàng của cuộc sống tăm tối, cây bút của Tô Hoài thức tỉnh người đọc về những khát vọng, những sức sống tiềm tàng của con người vùng cao. Tác phẩm thể hiện một tinh thần nhân đạo dào dạt: sự cảm thông, thấu hiểu về số phận con người, sự nâng giấc những khát vọng sống, sự chỉ hướng cho một lẽ sống tốt hơn. Đó là tinh thần nhân đạo cộng sản mà đến ngòi bút Tô Hoài sau Cách mạng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc mới có được.

Leave a Reply