Chứng minh câu tục ngữ: "Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

Tình yêu thương đoàn kết là truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước vẻ vang, nhân dân ta đã phát huy tình thương yêu, đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc lâu bền. Bài học về tình thương và đoàn kết đã ăn sâu vào tâm hồn dân tộc. Vì thế, nhân dân ta thường nhắc nhở nhau:

"Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại nên hòn núi cao

"Một cây" chẳng thể nào làm nên núi "nên non", nên rừng. Đó là một sự thật hiển nhiên. Nhưng "ba cây", tượng trung cho nhiều cây, rùng cây thì có thể tạo nên non, "nên núi", không phải là núi thấp, mà là "núi cao". Từ "một cây" đã chuyển thành "ba cây", số lượng đã thay đổi thì chất lượng cũng biến đổi. Nhưng yếu tố quyết định của sự vận động từ "lượng" thành "chất" là sự "chụm lại" của "ba cây" nên mới có hiện tượng thiên nhiên sừng sững ''hòn núi cao" kia. "Chụm lại" là hành động, là biểu hiện ý chí thống nhất hợp lực, đồng lòng, là sự gắn bó đoàn kết. "Cây" trong câu tục ngữ được nhân hoá, trở thành một biểu tượng rất sống động và thấm thìa về nhân dàn, nói lên tình thương yêu đoàn kết dân tộc. Qua câu tục ngữ, nhân dân ta nêu lên một bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhau trong cộng đồng dân tộc.

Lịch sử và cuộc sống, thơ văn và thực tế đã có biết bao ví dụ sống động nói về tình đoàn kết dân tộc.

Từ thời xa xưa, với công cụ thô sơ, người Việt đã bạt rừng, lấn biển, đắp đê, đào kênh để làm nên những cánh đồng màu mỡ, xanh tươi:

"Việt Nam đất nước ta ơi!

Mênh mông biển lứa đâu trời đẹp hơn".

(Nguyễn Đình Thi)

Con đê sông Hồng, sông Thái Bình sừng sững như bức trường thành, dài hàng trăm cây số là kết quả của sức mạnh đoàn kết, chung lưng đấu cật của hàng triệu triệu người dân ta qua hàng ngàn năm lao động.

Nhờ công ơn của nữ tướng Lê Chân mà có ấp An Biên những năm đầu Công nguyên. Và mồ hôi, xương máu của bao thế hệ "chụm lại" mà ta có thành phố Cửa biển to đẹp như ngày nay. Nhờ công ơn bao thế hệ mở cõi mà ngày nay nhân dân ta có một giang sơn gấm vóc trải dài, trải rộng từ Bắc chí Nam.

Tiếng hô: "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các bô lão vang lên khắp điện Diên Hồng thời nhà Trần trong thế kỉ XIII không chỉ biểu thị cho tinh thần yêu nước bất khuất mà còn thể hiện sức mạnh lớn lao của nhân dân Đại Việt quyết chiến quyết thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, như Trần Quốc Tuấn đã nói: "Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức".

Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết để chiến thắng ngoại xâm. Đoàn kết để khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế. Từ ngày miền Nam giải phóng đến nay, sức lao động của bộ đội và nhân dân đã làm thay đổi bộ mặt Đồng Tháp Mười, vùng đồng cói mênh mông đã trở thành vựa lúa Long An.

Công trình thuỷ điện Hoà Bình, đường dây dẫn điện cao thế Bắc - Nam, xây dựng con đường Trường Sơn cũng như hàng nghìn công trình khác trên mọi miền đất nước hiện nay đã làm sáng tỏ một chân lí vĩ đại: "... Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Em nhớ mãi bài thơ của Bác Hồ nói về sức mạnh đoàn kết, về ý chí, sự hợp sức, đồng lòng cho con người thêm sức mạnh và niềm vui lớn:

"Hòn đá to

Hòn đá nặng

Nhiều người nhắc

Nhắc lên đặng!"

Nhân dân ta đã biến lời dạy của Hồ Chủ tịch thành hiện thực:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công''.

Và, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, sức mạnh đoàn kết càng được nhân lên gấp bội, nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Đoàn kết để hàn gắn vết thương chiến tranh; đoàn kết để xây dựng lại đất nước ta sau những năm dài chiến tranh được "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Đại đoàn kết

Câu tục ngữ:

"Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

đã làm cho mỗi chúng ta thêm thấm thìa về bài học đoàn kết. Nó thắp sáng niềm tin và lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam ta. Sức mạnh Việt Nam luôn luôn bắt nguồn từ tình yêu thương đoàn kết dân tộc.

Leave a Reply