Nghị luận xã hội: Bàn về vấn đề: Sửa mình

Ý chính trong bài:

1. Trò chuyện với người bạn tin cậy

Đôi khi, chúng ta không nhận thấy những điểm còn thiếu sót của mình. Đó là lúc bạn cần một người bạn tin cậy, dám thẳng thắn góp ý cho bạn. Hãy thật sự chân thành khi hỏi họ những vấn đề tế nhị mà bạn thật sự muốn biết, như:

Tôi có lúc nào cư xử bất lịch sự với mọi người không?

Cách nói chuyện của tôi có quá gay gắt không?

Tôi có nói to quá không?

Tôi có hay làm phiền anh không?

Bạn đừng ngại khi nghe bạn mình nhận xét, cũng đừng phản bác lại ngay theo kiểu “Làm gì đến mức ấy” hay “Tôi là vậy đấy!”. Hãy thoải mái, cởi mở vì mình đang trong quá trình tự hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Ngoài ra, bạn cũng có thể góp ý với bạn mình, để giúp người đó thay đổi tốt hơn.

Sửa mình

2. Suy nghĩ tích cực

Bạn đừng bao giờ nghĩ mình là kẻ thất bại, mà hãy tích cực hơn trong cách nhìn nhận. Đơn giản như việc xem những người mẫu nam trên ti-vi rất cơ bắp trong những bộ vest hào nhoáng. Thay vì mặc cảm với bản thân thì hãy nghĩ đến việc tập thể dục, ăn kiêng hoặc làm bất cứ gì tích cực để cải thiện sức khỏe. Nếu trong công việc hiện tại, bạn chưa thành công, hãy tôi luyện cho mình ý chí kiên định, khả năng phân tích sắc bén và phát triển nghề nghiệp. Bạn biết không, sự tự tin và thái độ tích cực sẽ giúp bạn tiến bộ rất nhanh trong quá trình hoàn thiện mình.

3. Rút kinh nghiệm từ sai lầm

Ai cũng có thể sai lầm, dù trong bất cứ lĩnh vực nào. Thế nên, việc bạn phạm một sai lầm nào đó là hoàn toàn bình thường, bởi thành công rất khó xảy ra nếu chỉ sau một, hai lần trải nghiệm. Đó là quá trình tự nhiên để con người phát triển. Đừng trách cứ bản thân rồi cam chịu với lối suy nghĩ “Mình sẽ chẳng bao giờ làm được gì”. Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ nguyên nhân của sai lầm trong quá khứ, thay đổi cách làm, học hỏi và thực hành nhiều hơn. Từng bước, bạn sẽ thấy mình cư xử khéo léo và kết quả công việc tốt dần lên trong những lần sau.

4. Đừng nôn nóng

Bạn có hay rơi vào trường hợp này không: vừa đọc xong cuốn sách của một tỉ phú hay hội thảo của một người thành công, cơ thể bạn tràn đầy năng lượng và muốn lao ngay ra ngoài để kiếm tiền? Tốt hơn hết, hãy dừng ngay suy nghĩ “thành công trong một đêm” đó lại.

Hoàn thiện bản thân là một quá trình dài. Một cuốn sách, vài giờ hội thảo hay những câu chuyện thành công chỉ tóm tắt lại hành trình đó. Hãy nhớ rằng, những vĩ nhân đã dành rất nhiều năm cuộc đời và vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được thành công. Vì vậy, hãy bình tâm và tập trung hoàn thành từng công việc của bạn, thay vì rối lên khi phải giải quyết quá nhiều thứ một lúc. Đừng vội lao theo những kết quả chớp nhoáng. Sự chín muồi về tính cách bên trong và những trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp bạn thành công về lâu dài.

5. Luôn đặt mục tiêu và theo kế hoạch

Sau khi đã xác định điểm mạnh, yếu của bản thân, bạn cần đặt ngay cho mình mục tiêu để rèn luyện, trong tất cả các mặt của cuộc sống. Nếu không có mục tiêu và kế hoạch khả thi để thực hiện, bạn sẽ “thả trôi” bản thân và mãi không tiến bộ được. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn khi các mục tiêu này được thiết lập một cách rõ ràng. Nó sẽ mang lại cho bạn động lực mỗi buổi sáng và hy vọng về một kết quả với những thay đổi tích cực.

6. Thân thiện

Trên con đường phát triển bản thân, hãy xây dựng cho mình những mối quan hệ tốt đẹp. Hãy chào hỏi và thật tâm khen ngợi những người bạn, đồng nghiệp của mình. Tương tự, bạn có thể giúp người thân đối mặt với những khó khăn đang gặp phải, nhưng đừng để khó khăn của họ đánh gục bạn. Hãy giúp họ tự mình giải quyết mọi việc và tự đứng trên đôi chân của chính họ. Rồi bạn sẽ thấy mọi người và chính bạn vui vẻ và thân thiết hơn thế nào!

Chúng ta sống để trải nghiệm tất cả những thăng trầm của cuộc sống. Khi gặp khó khăn không nản lòng, luôn suy nghĩ tích cực, luôn biết mình đang ở đâu, muốn đến đâu và tạo dựng những mối quan hệ gắn bó… là những cách cơ bản để hoàn thiện bản thân. Chúc bạn luôn vững vàng trong từng bước đi và đạt được những thành công vượt bậc!

Leave a Reply