Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu và bài Cảm hoài của Đặng Dung, để thấy “hào khí Đông A” thời hậu Trần

Trong suốt thời kì lịch sử từ thế kỉ XI - XII, dân tộc Đại Việt đã phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm và liên tiếp chống lại các cuộc xâm lăng của kẻ thù phương Bắc. Dòng văn học thời kì này hừng hực một khí thế hào hùng, tiêu biểu cho ý chí của cả một dân tộc quyết chiến đấu giành độc lập tự cường. “Hào khí Đông A” không chỉ là tiếng nói của văn học ở trong những giây phút nước sôi lửa bỏng của các cuộc kháng Nguyên oanh liệt mà âm vang của nó còn tỏa hơi nóng cho những dòng “văn thơ thời hậu Trần”. Khi đi qua cửa biển Bạch Đằng, ngậm ngùi với những chiến tích lừng danh vang dội của ngày xưa chống bọn phong kiến phương Bắc, Trương Hán Siêu đã viết Bạch Đằng giang phú nổi tiếng. Và ngay cả khi nước nhà bị mất vào tay bọn cuồng Minh, là tướng triều đình trước khi bị bắt giải về Nam Kinh chịu tội: Đặng Dung vẫn làm những vần thơ cảm khoái đầy bị tráng trong Cảm hoài...

Bài phú mở đầu bằng những hình ảnh thật đẹp, thật hùng vĩ

Ta biết rằng, thời kì hậu Trần đất nước Đại Việt đã thực sự rơi vào khủng hoảng. Vua quan ăn chơi sa đọa, đời sống nhân dân điêu linh khốn khổ. Những cựu thần đã sống một thời oanh liệt với các tiền nhân xưa, từng sung sướng tự hào bao nhiêu thì giờ đây nhìn cái thực trạng thôi nát mà đau lòng nhức óc. Trương Hán Siêu là một người đã từng gần gũi với vị tướng lĩnh và nhà chính trị tài ba Hưng Đạo Đại Vương... suy nghĩ về thế sự, làm sao mà không đau khổ được.

Phải chăng mở đầu bài phú, họ Trương muốn làm một cuộc ra đi để thoát khỏi cái hiện thực nhơ nhớp mà ông hằng ngày chứng kiến. Cuộc “vượt thế” này có thể thực hiện được trong thần hứng, trong thơ văn, trong niềm cảm khái. Chứ thực ra khó ai có thể tin rằng người tự xưng là “khách” này lại có thể “học thói Tử Trường” để vùng vẫy trong cõi mênh mông của trời đất như vậy.

Bài phú mở đầu bằng những hình ảnh thật đẹp, thật hùng vĩ. Nhưng ta nhìn thấy một con người, một tâm hồn thật phóng khoáng, hào hùng. Con người ấy không là cái chấm nhỏ của một ông già mặc áo tơi ngồi câu trong một không gian trắng đầy tuyết (ý một bài thơ thời Hồng Đức) mà nó chủ động hòa nhập vào với cảnh sắc thiên nhiên mĩ lệ. Cái người “khách” ấy với chiếc thuyền căng phồng gió của trời đất “lướt bể chơi trăng” và đắm chìm vào cảnh đẹp miên man của trời đất. Mọi cảnh vật “nơi có người đi đâu mà chẳng biết”. Nhưng họ Trương đi là để thu nạp cho mình cái nhãn giới tư tưởng, nhãn giới tri thức, ông đã tự nguyện “học Tử Trường” Tư Mã Thiên để nghiên cứu lịch sử cơ mà! A ra thế, chuyến đi “mải miết” này là có một mục đích rất rõ ràng. Ông muốn viết sử, làm sử, muốn nói sự thật về những gì quá vãng để cho hiện tại có thể nhìn nó mà soi chiếu, mà rút ra những bài học xương máu của tiền nhân. Tư Mã Thiên đi khắp nước Trung Hoa để viết sử về dân tộc mình thì Trương Hán Siêu cũng sẽ tự nguyện làm nhà viết sử nước Đại Việt của mình. Hóa ra dùng dày đặc những điển tích, điển cố của non sông đất nước, của tư tưởng Trung Hoa nhưng tấm lòng họ Trương vẫn chăm chắm, vẫn quan tâm và không ít tự hào khi nghĩ đến những trang sử hào hùng của một thời “hào khí Đông A” bốc lửa.

Đây là một bài phú mang phong vị hoài cổ. Cho nên mặc dầu tác giả xác định:

Học Tử Trường tìm thú tiêu dao.

Nhưng khi nhớ đến Tử Trường thì họ Trương đã gấp rút trở về với Bạch Đằng. Con thuyền “lướt bể chơi trăng” ấy hối hả về với chiến trường oanh liệt năm xưa:

Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều.

Và đây rồi, Bạch Đằng giang đã hai lần đỏ máu quân xâm lược hiện ra trong khí thế vừa hào hùng vừa trang nghiêm. Vừa có những lớp sóng kình xô nhau chạy về tít tắp vừa có những gò núi đứng im và ngàn lau xao xác. Vừa có khoảng trời thu in xanh ngắt ở một vùng lặng sóng, vừa có những con thuyền bồng bềnh “thướt tha đuôi trĩ một màu”... Quả là Trương Hán Siêu chưa vượt qua những chế ước quy phạm khi tả con sông này nhưng lòng yêu non sông đất nước, sự tự hào và khâm phục với chiến công của tiền nhân đã cho ông miêu tả con sông có hình, có nét và khó có thể nhầm lẫn với một con sông nào mà nhà thơ đã đọc trong sách vở hay đã từng kinh lịch.

Cái nhìn con sông ấy là sự phản ánh tâm trạng vừa vui, vừa buồn, vừa tự hào, vừa nuối tiếc. Con sông với chiến thắng vang dội năm xưa quả là một chứng nhân lịch sử để mà Trương chiêm ngưỡng, nhưng có lẽ sâu thẳm hơn là để thanh sạch tâm hồn mình khi triều đình hậu Trần đang hấp hối vào buổi hoàng hôn nhợt nhạt. Cho nên không chỉ là chiêm ngưỡng mà còn là một sự chiêm nghiệm những gì đã qua đi và những gì còn sót lại. Có sự đối cực trong tâm trạng ấy, ta mới hiểu tại sao Bạch Đằng lại đẹp một cách bi tráng như thế, ta mới hiểu nỗi buồn đau tiếc nuối của họ Trương:

Buồn vì thảm cảnh

Đứng lặng giờ lâu

Và rồi thương:

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá

Và rồi tiếc:

Tiếc thay dấu vết huống còn lưu

Âm điệu sâu lặng, trong cái trăn trở có niềm tự hào, trong nỗi buồn cũng có niềm vui. ở đây cảnh và tình gặp gỡ nhau trong tâm trạng hoài cổ, và vì hoài cổ nhớ về chiến công cho nên tiềm ẩn trong bài phú vẫn là năng lượng của Hào khí Đông A thuở nào.

Và rồi, chiến thắng Bạch Đằng năm xưa đã được dựng lại. Quán triệt tinh thần viết sử thông qua những sự kiện và những nhân chứng khách quan, tác giả để cho các cụ bô lão kể lại chiến công trong một niềm cảm kích.

Đầu tiên là xác nhận: “Đây là” và “cũng là” chiến địa của hai chiến công dữ dội trong lịch sử dân tộc. Nhưng trọng tâm là chiến tích của “Trung Hưng nhị thánh”,

Cuộc “thư hùng chửa phân” ấy diễn ra trong một tình thế giằng co và chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Bởi thế trận chống đối khó phân định ai yếu ai mạnh. Mặc dầu quân ta đối đầu với khí thế hào hùng:

Thuyền bè muôn đội

Tinh kì phấp phởi

Tì hổ ba quân

Giáo gươm sảng chói

Nhưng:

Trận đảnh được thua chửa phân

Chiến lũy Bắc Nam chống đối

Miêu tả cái hào khí ngút trời của quân ta nhưng cũng cho thấy kẻ thù không phải là một địch thủ yếu. Cái thế đối lập ấy báo hiệu sẽ là trận đánh lớn, một trận đánh có ý nghĩa quyết định của một cuộc chiến tranh. Cả vũ trụ đang thực sự nín thở để chờ giờ kinh hoàng.

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ

Bầu trời đất chừ sắp đổi

Lấy ai để “phù địa trục” đây? Khi kẻ thù thật là hung hãn với cái “thế cường”, với cái “chước đối” ranh ma xảo quyệt. Và quan trọng hơn là cái ý chí của lũ “hung đồ”:

... gieo roi một lần

Quét sạch Nam Bang bốn cõi!...

Tuy là lời kể lại những sự tích xưa, nhưng sao chúng ta đang sống trong những giây phút ấy của lịch sử, đang nằm trong lòng lịch sử và đang đắm mình trong hào khí Đông A ấy.

Có lẽ “các cụ bô lão” chỉ là những nhân vật tưởng tượng mà các bài phú thường sáng tạo nên để khách thể hóa lời kể. Chiến công năm xưa, những diễn biến ngày ấy, họ Trương đâu phải là người ngoài cuộc? Cái thế trận ngày ấy đã từng làm đứng tim bao người và họ Trương không thể đứng ngoài cái tâm lí thời đại đang lo âu và tin tưởng vào chiến thắng ấy. Trận đánh được dựng lại qua lời kể, sao mà sống động và căng thẳng đến vậy. Mặc dầu ai cũng biết được kết cục của trận Bạch Đằng nhưng qua lời kể của các bô lão bên sông, vẫn làm cho ta hồi hộp thắc thỏm. Quả là bài phú đã có khả năng kì diệu khi tái hiện lại không khí - hào khí Đông A oai hùng của một thời kì lịch sử. Chiến công của thời tiền Trần có một thế năng dữ dội. Khi mà nhà hậu Trần đang hấp hối thì trong lòng các thi sĩ, trong lòng nhân dân cái thế năng ấy lại thành động năng, làm sao cả một thời hoàng kim sống dậy mãnh liệt trong thơ văn. Sức cuốn hút của những tác phẩm đời sau, khi mà hào quang nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông đã qua thì nó vẫn cứ rừng rực cháy, nó vẫn thổi vào thời đại sức nóng ngỡ như vĩnh cửu của một thời đại hào hùng chống xâm lăng.

Diễn tiến của trận đánh không được ghi lại tỉ mỉ và ngay cả những hình ảnh cụ thể của cảnh mừng chiến thắng với nước mắt nụ cười cũng không được Trương Hán Siêu miêu tả. Như vậy nhà văn đã chú ý đến cái thời điểm bi kịch nhất có thể xảy ra với dân tộc. Miêu tả cái thời điểm căng thẳng nhất ấy để cho thấy vị tướng Trần Hưng Đạo đánh giá tình hình:

... Đại Vương coi thế giặc nhàn

Để cho thấy chiến thắng của chúng ta như là một tất yếu lịch sử. Ngay cả khi cam go, vận mạng của một đất nước treo đầu sợi tóc, thì người chỉ huy vẫn đủ sáng suốt, đủ bình tĩnh và đủ lòng dũng cảm để cùng nhân dân làm nên chiến thắng.

Phải chăng cái hàm ý của người viết bài phú là muốn cảnh tỉnh những kẻ đang nắm triều đình đương thời?

Không những dựng lại trận đánh mà Trương dùng nó để suy ngẫm bình luận về chiến công.

Với quân thù thì dù cho “nước sông tuy chảy hoài” mà nhục của bọn chúng “khôn rửa nổi” (về đời sau, một ông sứ đã đối đáp với vua Trung Quốc: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng từ xưa máu vẫn đỏ).

Còn với ta thì chiến thắng đó là do có địa thế hiểm trở, có nhân tài và đặc biệt có “đại Vương” (Trần Hưng Đạo) “coi thế giặc nhàn”. Chiến thắng này sẽ:

Tiếng thơm đồn mãi

Bia miệng không mòn

Những lời bình của Trương Hán Siêu chưa hẳn đã toàn diện khi nhìn toàn bộ vấn đề, nhưng quả là hào hùng và sâu lắng, rất thiêng liêng và dễ thuyết phục chúng ta.

Đoạn cuối của bài phú, là hai lời ca nối tiếp nhau. Một là của bô lão và một nữa là của “khách” (Trương Hán Siêu). Cả hai đều đau buồn nuối tiếc, nhưng trong cái giọng trầm hùng ấy nó dõng dạc một tuyên ngôn:

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Cái chân lí ấy đã được khẳng định một lần nữa. Đó là, muốn xây dựng một nhà nước vững mạnh để đem đến cho thiên hạ thái bình thì tư cách người lãnh đạo phải “cốt mình đức cao”. Có lẽ cần phải bàn luận rất nhiều về cái lời bổ sung đính chính của “khách” với các cụ bô lão. Nếu các bô lão cho rằng “Trời đất cho nơi hiểm trở” là một yếu tố “địa lợi” làm nên chiến công thì Trương Hán Siêu khẳng định:

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao

Trong tâm lí dân tộc, trong ý thức của các vị minh quân, đức không phải là cái gì trừu tượng, là duy tâm, mà nó rất cụ thể, nó là lẽ sống làm nên sự đoàn kết, làm nên bao chiến công cho dân tộc này...

Bài phú không hừng hực gây phấn chấn cho chúng ta từ đầu đến cuối trong một cảm hứng mãnh liệt như thơ văn thời nhà Trần phát dương sức mạnh chiến thắng ngoại xâm, mà nó có cái dòng bi tráng của thời đại. Nó “tráng” bởi nó đã khơi gợi cái không khí hào sảng của một thời, nó “bi” bởi vì nó hoài cổ và suy cổ luận kim, họ Trương đã nhìn thấy thực tế ngao ngán trước mắt, để mà “thương nỗi anh hùng đâu vắng tá”!

Học Tử Trường tìm thú tiêu dao

Hào khí Đông A vẫn chưa tắt trong bài phú, nhưng cái hào khí ấy, bây giờ đang ngún cháy như quặng than trong lòng đất., bài phú như một thông điệp muốn nhắn nhủ, muốn cảnh tỉnh bọn vua quan suy đồi đời hậu Trần là chớ quên gương sáng của tiền nhân, chớ đổ ra sông ra biển công lao của bao người đi trước, hãy rút ra những bài học mà cha ông họ đã trả bằng máu và nước mắt... Và, qua tâm trạng u hoài, Trương Hán Siêu như có một tiên đoán, có một dự cảm: Thời của nhà Trần sắp sửa cáo chung...

Nhớ quá khứ và sống lại không khí quá khứ, bài phú rất hùng nhưng nghĩ hiện tại bài phú rất buồn. Hai cung bậc vui buồn lẫn lộn ấy tạo nên cái độc đáo cho tác phẩm của Trương Hán Siêu. Đó không phải chỉ là nỗi buồn vui của một cá nhân mà nó là nỗi buồn vui của thời đại và trong khi con người rất dễ tuột xuống hố bi quan thì tiếng vọng của lịch sử, hào quang của hào khí Đông A vẫn hắt sáng, hắt hơi nóng hừng hực của nó xuống thời đại ấy, xuống những dòng thơ văn ấy.

Cái gì phải đến nó đã đến: Nhà Trần suy đổ, nhà Hồ thất bại, đất nước rơi vào vòng nô lệ để cho “quân cuồng Minh gây họa”. Những tướng lĩnh có tâm huyết đã ôm mối hận non sông để rồi bi phẫn, thấy mình bất lực, để rồi chống lại quân và bị sát hại, để rồi bị bắt làm tù binh giải về phương Bắc...

Đọc bài Cảm hoài của Đặng Dung, cái chất bi tráng của hào khí Đông A còn nổi rõ hơn nữa. Có điều cái bi phẫn đã thay thế rất nhiều cho âm điệu tráng ca. Mở đầu hai câu đề, tác giả đã buông lời than thở:

Thế sự du du nại lão hà?

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

(Việc đời dằng dặc, mà ta già rồi, biết làm sao đây?

Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao).

Có bao nhiêu việc thế sự đang chờ đón ta, bắt tay gánh vác và những đại sự ấy đâu phải ngày một ngày hai là hoàn tất, vậy mà ta già rồi. Giải tỏa cái bi, cái phẫn ấy làm sao đây? Chỉ có chén rượu là đủ sức tạo ảo giác để thu cả trời đất mênh mông vào đó để ta hát cuồng ca. Ôi, ta làm xong việc nước, ta đợi chờ thời cơ phục quốc, vậy mà thời gian cứ trôi làm bạc trắng mái đầu.

Cái câu hỏi sâu thăm thẳm mà cay đắng, mà uất ức với cái ông xanh độc địa làm sao: “Nại lão hà” - già rồi biết làm sao? Quả là một sự băn khoăn của một trái tim lớn, một hoài bão lớn: làm sao cứu nước nhà khỏi cơn bĩ cực cho tới hồi thái lai?

Ai bảo rằng trong cái bi ấy không có chất hùng? Ai bảo rằng những bài thơ thời hậu Trần như thế này là lạc điệu với âm hưởng “hào khí Đông A” của một thời kì văn học?

Bao nhiêu vui buồn, trời đất bao la rộng lớn... được thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao để quên đi nỗi sầu! Thế nhưng, tác giả có quên được nỗi buồn đến tê dại này không? Không! Nói như Lí Bạch thì:

Cất chén tiều sầu, sầu vẫn sầu

Vung gươm chặt nước, nước cứ chảy

Vâng, tác giả không hề quên đi nỗi sầu. Nỗi uất hận được chất chứa bấy lâu nay dường như được tuôn ra khi rượu vào:

Thời lai, đồ điếu thành công dị

Vận khứ, anh hùng ẩm hận đa

(Gặp thời bần tiện công nên dễ

Lỡ vận, tài danh hận tới già)

Gặp thời thì người bán thịt, kẻ đi câu cũng dễ dàng làm nên việc lớn. Còn nếu sa cơ lỡ vận, thì anh hùng cũng đành nuốt hận nhiều mà thôi. Có lẽ tác giả nghĩ: “Phàn Khoái và Hàn Tín là hai kẻ tầm thường mà còn làm nên việc lớn. Còn ta, ta có thua kém gì bọn họ đâu? Thế mà ta lại chịu bao nỗi nhọc nhằn?”, ông coi mình là người có tài, nhưng không gặp thời, không có điều kiện để thi thố tài năng với đời. Sống trong cảnh cô đơn như thế, Đặng Dung bỗng trở nên một kẻ cuồng phóng, ước mơ của Đặng Dung mới thật lớn lao làm sao ấy!

Trí chủ hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

(Giúp chúa những mong xoay trục đất

Rửa đông không lối kéo Ngân Hà).

Sự cuồng phóng của Đặng Dung được giải thích bằng một sự nghiệp anh hùng. Ta thấy được nỗi trằn trọc đau đớn và giọt nước mắt của người anh hùng. Ngữ khí của câu thơ rất mạnh, ý chí phục thù sâu sắc, mong muôn cải tạo cả vũ trụ... Có lê hai tư tưởng lớn của Đặng Dung và Phạm Ngũ Lão đã gặp nhau. Hai thời gian này đều có tầm vóc của vũ trụ. Đặng Dung thì mơ ước rằng sẽ “xoay trục đất”, còn Phạm Ngũ Lão thì:

Vung giáo non sông trải mấy thu

Chỉ có độ dài của ngọn giáo mà lại bằng chiều ngang của nước Việt sao? Tầm vóc người trai thời Trần là tầm vóc phi thường. Hai nhân vật trong hai bài thơ đều có tầm vóc ngang với vũ trụ. Tuy nhiên, ở Phạm Ngũ Lão thì hào khí Đông A thời tiền Trần lạc quan hơn, hào hùng tin tưởng ở ngày mai hơn, còn hào khí Đông A của Đặng Dung thì nó mang một âm điệu bi tráng hơn.

Hai câu kết của bài thơ Cảm hoài là:

Quốc thù vị bảo đầu tiền bạch

Kỉ độ long tuyến đái nguyệt ma

(Bạc đầu thù nước còn chưa trả

Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà)

Hai câu cuối của bài thơ trở lại vấn đề với bao nỗi trăn trở, bao kế hoạch rắp tâm để phục thù đã sẵn sàng trong lòng tác giả.

Bài thơ mang âm điệu bi tráng nhưng vẫn không bi quan, nó vẫn thể hiện “hào khí Đông A” rõ nét. Nó mang một nỗi buồn của con người có tài mà không được trọng dụng, gây xúc động cho người đọc.

Tóm lại, hai bài Bạch Đằng giang phúCảm hoài đều mang một tâm sự buồn nhưng không bi, thể hiện lòng yêu nước của chàng trai thời Trần - của hào khí Đông A, ra sức giúp vua, giúp nước. Nó vẫn là ngọn lửa rừng rực cháy sáng soi rọi cho thanh niên Việt Nam trong xã hội ngày nay đem tài năng và trí tuệ dựng xây Tổ quốc...

Leave a Reply