Suy nghĩ về truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Tác phẩm viết về cuộc đời của những người dân thời trước Cách mạng, thuộc tầng lớp mà M. Go-rơ-ki gọi là "dưới đáy", đang sống chật vật, cơ cực trong một xóm ngụ cư. Vào lúc Kim Lân sáng tác thiên truyện ngắn, một đề tài thế này khó có thể gọi là còn mới mẻ. Vậy mà, từ cái đề tài dường như đã quen thuộc đó, nhà văn vẫn dư sức tạo ra những trang văn hay đến lạ lùng.

1. Câu chuyện được xây dựng trên bối cảnh của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, cái thảm hoạ đã cướp đi của dân tộc ta 1/10 dân số. Kim Lân đã viết những dòng, đến nay còn hiếm hoi, tái hiện một cõi dương cứ lởn vởn hơi hướng của cõi âm. Ở đó, bầy người sống, xanh xám như bóng ma, đang đi lại vật vờ bên những xác nằm chết còng queo ở vệ đường; không gian tối tăm thì đầy tiếng hờ khóc nỉ non và ngạt mùi đống rấm được đốt lên để làm tản bớt đi tử khí; còn bầu trời rợp cánh quạ vù bay sau khi sà xuống ăn thịt người đã rữa thiu... Tác giả đã phần nào làm được điều nhà văn Nam Cao nói tới trong một truyện ngắn của ông: ghi lại, để các đời con cháu sẽ kể tiếp mãi cho nhau về cái tai hoạ thảm khốc nhất của dân tộc, khiến họ phải rùng mình.

2. Nhưng, điểm thần tình nhất trong Vợ nhặt lại phải tìm ở chỗ: Kim Lân, thật là cắc cớ, lại đặt vào khung cảnh ấy một cuộc hôn nhân. Một đám cưới oái oăm giữa một thời quái đản! Song chính cái tình cảnh cái ăm, éo le, dở khóc dở cười đó, một khi đã được sáng tạo ra rồi, thì nó sẽ giúp nhà văn đạt tới một trong những đỉnh tuyệt vời của nghệ thuật viết truyện ngắn là chỉ bằng cái rất ít mà có thể nói trúng được rất nhiều.

Nói là rất ít, bởi câu chuyện chỉ xoay quanh sự việc anh Tràng tình cờ nhặt được vợ, rồi đưa cô vợ nhặt ấy về nhà. Nhưng cũng rất nhiều, bởi thông qua sự việc ngỡ như đơn giản đó, tác giả lại có thể bao quát được hàng loạt vấn đề chân phác, gần gũi mà xa rộng, có khả năng vươn đến tầm của một triết lí cao cả loé sáng lên từ nỗi đớn đau, khổ nhục của kiếp người: cái chết với sự sống, đau khổ với niềm vui, thấp hèn và cao quý, tuyệt vọng cùng hi vọng... Và những đối cực đó trong tác phẩm, luôn được đặt trong thế vừa thống nhất, vừa xung đột, đối chọi nhau dữ dội, quyết liệt, đến cực độ, đến tột cùng. Nếu coi đây là tình huống, thì đó phải là loại tình huống mà người cầm bút không dễ sáng tạo tới hai lần trong một đời văn.

Vợ nhặt

3. Song, như cách nói của một nhà triết học lớn, khi mâu thuẫn được đưa lên "chóp đỉnh", sự muôn màu muôn vẻ sẽ hiện ra. Tác giả Vợ nhặt đã giúp bạn đọc một cơ hội để nhìn cõi nhân gian từ một chóp đỉnh của mâu thuẫn. Và nhờ đó trước mắt họ, một bức tranh hiện thực sẽ được mở ra với nhiều màu vẻ độc đáo lí thú khác thường.

3.1. Đó là sự thật của đời sống hiện qua một góc nhìn thấm đẫm chất nhân văn. Kim Lân đã tố cáo nạn đói, cùng những kẻ gây ra nó, từ phía cơn bão có sức huỷ diệt khủng khiếp ấy đã khiến cuộc sống của con người bị biến dạng, bị bẻ quằn, để trở nên méo mó và nham nhở.

Tác giả đã phác ra trong truyện mây bức biếm hoạ, vẽ những người trông chẳng ra người. Ví như, cô "vợ nhặt" kia, cái người mà cảnh đói ăn đã bào mòn da thịt, tàn phá cả hình hài, chỉ để lại một bộ ngực gầy lép, một khuôn mặt lưỡi cày vêu vao, trên đó, đôi mắt, vì đói, đã trở nên trắng dã. Tràng, kẻ nhặt chị, cũng chẳng hơn. Phận nghèo hèn đã kịp biến anh ta thành một gã trai xác to mà đầu bé, thô kệch như một gộc cây đẽo vụng, với những điểm nhấn rất khó quên và đôi mắt gà gà, cùng lối ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch.

Và những gì vốn là đẹp đẽ, thơ mộng trong đời sống tinh thần của con người cũng đã bị cái đói phá huỷ không thương tiếc. Vợ trở thành thứ có thể nhặt được như nhặt một cọng rác ở lề đường. Người con gái dám trở nên trơ trẽn chỉ vì một câu hò vu vơ có giò và cơm trắng. Tình duyên được quyết định qua bôn bát bánh đúc mà người phụ nữ ấy cắm mặt xuống ăn một mạch, không ngẩng đầu lên. Rồi một cuộc "rước dâu" chỉ vẻn vẹn có hai mông người. Rồi nàng dâu mới ra mắt mẹ chồng trong bộ áo vu quy rách như tổ đỉa. Rồi bữa ăn đầu tiên mà người mẹ ấy đãi cô con dâu trong ngày "nhị hỉ" chỉ gồm cháo loãng thếch và cám đắng chát, cái món ăn vốn không phải của con người... Một chuỗi những chuyện cười ra nước mắt.

3.2. Thế nhưng, chỗ đáng quý nhất trong Vợ nhặt lại là, trong cuộc đấu tranh tưởng như không cân sức để vật vã chống lại cái đói đang ập đến, đang điên cuồng huỷ hoại con người, những giá trị người vẫn không hề ở bên chiến bại. Kim Lân cho thấy, giữa cơn đói quay quắt, cái mà những con người lao động nghèo khổ cần nhất vẫn chưa phải là miếng ăn. Đối với họ, cần nhất là có được tình người. Đấy mới là cái để những người như vợ chồng Tràng thấy mình từ nay đã thật sự nên người. Hạnh phúc đúng là không thể làm cho người ta bớt đói. Nhưng khi đã có vợ, dù là vợ nhặt, đã có đám cưới, dù là đám cưới không thể thảm hại hơn, đã quấn túm bên nhau, dù chỉ trong túp nhà nát tươm, thì mỗi người đều bỗng nhiên đổi khác. Tràng sẽ thành người đàn ông đứng đắn và có trách nhiệm hơn với gia đình; chị vợ nhặt sẽ thành người đàn bà hiền thục; bà mẹ sẽ mất hẳn bộ dạng lọng khọng, hấp háy, mà càng lúc càng linh hoạt, đầy sinh khí, và không ngớt nói những điều hi vọng cho con cháu mai sau. Giữa cực điểm của lo âu, khôn quẫn, người dân lao khổ vẫn không đánh mất sự "thuần hậu nguyên thuỷ" vốn là bản chất của mình. Vợ nhặt, do đó, không chỉ giúp ta biết đau nỗi đau của con người, mà còn biết quý biết tin ở nhân dân, ở con người.

3.3. Viết về những ngày cùng khôn, nhưng Vợ nhặt đã không còn nằm trong quỹ đạo của văn học hiện thực phê phán. Tác phẩm cho thấy, hiện tại không chỉ là đêm tối. Sự đổi thay đã hé lộ. Cách mạng đã chiếm lĩnh trí tưởng tượng của những người khôn khổ, như vợ chồng Tràng.

Leave a Reply